Bộ Tài Chính mới ban hành Thông tư 202 và 200/2014/ TT-BTC có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 hướng dẫn những nguyên tắc kế toán mới đối với doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt là với các báo cáo tài chính hợp nhất. Công ty chứng khoán SSI vừa đưa ra báo cáo đánh giá về tác động của những quy định mới này đến doanh nghiệp niêm yết.
Vào thời điểm công ty mẹ giảm tỷ lệ sở hữu trong công ty con xuống dưới 50%, toàn bộ lợi nhuận từ các hoạt động thoái vốn trước đó được ghi trong bảng cân đối kế toán sẽ được chuyển sang tài khoản lãi/lỗ hợp nhất.
Theo SSI, nguyên tắc kế toán mới sẽ khuếch trương lợi nhuận của công do hoạt động thoái vốn từ công ty con. Khi một doanh nghiệp giảm tỷ lệ sở hữu tại một công ty con, khoản thu về sẽ phải chịu thuế nhưng không được ghi nhận là lợi nhuận trong tài khoản lỗ/lãi hợp nhất mà được xếp vào lợi nhuận giữ lại.
Những doanh nghiệp niêm yết bị coi là ảnh hưởng nhiều là CII và HAG.
Quý I/2015, CII đã bán 30 triệu cổ phiếu CII Bridge and Road cho MPTC, giảm tỷ lệ sở hữu tại công ty này xuống 53%. CII thu về lợi nhuận ròng 240 tỷ đồng từ giao dịch này nhưng chỉ được phép ghi vào các khoản lợi nhuận giữ lại trong bảng cân đối tài sản chiểu theo Thông tư 202 thay vì ghi vào khoản lỗ lãi hợp nhất như quy định trước kia.
Trước đó, quý II/2014, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) có ý định thoái 30% cổ phần tại một trong những công ty con nhưng kế hoạch sau đó bị hủy. Nếu HAG thoái 30% vốn tại HAG Land trong thời gian tới, HAG sẽ phải ghi nhận thu nhập từ giao dịch này vào lợi nhuận giữ lại trừ khi HAG giảm tỷ lệ sở hữu tại HAG Land xuống dưới 50%.
2. Bán tài sản cho một công ty liên kết và ngược lại
Điều 62, Thông tư 202 trước kia quy định ghi toàn bộ lợi nhuận từ hoạt động chuyển nhượng tài sản cho một công ty liên kết.
Theo quy định hiện hành, lãi hoặc lỗ từ các giao dịch giữa tập đoàn với các công ty liên doanh, liên kết chỉ được ghi nhận trong Báo cáo tài chính hợp nhất tương ứng với phần sở hữu của các bên khác theo nguyên tắc:
Đối với giao dịch theo chiều xuôi, nếu phát sinh khoản lỗ khi góp vốn bằng tài sản phi tiền tệ hoặc bán tài sản cho công ty liên doanh, liên kết, nhà đầu tư phải ghi nhận ngay toàn bộ khoản lỗ đó trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất.
Nếu phát sinh lãi khi góp vốn bằng tài sản phi tiền tệ hoặc bán tài sản cho công ty liên doanh, liên kết, nhà đầu tư chỉ ghi nhận khoản lãi tương ứng với phần sở hữu của các bên khác trong công ty liên doanh, liên kết. Khoản lãi chưa thực hiện tương ứng với phần sở hữu của tập đoàn được phân bổ dần vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, cụ thể:
Đối với giao dịch theo chiều ngược, khi công ty liên doanh, liên kết phát sinh khoản lỗ từ việc bán tài sản cho tập đoàn, nhà đầu tư chỉ ghi nhận phần lỗ tương ứng với phần sở hữu của tập đoàn trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất. Nếu phát sinh lãi, nhà đầu tư không được ghi nhận phần lãi tương ứng với phần sở hữu của mình từ giao dịch đó.
Quy định mới này sẽ làm giảm lợi nhuận hợp nhất khi một công ty bán tài sản cho một công ty liên kết.
