Triển vọng năm 2015
Hiện tại, đang có một sự đồng thuận trên diện rộng từ nhà quan sát, phân tích cho đến các nhà thầu dầu rằng, giá dầu sẽ không quay trở lại mức 100 USD/thùng trong năm 2015.
Từ cuối tháng 11/2014, một làn sóng cắt giảm mạnh hoạt động đầu tư, nhân sự của nhiều tập đoàn dầu khí thế giới và sự sụt giảm kỷ lục về số lượng giàn khoan tại Mỹ là minh chứng rõ rệt cho thấy việc giá dầu đang giao dịch ở vùng 50 USD/thùng (WTI) tạo ra áp lực rất lớn cho các công ty trong ngành.
Tại khu vực châu Á -Thái Bình Dương, mặc dù chi phí toàn bộ chu kỳ sản xuất của dầu thô (gồm chi phí bán hàng và quản lý; chi phí chìm: tìm kiếm và phát triển, mua tài sản…; chi phí sản xuất; chi phí vận chuyển; thuế; chi phí vốn và phần bù rủi ro) thấp hơn 30% so với chi phí bình quân thế giới (~36 USD/thùng), nhưng đầu năm 2015, các công ty dầu khí lớn trong khu vực cũng đã bắt đầu tham gia vào làn sóng cắt giảm đầu tư.
Ngoài ra, theo Moody’s, lợi nhuận của lĩnh vực dịch vụ dầu khí sẽ giảm từ 25 - 30% trong trường hợp giá dầu bình quân ở mức 60 USD/thùng.
Đồng thời, do sự cắt giảm mạnh của hoạt động đầu tư, các doanh nghiệp hoạt động trong khâu trung nguồn (phân phối, vận chuyển và tàng trữ) sẽ đối phó với thách thức suy giảm về tăng trưởng.
Đối với ngành dầu khí Việt Nam, để ứng phó với biến động giá dầu, theo kế hoạch của PVN, các chỉ tiêu gia tăng trữ lượng và khai thác dầu khí đều giảm so với thực hiện năm 2014.
Trong đó, sản lượng khai thác dầu khí trong nước giảm 810.000 tấn (-5,2%) và khai thác khí giảm 0,4 tỷ m3 (-4%). Với kịch bản giá dầu ở mức 100 USD/thùng, doanh thu toàn Tập đoàn chỉ giảm nhẹ khoảng 3,6% so với năm 2014 trong khi vốn đầu tư tăng mạnh lên đến 116.800 tỷ đồng (+41%).
Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, kịch bản giá dầu 100 USD/thùng trong năm 2015 có lẽ chỉ còn nằm “trên giấy”, do vậy, Rồng Việt Research cho rằng, PVN phải điều chỉnh kế hoạch trên.
Theo PVN, với kịch bản cơ sở là giá dầu bình quân 50 USD/thùng trong năm 2015, tổng doanh thu toàn Tập đoàn và lợi nhuận sau thuế hợp nhất sẽ giảm lần lượt 34,2% và 48,3% so với phương án đã lên kế hoạch - một mức sụt giảm đáng kể so với năm trước.
Theo Chủ tịch PVN, khi giá dầu xuống dưới 60 USD/thùng, PVN sẽ tính đến phương án cắt giảm sản lượng tại 4 mỏ có chi phí giá thành cao với trữ lượng khoảng 450.000 tấn, tương đương 3,1% kế hoạch khai thác trong nước năm 2015.
Tác động của giá dầu giảm đến chuỗi giá trị dầu khí
Thượng nguồn - Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí (khoan, cung ứng thiết bị và dịch vụ dầu khí)
Sản lượng dầu khai thác tại Việt Nam lập đỉnh năm 2004 và đi xuống zích zắc từ đó đến nay. Trước nhu cầu tiêu thụ năng lượng ngày càng cao của Việt Nam, sự sụt giảm của sản lượng dầu khai khác khiến nhu cầu tìm kiếm, thăm dò trở nên quan trọng.
