Ông Lê Vương Hùng, Giám đốc Khối kinh doanh Môi giới, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, khi thông tin xấu đến dồn dập thì nhà đầu tư thường có tâm lý bán ra để bảo toàn lợi nhuận hoặc giữ tiền để chờ mua ở vùng giá thấp hơn.
Phản ứng của nhà đầu tư trong phiên giao dịch 21/8 là bình thường, việc bán mạnh cũng loại loại trừ nguyên nhân từ những tài khoản bị margin call của các Công ty chứng khoán. Thanh khoản phiên giao dịch 21/8 cũng tăng mạnh chứng tỏ lực cầu bắt đáy đang hiện hữu và sẽ còn mạnh nếu thị trường tiếp tục giảm.
Tuần sau, từ ngày 24-28/08, theo ông Hùng, nhà đầu tư có thể bắt đầu giải ngân dần, hoặc chờ đợi cho đến khi các tin tức tiếp theo trong thời gian tới để quyết định giải ngân mạnh tay hơn.
Cũng theo dự đoán của ông Hùng, thị trường tuần sau rất khó để giảm mạnh như tuần vừa qua,
thị trường có thể giảm và đây là cơ hội để nhà đầu tư xem xét giải ngân. Nếu giảm tiếp, Vn-Index có thể nằm vùng thấp nhất trong đợt giảm này, khoảng từ 520-530 điểm.
Giai đoạn này, ông Hùng cho rằng đòi hỏi kinh nghiệm rất nhiều của nhà đầu tư. Nhà đầu tư có kinh nghiệm sẽ bán ra một cách dứt khoát khi thị trường chững lại tại các mốc quan trọng, hoặc suy giảm thanh khoản, hoặc khi có những tin đồn bất lợi cho thị trường.
Đối với việc bán ra, nhà đầu tư nên cân nhắc chỉ ở những cổ phiếu có lực cầu ít hoặc kết quả kinh doanh không khả quan. Một số ngành bị tác động bởi giá dầu giảm hoặc những doanh nghiệp nhập khẩu nhiều cho nguyên vật liệu đầu vào cũng sẽ bị tác động xấu do vừa bị phá giá VND.
Cùng với đó, báo cáo phân tích của VDSC cho rằng, trong tuần tới, một kịch bản đà giảm được hãm phanh và thị trường phục hồi ở mức độ nhẹ sẽ hứa hẹn giảm thiểu rủi ro cho các giao dịch mua vào. Ngoài ra, chuyên viên thị trường lưu ý, lượng tiền đến từ cổ tức của KDC (khoảng 4.500 tỷ đồng) sẽ về tài khoản trong tuần sau, cơ hội tham gia thị trường có thể đến với những nhà đầu tư nhận cổ tức tiền mặt từ Công ty này.
Trong tuần tới, VDSC tập hợp khá nhiều thông tin vĩ mô sẽ được công bố như chỉ số lạm phát, niềm tin tiêu dùng, doanh số bán lẻ hàng hóa, hoạt động sản xuất… Trong Quý I/2015, niềm tin tiêu dùng vẫn duy trì khá tích cực. Tuy nhiên dấu hiệu giảm đã bắt đầu le lói trong tháng 7 vừa qua (ANZ tháng 7: 138 điểm, Nielsen Q2/2015: 104 điểm). Cùng chung xu hướng đó, doanh số bán lẻ cải thiện khá tích cực trong 6 tháng đầu năm nhưng cũng chững lại trong tháng 07/2015. Tuy nhiên, với diễn biến giá dầu và hàng hóa hiện nay, chuyên viên ngành vẫn cho rằng niềm tin tiêu dùng và doanh số bán lẻ vẫn duy trì mức tích cực như đầu năm đến nay.
Khổng Chiêm