menu search
Đóng menu
Đóng

Sẽ sửa đổi NĐ38 về thủ tục công bố hợp chuẩn hợp quy đối với hàng NK để sản xuất, XK

15:33 16/09/2016

Theo NĐ38, qui định công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định ATTP này áp dụng cho cả hàng nhập khẩu (bao gồm cả nguyên liệu chế biến, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, gia vị, bao bì) để sản xuất, XK, không tiêu thụ trong nước vẫn phải công bố hợp chuẩn, hợp quy.

Tại Hội thảo Đối thoại Chính sách, quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) do VCCI và Cục ATTP, Bộ Y tế tổ chức ngày 12/9/2016, đại diện VASEP, Phó Tổng Thư ký Nguyễn Hoài Nam đã đề cập đến kiến nghị của VASEP trong suốt 2 năm qua về thủ tục công bố hợp chuẩn, hợp quy đối với hàng phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, gia vị phục vụ cho chế biến, XK. Cục ATTP đã ghi nhận và sẽ báo cáo, trình sửa Nghị định 38/2012/NĐ-CP (NĐ38) điều chỉnh vấn đề này. Trong thời gian chờ sửa nghị định, sẽ báo cáo xin Chính phủ có Quyết định tạm thời để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo kiến nghị của VASEP.

Theo NĐ38, qui định công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định ATTP này áp dụng cho cả hàng nhập khẩu (bao gồm cả nguyên liệu chế biến, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, gia vị, bao bì) để sản xuất, XK, không tiêu thụ trong nước vẫn phải công bố hợp chuẩn, hợp quy. Thực tế, thủ tục này làm tốn kém rất nhiều thời gian, gây phát sinh chi phí lưu kho, lưu bãi, thậm chí làm mất cơ hội kinh doanh của DN. Để hoàn thành thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định ATTP, DN phải mất thường là khoảng 1 tháng với nhiều loại Giấy tờ kèm theo và phát sinh các chi phí lưu kho, lưu bãi, thậm chí làm mất cơ hội kinh doanh của DN do DN không nhận hàng kịp nên không thể giao hàng đúng tiến độ yêu cầu của khách hàng.

Ông Nam cho biết, về kiến nghị liên quan đến Cục ATTP, từ năm 2014 đến nay VASEP đã có 6 văn bản, 2 cuộc họp với đại diện Cục ATTP, nội dung này khi kiến nghị lên Chính phủ cũng đã được đưa vào NQ 19/2016. Tuy nhiên, cho đến nay, những trăn trở, vướng mắc chính của ngành thủy sản chưa được giải quyết. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, rất nhiều lợi thế DN thủy sản có thể có được, nhưng nếu những thủ tục như thế này không được Bộ Y tế lưu tâm để điều chỉnh kịp thời thì rõ ràng sẽ níu kéo những nỗ lực đó.

Liên quan đến vấn đề NK để sản xuất, XK, Hiệp hội VASEP đã tiến hành làm việc cùng 3 bộ: hiện nay Bộ Tài chính đã sửa Luật thuế XK, NK theo đó miễn thuế cho hàng NK để sản xuất, XK bao gồm nguyên liệu và các loại vật tư, phụ liệu, miễn thuế có hiệu lực từ 1/9/2016. Với Bộ NN và PTNT, cụ thể là Cục thú y được phân công kiểm soát ATTP đối với hàng nguyên liệu thủy sản NK, liên quan đến Thông tư số 06/2010/TT–BNNPTNT (TT06), VASEP cũng kiến nghị cùng thời gian với Bộ Y tế, và hiện nay thông qua 2 nghị quyết cũng đã sửa TT 06. Hiện đối với hoạt động sản xuất, XK cũng thành một kênh kiểm soát riêng, không có thủ tục phải đăng ký với Cục thú y tại Hà Nội, chỉ có việc đăng ký tại nơi DN nhập về. Hiệp hội kiến nghị trên tinh thần xem xét các khía cạnh của Luật ATTP và Nghị định số 38/2012/NĐ-CP (NĐ38), chúng tôi thấy rằng, các hồ sơ kèm theo lô hàng, kiểm soát ATTP dựa trên nguyên tắc HCCP và quản lý rủi ro…Căn cứ những điều này, trong 2 năm qua, với 6 văn bản, Hiệp hội mong Bộ Y tế , đặc biệt là Cục ATTP lưu tâm đến việc nhập để sản xuất, XK vì đây là mắt xích cho vấn đề hội nhập các FTA hiện nay. Nếu không tháo gỡ được khâu này, không phải vấn đề chi phí tiền bạc, mà vấn đề là chi phí cơ hội cho thời gian xử lý những thủ tục ấy theo đúng quy trình của NĐ38 vì NĐ không phân ra: nhập để tiêu thụ nội địa, nhập để kinh doanh, để đầu tư hay nhập để sản xuất, XK.

