menu search
Đóng menu
Đóng

Bi kịch của cổ phiếu tăng nóng

07:23 16/09/2015

Nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh thời gian qua nhưng cuộc chơi chỉ dành cho số ít. Nhà đầu tư ôm cổ phiếu đã tăng mạnh nhưng không bán được vì thanh khoản quá thấp.
Gần 3/4 chặng đường của năm 2015 đã đi qua và thị trường chứng khoán năm nay vẫn chưa tăng mạnh như kỳ vọng đầu năm của các nhà đầu tư, các chuyên gia phân tích, các công ty chứng khoán. Mặc các công ty chứng khoán xây dựng kế hoạch kinh doanh trên các số liệu siêu lạc quan đầu năm, VnIndex hiện chỉ mới loanh quanh mức 560 điểm so với khởi điểm 545 điểm đầu năm; HNX-Index mới đạt ~77 điểm-thấp hơn con số khởi điểm là 83 điểm đầu năm.

Nói một cách gọn gẽ hơn: thị trường chứng khoán chưa tăng trưởng đáng kể về điểm số kể từ đầu năm đến nay.

Thế nhưng, nhiều cổ phiếu đã tăng rất nóng dù thị trường chung giảm điểm.

Hàng loạt cổ phiếu tăng gấp đôi, gấp 3 lần đầu năm

Đầu tiên phải kể đến HTL của ô tô Trường Long. Khởi điểm đầu năm với mức giá gần 25.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu HTL đã đạt gấp 4 lần tương đương tăng trưởng 300%. Nếu tính quãng thời gian 1 năm, ai giữ cổ phiếu HTL từ tháng 9 năm ngoái thì tháng 9 năm nay có thể vui hơn nhiều lần khi cổ phiếu đạt mức tăng trưởng hơn 560%!

Cùng “họ” với HTL là doanh nghiệp ô tô TMT. Phải nhấn mạnh từ đầu rằng TMT đã tăng trưởng rất mạnh lợi nhuận. Từ chưa đầy 20 tỷ đồng lãi 6 tháng đầu năm ngoái, TMT đã đột phá đạt gần 140 tỷ đồng lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2015 tương đương EPS đạt 4.552 đồng. Sự tăng trưởng của TMT đến chủ yếu từ hoạt động kinh doanh chính khi mà doanh thu thuần tăng vọt từ hơn 490 tỷ cùng kỳ lên 1.950 tỷ.

Tăng trưởng mạnh trong hoạt động kinh doanh, giá cổ phiếu TMT đã tăng 150% so với đầu năm (đã loại trừ yếu tố điều chỉnh giá do trả cổ tức).

Một cổ phiếu tăng mạnh khác là TNT của Công ty cổ phần Tài Nguyên. Từ mức giá “ly trà đá” đầu năm 2015 (khoảng 4.000 đồng/cổ phiếu), TNT đã đạt mức giá gần 15.000 đồng/cổ phiếu những phiên gần đây. Giá tăng 3,5 lần trong chưa đầy 3 quý.

Ngoài những điển hình tăng nóng nêu trên, thị trường chứng khoán 3 quý đầu năm cũng chứng kiến hàng loạt cổ phiếu tăng trên 100% khác như PTC của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bưu điện; NT2 của Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2; TTP của Công ty Cổ phần Bao bì Nhựa Tân Tiến; ITD của Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong; EMC của Công ty cổ phần Cơ điện Thủ Đức; SVT của Công ty Cổ phần Công nghệ Sài Gòn Viễn Đông; BID của ngân hàng BIDV; BIC của Bảo hiểm BIDV; SKG của Công ty Cổ phần Tàu cao tốc Superdong – Kiên Giang…

