Mặc dù chính thức được khánh thành và đưa vào sử dụng từ ngày 06/10/2010 nhưng sau gần 5 năm, việc quyết toán vốn đầu tư Bảo tàng Hà Nội – công trình từng là dự án lớn nhất do Thủ đô làm chủ đầu tư vẫn chưa được hoàn thành.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính gần nhất được Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam – Vinaconex (HNX: VCG) công bố, tính đến hết quý I/2015, Sở Xây dựng Hà Nội vẫn nợ đang nợ đơn vị này 1.589 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn khách hàng phát sinh từ việc Tổng công ty đầu tư theo hình thức BT Dự án Bảo tàng Hà Nội.
Khoản phải thu từ Sở Xây dựng Hà Nội thậm chí đã chiếm tới 27,31% tổng Phải thu khách hàng của Vinaconex (5.819 tỷ đồng) và gấp hơn hai lần khoản phải thu từ Công ty TNHH phát triển ĐTM An Khánh – khách hàng nợ nhiều thứ hai (708 tỷ đồng).
Tuy nhiên, theo lý giải của VCG, thực chất giá trị công nợ cũng không đến mức lớn như vậy, bởi lẽ, Quỹ đầu tư phát triển thành phố Hà Nội đã cho Tổng công ty vay số tiền 1.062 tỷ đồng với lãi suất 0% để thực hiện dự án.
Khoản vay này sẽ bù trừ khoản công nợ phải thu từ Sở Xây dựng Hà Nội khi có quyết toán được phê duyệt. Do đó, khoản phải thu thực tế chỉ còn trên 500 tỷ đồng.
Được biết, Bảo tàng Hà Nội chính thức được khởi công từ ngày 19/05/2008, xây dựng trên khu đất rộng 53.963 m2, trong khuôn viên Trung tâm hội nghị Quốc gia với tổng vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng. Tổng diện tích sàn khoảng hơn 30.000 m2, cao 30,7m. Bảo tàng được thiết kế theo hình kim tự tháp ngược, giật cấp với bốn tầng nổi và hai tầng hầm, mỗi tầng trên vươn ra ngoài so với tầng kề dưới 5 m. Ðơn vị đầu tư BT là Tổng công ty cổ phần VINACONEX. Ðơn vị thiết kế là Liên danh GMP-International GmbH-Inrosslackner AG.
Sau hơn 2 năm xây dựng, Bảo tàng chính thức được khánh thành và đón khách tham quan từ ngày 6/10/2010, ngay trước thềm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Theo Ninh Giang
An Ninh Tiền Tệ
Nguồn:An ninh Tiền tệ