Mặc dù Nghị định 60/2015/NĐ-CP về nới room đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/9/2015, nhưng chưa tạo nhiều hưng phấn cho giới đầu tư, bởi cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết về ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Thậm chí, giao dịch của khối ngoại tại cổ phiếu SSI - công ty chứng khoán niêm yết đầu tiên thông qua việc nới room tối đa lên 100%, cũng khá ảm đạm trong ngày đầu mở room. Trong khi đó, khối ngoại vẫn duy trì bán ròng gần 440 tỷ đồng trong hai phiên đầu tuần, còn Quỹ VNM ETF đã bị rút ròng 1 triệu chứng chỉ quỹ, tương đương hơn 16 triệu USD. Điều này đã gây tác động xấu đến tâm lý của nhà đầu tư trong nước.
Không những vậy, những quan ngại về ảnh hưởng của nền kinh tế Trung Quốc tới các nước trong khu vực tiếp tục phủ bóng đen lên VN-Index và các chỉ số chứng khoán chủ chốt khác của châu Á. Hoạt động sản xuất của ngành chế biến chế tạo tại Trung Quốc trong tháng 8 đã suy giảm với tốc độ nhanh nhất trong vòng 3 năm, khi chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) của ngành sản xuất chỉ đạt 49,7 điểm, thấp nhất kể từ tháng 8/2012.
Điều này làm gia tăng lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, bất chấp các biện pháp hỗ trợ của chính phủ nước này và kéo theo tác động tiêu cực đến các nền kinh tế trong khu vực.
Chỉ số PMI của Việt Nam cũng đã suy yếu trong ba tháng qua, tương tự xu hướng xấu đi của khu vực sản xuất ở hầu hết các nước châu Á. PMI tháng 8/2015 của Việt Nam chỉ đạt 51,3 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2015. PMI tháng 8/2015 của Malaysia, Nhật Bản, Ấn Độ cũng chậm lại. PMI của Hàn Quốc và Indonesia đều ở mức khá thấp.
Về mặt điểm số, sau khi gặp ngưỡng kháng cự mạnh 575 - 580 điểm tạo bởi đường trung bình động MA200 ngày, chỉ số VN-Index đã điều chỉnh khá mạnh về mức 554,3 điểm trong phiên hôm qua.
Điểm số giảm cùng với sự suy yếu của thanh khoản cho thấy lực cầu không mấy tích cực tham gia vào thị trường trong bối cảnh các thông tin kinh tế vĩ mô không có nhiều biến chuyển tích cực, bất chấp việc lực cung đã tỏ ra khá “tiết chế”. Thông thường, điều này có thể dẫn tới kịch bản thị trường sẽ lình xình trong một khoảng thời gian nhất định trước khi tiếp tục đi xuống.
Hỗ trợ ngắn hạn của VN-Index là vùng 550 - 555 điểm
Sau khi tiệm cận kháng cự của đường MA200 hiện đang nằm tại vùng 575 - 580 điểm, chỉ số VN-Index đã có 3 phiên giảm điểm liên tiếp. Nhóm cổ phiếu dầu khí như GAS, PVD… nếu như là cảm hứng cho nhịp hồi phục trước đó của thị trường thì hiện lại là những cổ phiếu có mức giảm mạnh nhất.
Trong khi đó, dòng tiền đầu cơ lại đang tìm cơ hội ở nhóm cổ phiếu bất động sản như DIG, CEO, NDN… khiến thị trường phân hóa khá rộng. Điểm đáng chú ý là thanh khoản của sàn HOSE chỉ đạt trung bình gần 100 triệu cổ phiếu/phiên trong thời gian gần đây, giảm khoảng 30% so với những phiên trước đó, cho thấy sức cầu của thị trường đang yếu đi.
Hiện tại, VN-Index đang lui về vùng hỗ trợ ngắn hạn 550 - 555 điểm, tạo bởi đường trung bình động MA10 ngày, cũng như ngưỡng Fibonacci Retracement 38,2% áp dụng cho nhịp hồi phục vừa qua. Đây là cơ sở để giúp chỉ số sàn HOSE có thể hồi phục trở lại trong ngắn hạn lên vùng 560 - 565 điểm. Tuy vậy, khả năng đây chỉ là cơ hội để giúp các nhà đầu tư đang còn nắm giữ cổ phiếu có thể bán ra với một mức giá tốt hơn. Quan điểm của chúng tôi là thị trường khó có thể hình thành được một nhịp tăng mới, ít nhất là trong ngắn hạn.
Theo CTCK VPBS
ĐTCK
Nguồn:VPBS/Báo ĐTCK