menu search
Đóng menu
Đóng

Tỷ lệ nới room cụ thể đang được gấp rút xây dựng

10:53 25/09/2015

Một trong những nội dung quan trọng nhất của Thông tư 123/2015/TT-BTC là hướng dẫn trình tự, thủ tục doanh nghiệp (DN) thực hiện tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán (TTCK). 

Làm rõ hơn nội dung này, phóng viên TBTCVN đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

PV: Thưa ông, ngày 1/10 tới, Thông tư 123/2015/TT-BTC sẽ có hiệu lực, tuy nhiên, không ít, nhà đầu tư (NĐT) tỏ ra băn khoăn về việc đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin về tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với các ngành nghề cụ thể từ các bộ, ngành quản lý. Ông có ý kiến gì về điều này?

Ông Nguyễn Thành Long: Tôi nghĩ là cần phải có sự phân biệt rất rõ ràng ở đây. Thông tư 123 không phải văn bản cung cấp thông tin về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại DN. Nội dung này sẽ nằm trong văn bản do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng. Nghị định 60/2015/NĐ-CP là một bước đột phát lớn, vì đã tạo ra một khung pháp lý rộng rãi, thông thoáng để khơi thông dòng vốn nước ngoài. Tinh thần từ Nghị định này cho thấy, tỷ lệ sở hữu nước ngoài là không hạn chế, trừ trường hợp pháp luật đầu tư, pháp luật chuyên ngành có quy định riêng.

 

Liên quan tới quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, những nội dung nào thuộc về thẩm quyền của Bộ Tài chính thì chúng ta đã xử lý dứt điểm, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, với tinh thần cải cách triệt để các thủ tục hành chính, tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc để thu hút tối đa dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Ông Nguyễn Thành Long

 

Một trong các nội dung quan trọng nhất của Thông tư 123 là hướng dẫn trình tự, thủ tục DN thực hiện tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Những nội dung liên quan tới tỷ lệ sở hữu những DN mà không thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, hoặc thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nhưng không hạn chế sở hữu thì đều đã được tháo gỡ và triển khai ngay sau khi Nghị định 60 có hiệu lực. Cụ thể, như chúng ta thấy đã có một số công ty chứng khoán và một số công ty đại chúng đã, đang thực hiện lộ trình tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

 

Tóm lại, những nội dung nào thuộc về thẩm quyền của Bộ Tài chính thì chúng ta đã xử lý dứt điểm, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, với tinh thần cải cách triệt để các thủ tục hành chính, tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc để thu hút tối đa dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Vấn đề còn lại chỉ nằm ở các DN hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, và văn bản cung cấp thông tin chi tiết về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các DN này hiện nay đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành gấp rút xây dựng.

PV: Một số ý kiến đánh giá, thông tin nới room cụ thể sẽ có tác động tích cực tới diễn biến thị trường, bởi tâm lý NĐT phần nào được cởi bỏ sau khi FED hoãn tăng lãi suất và các quỹ ETF ngoại hoàn thành tái cơ cấu danh mục. Từ góc độ cơ quan quản lý, ông có quan điểm như thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Thành Long: Đúng là tâm lý NĐT cũng đã được giải tỏa phần nào từ những thông tin nêu trên. Tuy nhiên, cá nhân tôi nghĩ, NĐT thay vì đầu cơ ngắn hạn, thì cần định hướng đầu tư dài hạn hơn, tập trung vào đầu tư theo giá trị dựa trên cơ sở những phân tích cơ bản.

Chúng ta có thể thấy, trong thời gian tới, những yếu tố nền tảng của nền kinh tế tiếp tục sẽ hỗ trợ TTCK. Thứ nhất, quá trình tái cấu trúc nền kinh tế trong thời gian qua đã có những hiệu quả rõ rệt,  kinh tế vĩ mô ổn định và từng bước hồi phục đà tăng trưởng kể từ năm 2012 đến nay. Thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng quý sau luôn cao hơn quý trước, năm sau cao hơn năm trước (năm 2012 đạt 5,25%, năm 2014 đạt 5,98% và 6 tháng 2015 đạt 6,28%); chỉ số CPI ổn định ở mức thấp, tạo nhiều dư địa hơn cho chính sách tiền tệ hướng tới tăng trưởng. Cùng với đó, chỉ số sản xuất PMI có xu thế tăng và trên mức 50 điểm liên tục từ giữa năm 2013 đến nay; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tiếp tục đà tăng, trong 8 tháng đầu năm 2015 thì chỉ số IIP tăng tới 9,9% so cùng kỳ năm trước (so với các mức 4,7% năm 2012, 5,3% năm 2013, 6,3% năm 2014), khẳng định xu hướng hồi phục sản xuất kinh doanh...

Đồng thời, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN niêm yết tiếp tục cải thiện, so với cùng kỳ năm 2014, doanh thu tăng 5,7%, lợi nhuận tăng 75%; ROE đạt 10% so với mức 6,6% của 6 tháng năm 2014; tỷ lệ các công ty có lãi đạt gần 90%, so với khoảng 85% cùng kỳ 2014. Các chỉ tiêu này cho thấy sự lành mạnh của nền kinh tế nói chung và hoạt động DN nói riêng.