3. Tăng tỷ lệ sở hữu để biến công ty liên kết thành công ty con
Theo quy định mới, khi công ty mẹ tăng sở hữu tại một công ty liên kết vượt 50% để đưa công ty liên kết thành công ty con, toàn bộ giá phí trước đó sẽ được đánh giá lại theo giá gốc. Theo thông tư 202, phần chênh lệch giữa giá đánh giá lại và giá trị khoản đầu tư theo phương pháp giá gốc được ghi nhận vào mục doanh thu tài chính trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất.
Thực tế, khi công ty mẹ tăng sở hữu để biến công ty liên kết thành công ty con, giá thường cao hơn so với giao dịch trước đó. Do đó, công ty mẹ thường thu về lợi nhuận phi tiền tệ và có thể coi đó là thu nhập tài chính và ghi nhận ngay lập tức vào báo cáo hợp nhất. Tuy nhiên, do giá trị sở hữu có thể tăng nên chênh lệch có thể tăng cùng với thu nhập tài chính.
Do thu nhập tài chính được hạch toán vào năm tài khóa hiện tại nhưng chênh lệch lại được khấu trừ dần trong thời gian tối đa 10 năm, nên lợi nhuận ròng hiện tại có thể cao hơn thực tế, trong khi lợi nhuận ròng tương lai lại thấp hơn. Song cũng cần lưu ý rằng, điều này chỉ đúng khi giá mua cao hơn so với giá trước đó.
Doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi nguyên tắc mới này có thể kể đến CII và SII.
CII đã hoàn tất mua lại 6,81% cổ phần SII nhằm nâng tỷ lệ sở hữu từ 49,13% lên 55,94% và đưa SII trở thành công ty con.
Theo thông tư 202, CII phải đánh giá lại tỷ lệ sở hữu 49,13% trước đó về giá gốc mà CII đã mua SII. Điều này sẽ khiến thu nhập tài chính 180 tỷ đồng được ghi nhận vào kết quả kinh doanh quý II/2015. Tuy nhiên, phần chênh lệch sẽ tăng và được phân bổ hàng năm.
4. Phân bổ phần chênh lệch đầu tư vào công ty liên kết
Theo Điều 62, Thông tư 202, chỉ khấu trừ phần chênh lệch đối với công ty con (thay vì cả công ty con và công ty liên kết như trước đó), đồng thời giảm giá trị đầu tư vào các công ty liên kết bằng giá trị chênh lệch không được ghi nhận trong báo cáo hợp nhất.
Doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nhiều bởi quy định mới này là REE và MSN.
Cuối năm 2014, tổng chênh lệch từ hoạt động mua tài sản của công ty liên kết lên tới 47,75 tỷ đồng. Tuy nhiên, kể từ quý I/2015, REE sẽ không khấu hao 12 tỷ đồng/năm từ khoản chênh lệch này trong báo cáo hợp nhất, mà ghi giảm giá trị đầu tư ở các công ty liên kết đúng bằng khoản chênh lệch.
Tương tự, MSN không cần khấu hao phần chênh lệch cho khoản đầu tư vào Techcombank . Do đó lợi nhuận từ các công ty liên kết sẽ tăng đáng kể trong năm 2015.
5. Quy định về chênh lệch tỷ giá hối đoái.
Theo Điều 69, Thông tư 200, giá trị tài sản được đánh giá theo tỷ giá bán ra thay vì tỷ giá mua vào theo quy định trước kia. Thông thường, tỷ giá bán cao hơn 2% so với tỷ giá mua vào. Quy định mới này rõ ràng sẽ bất lợi cho người đi vay bằng euro, USD, yên, won Hàn Quốc.
Những doanh nghiệp chịu tác động bởi quy định mới này có BTP, PPC, NT2 và HT1.
6. Ghi nhận doanh thu đối với các công ty bất động sản
Các công ty bất động sản không được phép ghi nhận doanh thu dựa trên tiến độ xây dựng hay tiền mặt thu của khách hàng, mà chỉ ghi nhận sau khi bàn giao căn hộ hay lô đất cho khách hàng. Quy định này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu hay lợi nhuận của hầu hết doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn bởi ho đã áp dụng phương pháp này.