Bên phía sàn HNX, ngôi vị dẫn đầu tiếp tục thuộc về SHB, khối lượng chuyển nhượng đạt gần 26 triệu đơn vị. Tiếp đến là mã SCR với khối lượng giao dịch đạt 15 triệu đơn vị và các mã TIG, KLF, PVS.
Tuần đầu giao dịch của năm 2016, thị trường chứng kiến áp lực điều chỉnh mạnh trên diện rộng do chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi thị trường chứng khoán thế giới, mà đặc biệt là từ Trung Quốc.
VN-Index trải qua tuần giao dịch ảm đạm với mức giảm 3,28%, chốt tuần ở mức 560,05 điểm. Diễn biến trên HNX có nhiều điểm tương đồng và HNX-Index giảm 4,44%, xuống còn 76,41 điểm.
Diễn biến giao dịch trong tuần, nhóm cổ phiếu dầu khí đã giảm rất mạnh do giá dầu thế giới chạm đáy 11 năm trở lại đây, cụ thể PVD (-13,58%), PXS (-13,79%), GAS (-3,31%).
Kéo theo, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng giảm sâu, các mã SSI (-10,81%), HCM (-14,61%). Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt điều chỉnh, với VCB (-3,87%), BID (-8,74%), MBB (-5,48%), CTG (-4,84%), STB (-3,82%).
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ không thoát khỏi xu hướng giảm với áp lực bán tháo rất mạnh, các mã HHS (-17,05%), DLG (-18,57%), HAI (-13,46%), FLC (-6,33%), JVC (-9,43%).
Trong tuần, diễn biến giao dịch khối ngoại trên hai sàn niêm yết trái ngược nhau. Họ duy trì trạng thái bán ròng suốt tuần trên HoSE với tổng giá trị 169 tỷ đồng, trong khi lại mua ròng 71 tỷ đồng trên HNX.
Tại sàn HoSE, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh nhất tại mã STB, khối lượng 1,3 triệu đơn vị, theo sau là ITA đạt 908.530 đơn vị, các vị trí kế tiếp là các mã CS2, NT2, PPC.
Bên cạnh đó, họ đã bán ròng mạnh nhất tại mã VIC, với khối lượng 5,4 triệu đơn vị, đứng thứ hai là mã HHS có khối lượng 2,3 triệu đơn vị.
Phía sàn HNX, mã SHB được khối ngoại mua ròng lớn nhất 1,5 triệu đơn vị. Các mã đứng ở những vị trí tiếp theo là NDN, AAA, IVS, PLC.
Chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng nhiều nhất tại mã VND với 342.900 triệu đơn vị, tiếp đến là các mã TIG, DBC, HUT, KSQ.
Tuần qua, khối lượng khớp lệnh trung bình mỗi phiên trên HoSE đạt trên 110 triệu đơn vị, tăng 15% so với tuần giao dịch trước do thanh khoản tăng đột biến 2 phiên cuối tuần. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên HNX mỗi phiên đạt trên 38,2 triệu đơn vị, tăng tới 20,9% so với tuần trước.
Như vậy, thanh khoản bình quân trên hai sàn tăng khoảng 17% so với tuần trước đó, tuy nhiên điều này có được lại do áp lực bán tháo mạnh. Thanh khoản tăng cao đặc biệt trong các phiên thị trường điều chỉnh mạnh.
Đáng chú ý, khối ngoại tiếp tục duy trì áp lực bán ròng trong cả tuần trên HoSE, tuy nhiên lượng bán ròng ở mức thấp và tập trung chủ yếu vào các mã blue-chip, trong đó, mã VIC bị bán ròng liên tục, khối lượng cả tuần lên tới hơn 5 triệu đơn vị.
Đánh giá chung từ phía chuyên gia, áp lực điều chỉnh trong tuần qua chủ yếu liên quan tới các rủi ro từ bên ngoài đem lại, đặc biệt là các thông tin thiếu tích cực từ nền kinh tế Trung Quốc.
Theo đó, Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc đã phải sử dụng hệ thống ngắt giao dịch tự động tới 2 lần trong vòng 1 tuần, trước áp lực điều chỉnh sâu của thị trường do những số liệu thiếu tích cực của chỉ số PMI cũng như động thái tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ thêm 0,5% của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, đẩy đồng tiền nước này về mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
Thêm vào đó, những diễn biến tiêu cực từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới kết hợp với diễn biến giá dầu tiếp tục điều chỉnh giảm sâu xuống dưới mốc 34 USD/thùng đã gây hiệu ứng bán tháo trên khắp các thị trường chứng khoán thế giới, trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam.
Song giới phân tích cũng lên tiếng cảnh báo, phản ứng của nhà đầu tư trong các phiên gần đây là khá tiêu cực khi các rủi ro bên ngoài tác động đồng thời khiến trạng thái tâm lý ổn định của thị trường bị phá vỡ.
Hiện, rủi ro đã tăng cao trở lại tại tất cả các nhóm cổ phiếu do đa phần không còn giữ được xu thế tích lũy duy trì trong hơn 1 tháng qua.
Số liệu thống kê do Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cung cấp./.
Theo Linh Chi
Vietnam+
Nguồn:Vietnam+