Bi kịch của cổ phiếu tăng nóng

Nhưng HTL không phải không có “bi kịch”. Trong khi các cổ phiếu khác tăng không nóng bằng nhưng ồn ã giao dịch thì HTL lại lặng sóng khối lượng. Chẳng mấy ai mua, chẳng mấy ai bán. Những người nắm giữ cổ phiếu miệt mài đặt lệnh bán sau khi giá đã tăng “khủng” nhưng chẳng ai mua. Mỗi ngày, khối lượng đặt bán hầu như ngày nào cũng cao hơn nhiều khối lượng đặt mua và cung cũng chẳng khớp mấy lực cầu, thanh khoản chỉ loanh quanh vài trăm đến vài ngàn cổ phiếu/phiên suốt cả năm qua. Cũng không loại trừ chút ít cổ phiếu đó cũng là giao dịch mua, bán của cổ đông nội bộ khi mà thông tin đăng ký/ kết quả giao dịch thường xuyên được công bố thông tin trên sở ban ngành.

TNT tăng mạnh thời gian qua dù lợi nhuận 6 tháng đầu năm đạt chưa đầy 1,5 tỷ đồng trên vốn điều lệ 85 tỷ. TNT có kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn lớn trong năm 2015 và nếu giá cổ phiếu quá thấp thì việc tăng vốn khó thành

Có thể, cùng sự bứt phá mạnh của thị trường ô tô, của lợi nhuận riêng HTL (6 tháng đầu năm công ty lãi gấp 6 lần cùng kỳ, EPS đạt gần 7.800 đồng) thì chuyện tăng trưởng giá cổ phiếu là đương nhiên. Nhưng, tăng giá cổ phiếu đến tận gấp nhiều lần đầu năm với thanh khoản thấp, tăng mạnh so với những doanh nghiệp cùng ngành (cũng tăng trưởng lợi nhuận cao) thì chuyện bi kịch còn lớn hơn niềm vui tăng giá cổ phiếu.

Không đến mức thanh khoản thấp như HTL nhưng TMT cũng không còn thường xuyên thấy những phiên vài trăm ngàn cổ phiếu giao dịch/phiên như trước đây nữa. Trong 1 tháng giao dịch vừa qua, TMT chỉ có 3 phiên giao dịch trên 100 ngàn cổ phiếu. Có nhiều phiên như hôm 10/9, sau một chu kỳ hơn 1 tuần giảm giá liên tiếp mà khối lượng khớp lệnh của TMT cũng chỉ ở mức mười mấy ngàn đơn vị.

Còn TNT. Giá cổ phiếu đã tăng 3,5 lần trong khi lợi nhuận 6 tháng đầu năm-dù tăng rất mạnh so với con số chưa đầy trăm triệu cùng kỳ- cũng chỉ đạt chưa đầy 1,5 tỷ đồng. “Game” tăng giá mạnh của TNT có lẽ là nhờ kế hoạch hợp tác đầu tư vào các dự án tại Điện Biên hơn 450 tỷ đồng.

Còn một điều nữa đáng nói là trong năm 2015, TNT sẽ phát hành thêm 17 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ phát hành 1:2 và giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu. Với của để dành không quá hấp dẫn hiện tại, TNT “cần” một thị giá đủ hấp dẫn để đợt phát hành có thể thành công. Và, thị giá đã tăng 3,5 lần từ đầu năm đến nay-có thể vì TNT trong tương lai hấp dẫn nhà đầu tư nên họ sẵn sàng trả giá cao cho những gì hiện tại, cũng có thể vì điều gì khác.

Rồi, hàng loạt cổ phiếu khác đi ngược xu hướng chung của thị trường. Tạo được một mặt bằng giá mới nhanh chóng trong khi thị trường đang mải mê tìm kiếm những đáy cổ phiếu để mua, nhiều cổ phiếu đã và đang tăng trưởng quá nhanh lên một mức giá mà nội lực thực tế của Doanh nghiệp chưa đạt được. Và thực tế, không ít bi kịch về thanh khoản cổ phiếu, về giá trị thực của doanh nghiệp đã xảy ra.

Theo Hải An
Trí thức trẻ

Nguồn:Trí thức trẻ