Sau rất nhiều lần lỡ hẹn với lộ trình giảm thời gian thanh toán xuống T+2, Bộ Tài chính và UBCK bất ngờ lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 74 hướng dẫn về giao dịch chứng khoán trong đó nội dung “đột phá” quan trọng nhất đó là nhà đầu tư được phép “giao dịch trong ngày” (day trading) và được “bán khống” cổ phiếu trong ngày với nhiều điều kiện ràng buộc.
Giao dịch trong ngày là gì?
Khái niệm “giao dịch trong ngày” ở đây được hiểu là nhà đầu tư sau khi đã mua hoặc bán một lượng cổ phiếu thì có trách nhiệm bán hoặc mua một lượng chứng khoán tương đương để bù trừ cho giao dịch đã thực hiện trước đó trong cùng ngày giao dịch (T+0). Việc thanh toán được thực hiện giữa CTCK và NĐT dựa trên chênh lệch giá sau khi bù trừ các khoản đối ứng.
Giao dịch mua bán trong ngày được thực hiện thông qua việc nhà đầu tư bán số chứng khoán đã mua từ lệnh mua đã được thực hiện trước đó trong cùng ngày giao dịch (mua trước – bán sau), HOẶC nhà đầu tư mua thêm chứng khoán để bù lại số chứng khoán đã bán trước đó (bán trước – mua sau).
Như vậy ở đây đã xuất hiện khái niệm “bán khống” (bán trước – mua sau), điểm khác biệt ở đây là bán khống chỉ được thực hiện trong ngày (T+0) và phải đảm bảo tuân thủ số dư tối thiểu bằng 0, nguyên tắc là nhà đầu tư phải mua lại số cổ phiếu đã bán sao cho đảm bảo việc bán cổ phiếu không được nhiều hơn số đang có và sẽ có.
Nguyên tắc hoạt động giao dịch trong ngày
Giao dịch cổ phiếu T+0 sẽ diễn ra giữa 2 chủ thể là CTCK và nhà đầu tư và CTCK sẽ là chủ thể “chịu trách nhiệm chính” với giao dịch mua bán trong ngày của NĐT. Trước đây NĐT chỉ được phép mua cùng một loại cổ phiếu trong ngày giao dịch (bán cổ phiếu đã có sẵn trong tài khoản sau đó có thể mua lại trong ngày) nhưng với dự thảo lần này, nhà đầu tư lần đầu tiên được tiếp cận với khái niệm bán khống sơ khai (bán trước – mua sau).
Chỉ có điều, giao dịch này phải đảm bảo số chứng khoán bán không được nhiều hơn số chứng khoán đã mua bao gồm: chứng khoán đã có trên tài khoản của nhà đầu tư, chứng khoán chờ về và chứng khoán vừa mua trong cùng ngày giao dịch.
Như vậy được hiểu ở đây rằng, nhà đầu tư được phép vừa mua xong là bán luôn (T+0), hoặc bán xong rồi phải mua để bù trừ đối ứng trong ngày tại CTCK. Trên nguyên tắc lượng mua, bán bằng nhau, nếu không có nguồn bù trừ đối ứng, thì CTCK cho vay hoặc sử dụng cơ chế mua cưỡng chế (buy in).
Để đảm bảo an toàn hệ thống và nhà đầu tư cũng như CTCK và các thành viên thị trường làm quen với giao dịch này, hiện trong dự thảo Bộ Tài chính mới chỉ áp dụng giao dịch trong ngày với 60 cổ phiếu trong danh mục các chỉ số Vn30, HNX30 và chứng chỉ các quỹ đầu tư niêm yết trên SGDCK.
Giao dịch T+0 cũng chỉ được áp dụng tại phiên khớp lệnh liên tục, không áp dụng tại phiên khớp lệnh định kỳ ATO, ATC, không áp dụng cho các giao dịch lô lẻ, giao dịch thỏa thuận.
Điều gì xảy ra nếu NĐT không mua lại cổ phiếu đã bán?
Để được giao dịch trong ngày, NĐT phải ký hợp đồng giao dịch mua bán trong ngày và hợp đồng giao dịch ký quỹ với công ty chứng khoán và phải ký hợp đồng bảo lãnh thanh toán với NHTM về việc hỗ trợ thanh toán chứng khoán, tiền để thanh toán giao dịch đối ứng. CTCK có quyền yêu cầu khách hàng ký quỹ tiền hoặc chứng khoán trước khi cho phép khách hàng thực hiện giao dịch T+0.
NĐT cũng không thể muốn bán bao nhiêu cổ phiếu cũng được mà các giao dịch mua (hoặc bán) trong ngày không được vượt quá hạn mức do CTCK xác định theo hướng dẫn của UBCK.
Sau mỗi ngày giao dịch CTCK có trách nhiệm thực hiện việc bù trừ ròng các giao dịch mua bán trong ngày của tứng khách hàng, CTCK cũng hoàn toàn phải chịu trách nhiệm xử lý và có nghĩa vụ thanh toán tiền, chuyển giao chứng khoán trong trường hợp NĐT không đủ tiền hoặc chứng khoán để chuyển giao tại ngày thanh toán.
Nếu vì lí do nào đó mà mệnh mua của nhà đầu tư không khớp thì phải vay để trả hoặc buộc phải mua để trả. Ngay trong ngày T, CTCK có trách nhiệm cho NĐT vay lượng chứng khoán còn thiếu. Chứng khoán cho vay được lấy từ tài khoản tự doanh của CTCK hoặc vay từ các thành viên khác. Sang ngày T+1, nếu NĐT tiếp tục không đủ chứng khoán để chuyển giao thì CTCK có trách nhiệm yết giá để thực hiện các giao dịch mua bán bắt buộc trên hệ thống của SGDCK hoặc TTLKCK (Buy in). Sang ngày T+2, nếu NĐT tiếp tục không đủ chứng khoán để chuyển giao, CTCk phải thực hiện lệnh vay trên hệ thống của TTLK.
Việc mua bán bắt buộc của CTCk được thực hiện trên hệ thống của SGCK hoặc hệ thống chuyển nhượng của TTLK.
Trường hợp nhà đầu tư không có đủ tiền để thanh toán cho số chứng khoán đã mua mà chưa kịp bán (đối với giao dịch trong ngày), CTCK yêu cầu nhà đầu tư ký quỹ bổ sung. Trường hợp nhà đầu tư không thể thực hiện ký quỹ bổ sung, CTCK thực hiện các thủ tục, bảo đảm có đủ tiền để thanh toán cho đối tác giao dịch tại ngày thanh toán.
Hoạt động giao dịch mua bán trong ngày dưới hình thức bán trước mua sau và hoạt động vay chứng khoán để hỗ trợ thanh toán không được phép thực hiện trong giai đoạn kể từ ngày làm việc thứ năm 5 ngày trước ngày giao dịch cuối cùng để chốt quyền cổ đông, tới ngày giao dịch cuối cùng.
Để dự thảo này đi vào thực tế, chắc chắn UBCK và Bộ Tài chính phải có các hướng dẫn chi tiết hơn, cũng như các buổi đào tạo cho CTCK cũng như Nhà đầu tư về việc thực hiện giao dịch. Các CTCK cũng phải đảm bảo các yêu vầu về vốn (800 tỷ), tỷ lệ an toàn tài chính (220%), không lỗ 2 năm gần nhất…mới được phép hoạt động giao dịch trong ngày. Nếu giao dịch này được thực hiện sẽ đem lại cú hích lớn về mặt thanh khoản cũng như độ hấp dẫn dòng tiền vào TTCK.