menu search
Đóng menu
Đóng

Điều gì đang xảy ra với cổ phiếu ngân hàng?

16:38 17/08/2015

Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/8, EIB và CTG đã đồng loạt 'nằm' sàn, trong đó, EIB đã trắng bên mua và dư bán giá sàn hơn 900 nghìn đơn vị.
Hàng loạt cổ phiếu ngân hàng "lao dốc"

Phiên giao dịch ngày 17/8, thị trường bất ngờ bị bán tháo trong phiên giao dịch chiều. VNI giảm mạnh 15,88 điểm (-2,70%) xuống còn 573,15 điểm.

Đáng chú ý, các cổ phiếu ngân hàng và dầu khí là tâm điểm của đợt bán tháo mạnh.

Hai cổ phiếu EIB và CTG bất ngờ bị kéo xuống mức giá sàn. EIB khớp lệnh hơn 2,3 triệu đơn vị và dư bán giá sàn hơn 900 nghìn đơn vị. Hết giờ giao dịch EIB giảm 6,7% xuống còn 12.600 đồng/cp.

CTG khớp lệnh hơn 3,2 triệu đơn vị và chỉ còn dư mua giá sàn hơn 298 nghìn đơn vị. Theo đó, CTG giảm 6,76% còn 19.300/cp.

Bên cạnh đó, BID cũng giảm tới 1.400 đồng xuống chỉ còn 21.000 đồng/CP và khớp lệnh trên 2,9 triệu đơn vị (có thời điểm BID đã bị kéo xuống mức giá sàn). VCB mất 2.300 đồng xuống 41.000 đồng/CP.

Ngoài ra, hàng loạt các cổ phiếu ngân hàng khác cũng giảm theo: MBB giảm 1,7%, xuống còn 14.700 đồng/cp; ACB giảm 5,6% xuống còn 18.700 đồng/cp…

"Tái cơ cấu ngân hàng đến tận cùng về lâu dài cổ phiếu ngân hàng hưởng lợi"

Trước thực tế cổ phiếu ngân hàng "đổ đèo” hàng loạt, gây hoang mang cho nhà đầu tư, PV NDH đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng phòng phân tích khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC).

Ông Minh cho rằng, sở dĩ các cổ phiếu ngân hàng lao dốc trong phiên 17/8 có nguyên nhân từ sự kiện gần một số ngân hàng bị NHNN kiểm đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

Từ đó, nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng sắp tới nhiều ngân hàng yếu kém khác sẽ bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt giống như trường hợp của Ngân hàng Đông Á cuối tuần qua. Tin đồn từ đó lan rộng trên thị trường

Xét trong phiên giao dịch ngày 17/8, ngay cả đối với những mã cổ phiếu ngân hàng tốt cũng bị giảm, tạo ra hiệu ứng cổ phiếu ngân hàng "lao dốc” hàng loạt.

Nói về điều này, ông Minh cho rằng: "Đây là một tâm lý mang tính 'bầy đàn', bởi xét cho cùng việc NHNN hay cử các ngân hàng tốt tham gia vào các ngân hàng yếu kém là chuyện nên làm và đây là tín hiệu tốt cho thị trường. Về lâu dài, hệ thống ngân hàng minh bạch, quyền lợi khách hàng được đảm bảo thì nhà đầu tư cũng được hưởng lợi từ minh bạch này”.

Ông Minh khẳng định tái cơ cấu ngân hàng đến tận cùng là bước đi đúng đắn của NHNN và các thông tin về các ngân hàng yếu kém bị kiểm soát sẽ không có tác động lớn.

"Hiệu ứng giảm điểm chỉ duy trì một vài phiên tới, xét về triển vọng cổ phiếu ngân hàng sẽ được hưởng lợi từ công cuộc tái cơ cấu, thu hẹp số lượng ngân hàng. Nhà nước cũng có chủ trương mở rộng sự tham gia của khối ngoại vào hệ thống ngân hàng. Trước khi mời gọi được khối ngoại thì các ngân hàng phải cải cách, loại bỏ những yếu kém, không thể phát triển tràn lan như trước được. Có như vậy thì mới hấp dẫn được khối ngoại” - ông Minh nói.

Mới đây, khi trả lời trên Thesaigontimes Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng đã khẳng định sẽ đi tới tận cùng của tái cơ cấu ngành ngân hàng.

Giải thích về việc vì sao NHNN lại mua lại các ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng, Thống đốc Bình nói:"NHNN vào các ngân hàng 0 đồng để đảm bảo duy trì hoạt động của chúng cho đến thời điểm có thể xử lý được các tài sản thế chấp. Nếu để tư nhân vào, có thể thị trường sẽ không tin tưởng, người gửi tiền đến rút tiền, sẽ gây xáo trộn”.

Theo Bạch Dương
NDH

Nguồn:NDH