Luật quản lý thuế XK, NK đã được thay đổi và thông qua vào tháng 4/2016 đã quyết định miễn thuế cho hàng NK để phục vụ sản xuất, XK và bên Bộ NN cũng đã tháo gỡ cho hoạt động này, vì vậy đề nghị Bộ Y tế, Cục ATTP lưu tâm giải quyết theo kiến nghị của VASEP là:  Bộ Y tế sửa đổi lại các dự thảo Nghị định có liên quan để với hàng NK cho SXXK, gia công hoặc nhập kinh doanh nhưng làm nguyên liệu sản xuất tiếp (bao gồm cả nguyên liệu chế biến, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, gia vị, bao bì) thì không cần phải thực hiện thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định ATTP.

Phía Cục ATTP, Bộ Y tế, lãnh đạo Cục đã bày tỏ quan điểm là phải lắng nghe kiến nghị của DN, ghi nhận ý kiến của VASEP. Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, liên quan đến kiến nghị của VASEP, Cục đã nghiên cứu: Theo Luật ATTP, không có sự phân biệt giữa hàng NK để XK hay để sản xuất trong nước và tại điều 14 của NĐ 38 đã quy định những trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước, trong đó không có trường hợp nào quy định hàng NK để sản xuất XK được miễn kiểm tra, đây là một trong những vướng mắc mà Cục ATTP cũng đã cân nhắc trong thời gian vừa qua. Bên cạnh hàng NK để sản xuất XK, còn có hàng mẫu, hàng quà biếu, quà tặng, hàng tạm nhập, tái xuất…cũng không thuộc đối tượng được miễn kiểm tra theo NĐ 38. Trong quá trình xây dựng Nghị định 67 mà Chính phủ đã ban hành về hướng dẫn luật đầu tư, Cục ATTP cũng đã đưa vào một điều về vấn đề này, tuy nhiên khi trình lên các cơ quan thẩm tra là Bộ tư pháp và Văn phòng Chính phủ, thì họ cho rằng phần đó không thuộc phần điều kiện kinh doanh nên tạm thời gác ra và đề nghị sửa NĐ38. Cục ATTP cũng đã đưa vào trong kế hoạch, và trong NĐ 38 dự kiến sẽ đưa phần này vào vì Thông tư số 52/2015/TT-BYT của Bộ Y tế không thể điều chỉnh những điều mà NĐ 38 của Chính phủ vì không có thẩm quyền.

Cách đây 2 tuần, Bộ Y tế đã làm việc với lãnh đạo của Tổng cục Hải quan và thống nhất tất cả các vấn đề trong đó có vấn đề hàng NK để XK, quà tặng, quà biếu, hàng tạm nhập, tái xuất, hàng mẫu sẽ thuộc đối tượng được xem xét và điều chỉnh, trong thời gian tới, nhưng điều chỉnh ở mức độ nào thì phải sửa bằng nghị định. Tuy nhiên điều chỉnh NĐ 38 sẽ mất thời gian và không thể làm ngay được, nên các bộ ngành (Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ NN) sẽ họp lại với nhau và có văn bản kiến nghị lên Chính phủ về vấn đề này, trong quá trình chờ sửa đổi NĐ38. Cục cũng đã chỉ đạo Phòng quản lý sản phẩm có kế hoạch họp với các bộ, ngành về vấn đề này ngay trong tuần này (tuần giữa tháng 9).

Nguồn: vasep.com.vn