Trong năm 2015, kế hoạch khoan thăm dò và thẩm lượng duy trì tương đương kết quả năm 2014, trong khi lượng giếng khoan khai thác giảm so với cùng kỳ.
Giá cung cấp dịch vụ khoan chắc chắn cũng sẽ giảm do ảnh hưởng của cú sốc giá dầu vừa qua. Trong lần sụt giảm gần nhất, giá cho thuê của các giàn khoan đi xuống liên tiếp 3 năm sau đó (giảm khoảng 25% đối với giàn Jack-up) dù giá dầu chỉ giảm trong 6 tháng.
Đối với các dịch vụ khác, Rồng Việt Research cho rằng, giá cung cấp các dịch vụ này phải giảm để hỗ trợ nhà thầu dầu khí khi giá dầu ở mức thấp như hiện tại, với mức giảm tùy loại hình dịch vụ (khoảng 2 - 10%).
Đối với hoạt động xây lắp, cơ khí (trên bờ và ngoài biển), trong năm 2015, các công trình xây lắp trên bờ (nhiệt điện, lọc dầu…) sẽ nhiều hơn công trình xây lắp ngoài biển.
Các doanh nghiệp tập trung vào dự án xây lắp, cơ khí trên bờ sẽ ít chịu ảnh hưởng của giá dầu giảm. Tuy nhiên, với sự ra đời của Luật Đấu thầu mới (có hiệu lực từ ngày 1/7/2014), thách thức cạnh tranh giữa các nhà thầu dịch vụ dầu khí trong nước và quốc tế sẽ ngày càng gia tăng.
Trung nguồn - Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, phân phối và tàng trữ dầu khí
Cùng với sự hồi phục của hoạt động sản xuất và nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu sử dụng năng lượng tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong năm 2015. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thuộc khâu trung nguồn của ngành phải chịu áp lực suy giảm về tăng trưởng lợi nhuận hoặc tăng trưởng âm do giá bán giảm theo giá dầu.
Trong khi đó, trong điều kiện giá dầu thấp, lộ trình tính giá khí theo cơ chế thị trường (Công văn số 2175/VPCP-KTTH) đối với các khách hàng điện, đạm, hộ công nghiệp có thể được thực hiện nhanh hơn và mở hơn so với kế hoạch cũ.
Việc đầu tư nâng cấp hệ thống cấp khí trong năm 2015 sẽ tiếp tục hoàn thành các công việc còn dang dở của năm trước (Nam Côn Sơn GĐ 1, Hàm Rồng – Thái Bình), trong khi các dự án có quy mô lớn nhiều khả năng sẽ bị giãn hoặc hoãn tiến độ thực hiện.
Chọn lọc doanh nghiệp
Nhìn nhận bức tranh của nhóm cổ phiếu dầu khí tại kịch bản giá dầu 50 USD/thùng, rõ ràng yếu tố cơ bản của các doanh nghiệp dầu khí bị ảnh hưởng tiêu cực, từ đó ảnh hưởng đến định giá của các cổ phiếu trên thị trường.
Tuy nhiên, nếu xoay lăng kính sang góc nhìn khác, Rồng Việt Research cho rằng, có thể lựa chọn một số cổ phiếu để xem xét đầu tư do nhân tố tiêu cực là giá dầu hầu như đã phản ánh vào giá cổ phiếu trong thời gian qua (trừ trường hợp giá dầu có thể giảm xuống thấp hơn).
Trong ngắn hạn, Rồng Việt Research ưa thích những cổ phiếu ít bị ảnh hưởng tiêu cực nhất bởi giá dầu hoặc có hệ số beta âm đối với giá dầu (PLC, GAS).
Trong dài hạn, việc chờ đợi thời điểm giá dầu hồi phục là cần thiết và Rồng Việt Research cho rằng, những cổ phiếu có hệ số beta dương cao đối với giá dầu cũng sẽ tăng giá trở lại (PVD, PVS, PVC).
CTCK Rồng Việt