menu search
Đóng menu
Đóng

Chủ tịch UBCK: Tận dụng dòng vốn rút khỏi Trung Quốc chuyển vào TTCK Việt Nam

16:26 15/09/2015

"Dù có khả năng dòng tiền rút ra khỏi thị trường các nước mới nổi, tiếp tục gây áp lực lên dòng vốn đầu tư nhưng tác động sẽ không lớn, nếu chúng ta có các giải pháp phù hợp để tranh thủ nguồn vốn rút khỏi Trung Quốc dịch chuyển vào Việt Nam".

Trước những biến động gần đây của thị trường tài chính - tiền tệ toàn cầu, đặc biệt là sự đổ vỡ của TTCK Trung Quốc và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá cũng như khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể nâng lãi suất vào tháng 9, dòng tiền đang có xu hướng rút ra khỏi thị trường các nước mới nổi.

Trong nước, việc điều chỉnh chính sách tỷ giá, công tác tái cấu trúc ngân hàng cũng như diễn biến giá dầu đang có tác động tới tình hình thị trường chứng khoán (TTCK). Người Đồng Hành đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng xung quanh vấn đề này.

NĐH: Thưa ông, với những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang có nhiều dấu hiệu tăng trưởng chậm lại và có nhiều bất ổn. Điều này có ảnh hưởng như thế nào đến TTCK Việt Nam?

Chủ tịch Vũ Bằng: Kể từ khi TTCK Trung Quốc xảy ra biến động, theo dõi thị trường, có thể thấy nhà đầu tư nước ngoài từng tiếp tục đẩy mạnh mua ròng trên TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, từ sự phá giá của đồng nhân dân tệ và tình hình kinh tế vĩ mô của Trung Quốc đã cho thấy có tác động lên kinh tế và thị trường chứng khoán thế giới, qua đó tác động đến TTCK Việt Nam.

Cụ thể, trong giai đoạn này, TTCK Việt Nam đã có nhiều phiên giảm điểm, xen kẽ với các phiên hồi phục. Theo tôi, tính chung, với thanh khoản tiếp tục cải thiện, tâm lý thị trường đã ổn định trở lại.

Nguyên nhân của tình trạng này là do Trung Quốc thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, các điều kiện cho vay ký quỹ đầu tư chứng khoán được nới lỏng đã đẩy dòng tín dụng đi vào TTCK. Thêm vào đó, Trung Quốc đã đưa ra nhiều giải pháp phát triển TTCK để kích thích nền kinh tế như: nới lỏng điều kiện mở tài khoản kinh doanh chứng khoán cho nhà đầu tư; nới lỏng các điều kiện cho vay ký quỹ để đầu tư chứng khoán dẫn đến khối lượng cho vay tăng gấp 4 lần.

Ngoài ra, bên cạnh việc Trung Quốc áp dụng các biện pháp hạn chế tăng nóng một cách đột ngột đã cùng với tình trạng nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm phần lớn, và TTCK Trung Quốc bị tách xa ra khỏi nền kinh tế thế giới cũng là những nguyên nhân quan trọng. Khi các tín hiệu nền kinh tế có nhiều khó khăn và thông tin cơ quan quản lý Trung Quốc có thể đưa ra một số biện pháp nhằm hạn chế giao dịch ký quỹ và các hình thức đầu tư bằng vốn vay đã châm ngòi cho việc sụp đổ TTCK.

Trung Quốc đã điều chỉnh tỷ giá với mức điều chỉnh lớn đã khiến thế giới lo ngại kìm hãm đà tăng trưởng toàn cầu. Chúng ta cần hiểu rõ việc phá giá đồng Nhân dân tệ là nhằm kích thích xuất khẩu, đồng thời để thực hiện mục tiêu cải cách thị trường tiền tệ, đảm bảo chính sách tỷ giá linh hoạt và tỷ giá có nhiều tính thị trường hơn để đồng nhân dân tệ có thể vào giỏ tiền quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF.

Trước đó, Trung Quốc đã thực hiện chính sách neo tỷ giá CNY với đồng USD và hỗ trợ tỷ giá đồng CNY (tăng khoảng 30%) để nhằm ngăn chặn sự rút lui của các dòng vốn, đảm bảo sự ổn định cho nền tài chính và TTCK. Tuy nhiên, điều này đã khiến chi phí sản xuất của Trung Quốc trở lên đắt đỏ. Vì vậy, làm giảm khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và xuất khẩu của Trung Quốc. Trong khi TTCK bị sụt giảm, Trung Quốc buộc phải chọn giải pháp phá giá đồng CNY.