Thứ hai, trong ngắn hạn, các yếu tố như giá dầu giảm, sự phá giá đồng Nhân dân tệ, cùng với phản ứng linh hoạt, chủ động của chính sách tỷ giá trong thời gian vừa qua cũng sẽ tác động tích cực tới hoạt động của nhiều ngành, nhiều DN. Đặc biệt,  chi phí đầu vào sẽ tiếp tục giảm mạnh, trong khi đó, năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam xuất khẩu lại được nâng lên, điều này hứa hẹn biên lợi nhuận lớn, từ đó tiếp tục cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh của DN và nền kinh tế.

Thứ ba, về dài hạn, sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam còn được thúc đẩy bởi các giá trị nền tảng sau: Một là, tiến trình hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, thể hiện qua các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam đang tham gia ký kết, đặc biệt việc tham gia vào WTO và nỗ lực ký kết TPP. Hai là, nỗ lực cải cách mạnh mẽ thể chế nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh, thuận lợi giải phóng năng lực sản xuất của nền kinh tế. Ba là, tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy sự phát triển năng động của khu vực kinh tế tư nhân kết hợp với thúc đẩy mạnh việc tái cấu trúc để nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các DN nhà nước.

Với nỗ lực cải cách thể chế mạnh mẽ, các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế đang dần phát huy hiệu quả và kỳ vọng vào các hiệp định thương mại và đầu tư đang và đã được ký kết, theo đánh giá của chuyên gia quốc tế, thì TTCK Việt Nam được coi là an toàn và Việt Nam vẫn nổi lên là một nước hàng đầu trong khu vực trong việc thu hút dòng vốn nước ngoài.

Đặc biệt, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 60, được coi là một chính sách đột phá, thể hiện môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam đang ngày một cải thiện, thông thoáng hơn, sự kiên định trong nỗ lực cải cách thể chế, hiện đại hóa nền kinh tế. Đó còn là biểu tượng, thể hiện nền kinh tế Việt Nam đã và đang trở thành nền kinh tế mở, hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế và hệ thống tài chính toàn cầu.

PV: Ngoài việc nới room, xin ông cho biết một số giải pháp mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã, đang và sẽ triển khai để thu hút thêm dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán trong nước?

Ông Nguyễn Thành Long: Thứ nhất, chúng tôi tiếp tục thúc đẩy và tăng cung hàng chất lượng cao cho TTCK. Chúng ta đang chứng kiến sự chuyển động mạnh mẽ về thể chế có tác động tích cực tới TTCK, đặc biệt là cung hàng cho thị trường. Đó là hàng loạt các văn bản nhằm tái cấu trúc DN nhà nước, nhưng đồng thời cũng thúc đẩy sự phát triển của thị trường sơ cấp đã được hoàn thiện. Cụ thể như Quyết định 51/2014/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định 60 và gần đây nhất là Quyết định 41/2015/QĐ-TTG về bán cổ phiếu theo lô.

Các văn bản này đã giúp quá trình gắn cổ phần hóa với đăng ký giao dịch, niêm yết; gắn đại chúng hóa với đăng ký giao dịch, niêm yết. Một mặt vừa giúp thúc đẩy nhanh và minh bạch hóa quá trình tái cấu trúc DN nhà nước; mặt khác, giúp bảo vệ quyền lợi chính đáng của NĐT, giúp tăng cung hàng hóa trên TTCK. Việc TTCK có thêm nhiều hàng hóa có chất lượng cao, sẽ thu hút được dòng vốn cả trong và ngoài nước.

Thứ hai, để giúp TTCK gần gũi và thân thiện với NĐT nước ngoài hơn, UBCKNN cũng đang dự thảo và trình Bộ xem xét ban hành Thông tư hướng dẫn về công bố thông tin. Một trong những nội dung đang được cân nhắc xem xét, đó là yêu cầu các DN lớn, có vốn từ 500 tỷ đồng trở lên, thực hiện công bố thông tin cả bằng tiếng Anh. Để hỗ trợ DN thực hiện việc này, trong nội dung Thông tư cũng đã có các mẫu biểu, phụ lục song ngữ. Ngoài ra, để không tạo gánh nặng cho DN, thì nội dung bằng tiếng Anh chỉ mang tính tham khảo, và chúng ta cũng sẽ không đặt nặng chế tài xử lý đối với việc công bố thông tin bằng tiếng Anh.

Thứ ba, việc triển khai hệ thống cấp mã số giao dịch trực tuyến nhằm cắt giảm thủ tục hành chính, giúp NĐT nước ngoài dễ tiếp cận TTCK Việt Nam đã và đang được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam thúc đẩy quyết liệt. Dự kiến tới cuối năm hoặc đầu năm sau, đã có thể triển khai, sớm hơn kế hoạch. Điểm đáng lưu ý là, NĐT nước ngoài được nộp thẳng các hồ sơ, tài liệu bằng tiếng Anh, mà không cần phải dịch sang tiếng Việt. Thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự cũng đã được gỡ bỏ. Với việc cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, NĐT nước ngoài tiếp cận TTCK Việt Nam rất dễ dàng, như tiếp cận thị trường ở các quốc gia phát triển, các quốc gia nói tiếng Anh./.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Duy Thái

Thời báo Tài chính Việt Nam

Nguồn:Thời báo Tài chính Việt Nam