menu search
Đóng menu
Đóng

Market Vector ETF đã mua vào gần 6 triệu cổ phiếu BID

10:42 17/09/2015

Vinanet - Bản thân VNM cũng là người bị động trong câu chuyện tính sai số liệu và loại BID, bởi quỹ này cũng bị thiệt hại nặng nề và thứ 6 tuần này VNM cũng phải bán ra gần 6 triệu cổ phiếu BID đã mua với giá 28.500 đồng/cp trong phiên giao dịch 10 triệu cổ phiếu ngày thứ ba.

Bom tấn trên TTCK Việt Nam đã nổ ra vào thứ ba tuần này khi Market Vector Vietnam ETF (VNM) đã bất ngờ thông báo không thêm cổ phiếu BID của Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) vào rổ danh mục Market Vector Vietnam ETF chỉ sau 3 ngày công bố danh mục review tháng 9. Lý do việc VNM không thêm BID ra khỏi danh mục là vì phía đối tác cung cấp dữ liệu cho VNM là Bloomberg có thể đã tính sai lượng cổ phiếu lưu hành tự do (free float) của BID. (xem thêm)

Ngay sau quyết định của VNM, ngày tiếp theo, FTSE cũng công bố không thêm BID vào danh mục FTSE Vietnam ETF trong kỳ cơ cấu lần này.

Có rất nhiều câu hỏi đặt ra trong lần cơ cấu “vô tiền khoáng hậu” này của 2 quỹ ETF, bởi trong danh mục của VNM, chính quỹ này cũng đã mua vào 5.984.130 cổ phiếu BID và số cổ phiếu này được giao dịch trong phiên thứ ba, phiên khớp lệnh 10 triệu cổ phiếu BID với giá trần 28.500 đồng/cp.

Như vậy bản thân VNM cũng là người bị động trong câu chuyện tính sai số liệu và loại BID, bởi quỹ này cũng bị thiệt hại nặng nề và thứ 6 tuần này VNM cũng phải bán ra gần 6 triệu cổ phiếu BID kia, trong khi BID đã giảm sàn liên tục 2 phiên gần đây với dư bán sàn lên tới gần 10 triệu cổ phiếu.

 

Vấn đề ở đây là VNM đã phát hiện ra sai số vào sáng thứ ba, quỹ này cũng đã có email gửi tới các nhà đầu tư về việc điều chỉnh tỷ lệ free float của BID, nhưng trong thông báo sáng thứ ba, VNM vẫn ghi “sẽ giữ nguyên tỷ trọng 8% của BID trong danh mục”. Chỉ đến chiều, VNM quyết định loại thẳng tay BID và gây ra làn sóng bán tháo khủng khiếp tại cổ phiếu ngân hàng này.

Nếu VNM hay FTSE quyết định giữ BID trong danh mục, thì (i) hai quỹ này sẽ tốn chi phí rất lớn để mua đủ số BID theo yêu cầu, (ii) nếu trong trường hợp cầu của BID quá tải, và VNM hay FTSE không mua được BID đúng tỷ trọng trong các lần tiếp theo sẽ làm tăng độ sai lệch tracking error giữa diễn biến NAV và chỉ số mô phỏng. Do đó, để cái sai không kéo dài thì 2 quỹ này cắt luôn BID ra khỏi danh mục.

Hoàng Ly