Sáng nay NHNN tăng tỷ giá thêm 1% từ mức 21.673 VND/USD lên 21.890 VND/USD (mức điều chỉnh tăng 1%), đồng thời điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3%.Với tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 21.890 VND/USD và biên độ tỷ giá +/-3%, thì tỷ giá trần là 22.547 VND/USD, tỷ giá sàn là 21.233 VND/USD.
Như vậy, trong năm nay, NHNN đã có 3 lần điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng. Trong 6 tháng đầu năm, NHNN đã tăng tỷ giá 2 lần với tổng mức điều chỉnh là 2% tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ mức 21.246 VND/USD lên 21.458 VND/USD vào ngày 7/1 và lên mức 21.673 VND/USD vào ngày 7/5.
|
Tỷ giá thực tế tại các ngân hàng đã tăng 4,6% từ đầu năm (từ 21.400 đồng/USD lên 22.400 đồng/USD)
|
Động thái tăng tỷ giá của NHNN được coi là phù hợp với thực tế hiện tại khi Trung Quốc liên tục phá giá nhân dân tệ trong thời gian vừa qua.
Ngay sáng nay, CTCP Chứng khoán Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) đã đưa ra báo cáo đánh giá nhận định về chính sách tỷ giá của NHNN và ảnh hưởng đến các nhóm ngành.
Theo BSC, trong 4 năm thực thi nhiều chính sách tỷ giá chặt chẽ, đa số các ngành/doanh nghiệp có mức độ phụ thuộc vốn vay ngoại tệ đều đã giảm đòn bẩy đáng kể (trừ ngành Vận tải biển). Quy mô xuất nhập khẩu tăng gần 50% trong 4 năm từ 203 tỷ USD lên 298 tỷ USD (2014). Do vậy việc tỷ giá tăng trong giai đoạn sắp tới là điều khó tránh nhưng cũng không tác động quá tiêu cực đến nền kinh tế.
BSC đánh giá Việt Nam là quốc gia có định hướng xuất khẩu nên đồng nội tệ giảm sẽ có tác động hai chiều đến các nhóm ngành. Cụ thể Nhóm được hưởng lợi gồm (1) các ngành xuất khẩu như: Thủy sản, dệt may, cao su, công nghệ, dầu khí; nhóm sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực như (2) nhóm ngành nhập khẩu như dược, nhựa, săm lốp và (3) các ngành có mức độ vay nợ ngoại tệ lớn như điện, vận tải biển, xi măng.
Theo BSC, có 4 ngành được hưởng lợi khi tỷ giá USD/VND tăng đó là ngành dầu khí, dệt may, công nghệ và thủy sản. Nguồn thu của các doanh nghiệp dầu khí chủ yếu bằng USD trong khi chi phí bằng VND vẫn chiếm tỷ trọng lớn, các cổ phiếu đáng chú ý có GAS, PVD, PVS. Trong khi đó, các doanh nghiệp thủy sản chủ yếu xuất khẩu sang Hòa Kỳ, EU và Đông Á, việc tăng tỷ giá sẽ giúp hỗ trợ xuất khẩu. Các cổ phiếu đáng chú ý trong ngành này có VHC, FMC, IDI, HVG. Với ngành dệt may các cổ phiếu đáng chú ý có TCM, TNG, NPS, KMR, GMC, GIL, TET, EVE.
Trong khi đó, có 7 ngành được đánh giá bị ảnh hưởng tiêu cực khi đồng USD tăng giá đó là:
Ngành điện, vận tải biển, xi măng: Theo BSC, các doanh nghiệp này đều có dư nợ bằng ngoại tệ lớn. Việc VND bị mất giá có thể làm giảm doanh thu tài chính từ lãi chênh lệch tỷ giá của các doanh nghiệp này. Đối với ngành xi măng, do tỷ giá EUR giảm nên tỷ giá tính chéo sẽ hạn chế bớt tiêu cực.
Ngành dược: 90% nguyên liệu dược phải nhập khẩu, thuốc thành phẩm chủ yếu lại tiêu thụ trong nước nên việc tăng tỷ giá cũng ảnh hưởng tiêu cực. Các cổ phiếu đáng chú ý là DHG, IMP, DMC, DCL, DBT, DHT, SPM.
Ngành nhựa: Tương tự như ngành dược, 80% nguyên liệu hạt nhựa phải nhập khẩu, tỷ trọng tiêu thụ thành phẩm trong nước lớn. Các cổ phiếu đáng chú ý có AAA, BMP, NTP, DAG, VBC, DNP, RDP, TPC,
Ngành săm lốp: Theo BSC, ngoài cao su tự nhiên, hầu hết nguyên liệu còn lại phải nhập khẩu (chiếm 66% chi phí sản xuất kinh doanh) trong khi lốp xuất khẩu mới chiếm tỷ trọng nhỏ.
Ngành cao su: Được đánh giá trung lập, các DN xuất khẩu cao su gặp nhiều khó khăn trước động thái phá giá đồng nhân dân tệ do Trung Quốc tiêu thụ đến 50% lượng cao su xuất khẩu. Việc tăng tỷ giá VND/USD làm giảm bớt tác động tiêu cực của việc phá giá nhân dân tệ. Các cổ phiếu đáng chú ý là DPR, TRC, PHR, TNC, VHG.
Hoàng Ly
Theo BSC
Nguồn:BSC