menu search
Đóng menu
Đóng

VCB tăng hơn 55%, 6 tháng đầu năm VN30 tăng trưởng chưa bằng một nửa VN-Index

07:51 06/07/2015

Biểu đồ VN30 6 tháng đầu năm

Vinanet - Cho dù VCB, VNM, BVH tăng mạnh 6 tháng đầu năm, nhưng một số mã vốn hóa lớn khác lại giảm, như MSN, HAG, PVD... khiến VN30-Index tăng trưởng kém hơn so với VN-Index.
6 tháng đầu năm 2015, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tích cực khi chỉ số VN-Index tăng gần 9%, lên 593 điểm. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, chỉ số VN30-Index chỉ tăng 3,79%, đóng cửa phiên 30/6 tại 622,43 điểm.
Như vậy, có thể thấy trong 6 tháng đầu năm, mặt bằng chung các cổ phiếu ngoài rổ VN30 tăng mạnh hơn và khiến VN-Index có mức tăng lớn hơn VN30-Index.
Biểu đồ so sánhVN30-Index và VN-Index
Trong rổ VN30, nếu xét về giá trị, cổ phiếu tăng mạnh nhất 6 tháng đầu năm là VNM và VCB, đạt lần lượt 19.300 đồng và 17.600 đồng. Đây là 2 trong số các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường. Việc liên tục tăng giá đã đưa VCB trở thành cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường. Tại ngày 30/6, vốn hóa VCB là 130 nghìn tỷ đồng, vượt qua GAS (117,5 nghìn tỷ đồng). Vinamilk đứng ở vị trí thứ 3, đạt 113 nghìn tỷ đồng.
Nếu xét về tỷ lệ tăng giá 6 tháng đầu năm, VCB là mã dẫn đầu, với mức tăng 55%, đứng sau là BVH, HCM, CII, VNM, cùng tăng trên 20%. HCM là cổ phiếu đã hết room dành cho khối ngoại và sau thông tin nới room nhờ Nghị định 60, HCM đã liên tục tăng giá. Theo thông tin từ các lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán, cổ phiếu ngành chứng khoán sẽ được nới room ngay từ 1/9.
FPT hiện cũng đã hết room và tăng 5.500 đồng trong nửa đầu 2015. Do việc xác định ngành nào được nới room cho khối ngoại còn phải chờ Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định, nên các cổ phiếu như FPT sẽ phải chờ thêm một thời gian để các chính sách được ban hành.
Ở chiều giảm giá, PVD sau 6 tháng giá giảm 12.000 đồng, tương ứng 18,6%. Đầu tháng 7 tới đây, PVD sẽ trả cổ tức tỷ lệ 30%, trong đó 15% bằng tiền và 15% bằng cổ phiếu.
Giảm mạnh nhất về tỷ lệ, là cổ phiếu OGC của Tập đoàn Đại Dương. Được biết, năm 2014, OGC hợp nhất lỗ 1.370 tỷ đồng. Theo OGC, công ty chịu ảnh hưởng bởi khoản lỗ 931 tỷ đồng từ đầu tư tài chính, khi Ngân hàng Nhà nước quyết định mua Oceanbank với giá 0 đồng.