menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp biến động tuần 14/9-18/9 và nhận định thị trường sau quyết định của Fed

07:00 20/09/2015

Vinanet - VN-Index và HNX-Index tuần qua cùng tăng nhẹ. Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp và chỉ tăng trong phiên cuối tuần nhờ giao dịch của các quỹ ETF. Các công ty chứng khoán cho rằng nhà đầu tư vẫn nên thận trọng và chờ đợi kết quả kinh doanh quý III.

Tuần giao dịch 14/9-18/9, VN-Index có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm với biên độ hẹp, chốt tuần tại 566,3 điểm, giảm 0,4 điểm so với cuối tuần trước.

Thanh khoản trung bình tuần qua đạt 97,3 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch trung bình hơn 1.700 tỷ đồng/phiên. Trong đó, thanh khoản ở mức thấp trong 4 phiên giao dịch đầu tuần và tăng vọt trong phiên cuối tuần khi các quỹ ETF đảo danh mục.

Tâm điểm của thị trường tuần qua là cổ phiếu BID khi mã này được đưa vào 2 danh mục FTSE Vietnam Index và Market Vectors Vietnam Index. BID tăng trần liền 2 phiên 14/9 và 15/9. Tuy nhiên, biến cố lớn đã bất ngờ xảy ra với BID khi chiều tối ngày 15/9 Market Vectors bất ngờ thông báo sẽ không đưa BID vào danh mục và chiều 16/9 FTSE có thông báo tương tự. Cổ phiếu BID ngay lập tức giảm sàn 2 phiên 16/9 và 17/9, đồng thời giảm tiếp trong phiên cuối tuần 18/9 nhưng có tín hiệu được mua mạnh trở lại.

Ngoài BID, các cổ phiếu có tên trong dnah mục của FTSE và Market Vectors cũng được giao dịch mạnh, chủ yếu do khối ngoại thực hiện, như HAG, NT2, PDR, TTF, DRC, VIC, MSN, SSI...

Tăng giá mạnh nhất tuần qua alf cổ phiếu SVT với mức tăng 29%, và MDG tăng 20%.

2 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất đều là cổ phiếu thủy sản: VLF giảm 20% và VNH giảm 15%.

Trên sàn Hà Nội, HNX-Index tuần qua tăng 0,22 điểm, lên 77,75 điểm. Tương tự như HSX, thanh khoản trên HNX cũng tăng mạnh trong phiên cuối tuần nhờ các cổ phiếu VCG, PVS và SHB do đây là các cổ phiếu trong danh mục Market Vectors.

Tăng giá mạnh nhất tuần qua là các cổ phiếu C92 (33%), INC (25%), DC2 (22%). Các cổ phiếu giảm giá mạnh nhất là VMI (39%), MIM (30), SDN (27%).

Một thông tin quan trọng được giới đầu tư đón chờ cuối tuần qua là việc Fed quyết định không tăng lãi suất. Thị trường chứng khoán toàn cầu phản ứng khá tích cực trước thông tin này, trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo công ty chứng khoán BSC, tâm lý tích cực của thị trường có thể lan tỏa sang phiên tới, tuy nhiên sẽ không kéo dài quá lâu. Nhà đầu tư thận trọng chỉ nên mua các cổ phiếu cơ bản tại mức giá thấp. Cơ hội giao dịch lúc này sẽ đến từ kết quả kinh doanh quý III.

Nhận định xu hướng thị trường, công ty chứng khoán Bản Việt cho rằng, hai chỉ số có thể sẽ duy trì đà tăng trong tuần giao dịch tới. Đồng thời, VCSC đánh giá lực cầu ngắn hạn có thể sẽ gia tăng trở lại và 2 chỉ số có thể sẽ bước vào giai đoạn biến động mạnh cả về điểm số và thanh khoản theo chiều hướng tích cực.

Trong khi đó, công ty chứng khoán FPTS cho rằng thị trường vẫn đang phải đối mặt với rủi ro quay lại xu hướng giảm giá. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn sắp tới, thị trường cũng sẽ bước vào đợt công bố thông tin kết quả kinh doanh quý III, do đó nhà đầu tư không nên giữ tâm lý bi quan, mà cần theo dõi kỹ thị trường tại ngưỡng hỗ trợ. Thị trường giảm sẽ là cơ hội để mua những cổ phiếu cơ bản tốt với giá thấp hơn.

Công ty chứng khoán Rồng Việt đánh giá, thông tin vĩ mô hầu hết đã phản ánh vào thị trường. Thanh khoản phiên cuối tuần qua cho thấy sự tích cực dựa trên thanh khoản và mặt bằng giá. Tuy nhiên, đà tăng phải được kiểm chứng ít nhất trong 2-3 phiên tiếp theo. Khi đó, khả năng về một xu hướng tích cực trong dài hạn mới có nhiều cơ sở.

Theo công ty chứng khoán HSC, hiện thị trường có 3 câu chuyện tích cực gồm nới room; TPP và câu chuyện phục hồi chu kỳ, trong đó nới room và TPP đang rất trầm lắng, chỉ có câu chuyện phục hồi chu kỳ vẫn đang diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng cao và dưới sự dẫn dắt của ngành sản xuất & xây dựng.

Cũng theo HSC, bên cạnh đó là 3 vấn đề tiêu cực: Lãi suất Mỹ, nền kinh tế Trung Quốc và thâm hụt kép (thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách). Trong đó, Fed đã quyết định chưa tăng lãi suất, còn nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa rõ có rơi vào suy thoái hay không, chỉ có vấn đề thâm hụt kép vẫn đáng lo ngại. Theo HSC, Bộ Tài chính đã bắt đầu xem xét cắt giảm chi ngân sách năm 2016, đặc biệt là khi giá dầu không phục hồi.

Minh Quân