Với tình hình đó, sự tác động đối với Việt Nam là không thể tránh khỏi, nhưng tác động không quá lo ngại như phản ứng tiêu cực quá đà của thị trường. Dù có khả năng dòng tiền rút ra khỏi thị trường các nước mới nổi, tiếp tục gây áp lực lên dòng vốn đầu tư nhưng tác động sẽ không lớn, nếu chúng ta có các giải pháp phù hợp để tranh thủ nguồn vốn rút khỏi Trung Quốc dịch chuyển vào Việt Nam.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc thu hút dòng vốn nước ngoài. Gần đây nhất, việc cho phép tăng sở hữu nước ngoài là một giải pháp kịp thời nhằm thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, từ đó góp phần hạn chế tác động của tỷ giá. Chúng tôi vẫn cho rằng sự sụt giảm của TTCK Việt Nam đang đi quá mức cần thiết do tác động từ vấn đề tâm lý. Vì vậy khi giá chứng khoán xuống thấp sẽ có nhiều dòng tiền “bắt đáy” và thị trường sẽ có sự phục hồi.

Ông nói Việt Nam đã có giải pháp chủ động thu hút dòng vốn ngoại. Cụ thể là gì thưa ông?

Chủ tịch Vũ Bằng: Chúng tôi cho rằng cần có những giải pháp đối với kinh tế vĩ mô, thương mại và doanh nghiệp.

Thứ nhất, đó là sự cần ưu tiên cho việc cải thiện cán cân thương mại, tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài; hỗ trợ xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu các danh mục không cần thiết; giảm thiểu thủ tục hành chính, tăng cường xúc tiến đầu tư, sử dụng cơ chế Nghị quyết và Nghị định của Chính phủ để sửa đổi các nghị định hiện hành nhằm tháo gỡ các rào cản, tăng cường cải cách trong cơ chế cổ phần hóa, bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước và bán ra với tỷ lệ lớn hơn; tăng cường công tác chống buôn lậu, quản lý thị trường tự do…

Các giải pháp này sẽ tận dụng được cơ hội dòng vốn rút ra khỏi Trung Quốc và đi vào Việt Nam, đồng thời hỗ trợ cho việc cải thiện cán cân thanh toán và vấn đề tỷ giá.

Đồng thời, cần chuyển đổi chính sách tỷ giá từ ổn định, linh hoạt sang chủ động, linh hoạt để có thể khuyến khích xuất khẩu và hạn chế tác động tiêu cực từ bên ngoài. Hạn chế áp dụng các giải pháp hành chính, can thiệp thị trường dẫn đến sự sụt giảm nguồn dự trữ ngoại hối, bóp méo thị trường, từ đó tạo kẽ hở cho lực lượng đầu cơ lợi dụng.

Bên cạnh đó, phải tiếp tục nâng hạng TTCK Việt Nam từ nhóm các thị trường chứng khoán cận biên lên nhóm các thị trường chứng khoán đang phát triển trên bảng MSCI nhằm nâng cao vị thế của TTCK Việt Nam.

Đặc biệt, chúng tôi sẽ tăng cường đối thoại trực tiếp với nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường, các tổ chức kinh doanh chứng khoán, công ty tư vấn đầu tư. Khảo sát nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài thông qua các tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Đối với NĐTNN tiềm năng tại các TTCK phát triển, sẽ có kế hoạch xúc tiến đầu tư thường kỳ, dài hạn tại các nền kinh tế lớn trên thế giới để tăng cường giới thiệu về Việt Nam, đồng thời tìm hiểu nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng.

Cùng với đó, phải phát triển các định chế đầu tư chuyên nghiệp và xây dựng các quy định về xếp hạng tín nhiệm và thiết lập tổ chức định mức tín nhiệm của Việt Nam; xây dựng Quỹ bảo vệ nhà đầu tư trong trường hợp các tổ chức trung gian tài chính giải thể, phá sản để đảm bảo tài sản cho nhà đầu tư. Đây là vấn đề đặt ra của các cơ quan quốc tế nhằm đảm bảo minh bạch và hỗ trợ nhà đầu tư.

Hiện chúng tôi đang đề xuất cho phép nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư không hạn chế vào trái phiếu (bao gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu doanh nghiệp).

Xin cảm ơn ông!

Nguồn:NDH