menu search
Đóng menu
Đóng

VDSC: Cổ phiếu ngân hàng, dầu khí kém hấp dẫn, kỳ vọng vào bất động sản

15:42 07/07/2015

Vinanet - VDSC cho rằng, trong nửa đầu tháng Bảy, TTCK có thể tiếp tục đi lên nhờ đà tăng của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Đồng thời, thanh khoản sẽ tăng lên sau khi VNIndex vượt ngưỡng tâm lý 600 điểm.
Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới đây đăng tải Báo cáo chiến lược tháng 7/2015 "Cẩn trọng trước sự hồ hởi".
Chứng khoán Rồng Việt đánh giá, trong tháng Sáu, hai chỉ số tăng điểm khá tốt với thanh khoản duy trì ổn định trên cả HSX và HNX. Dù vậy, có thể dễ dàng nhận thấy trong suốt tháng Sáu, TTCK vẫn chưa thoát khỏi cái bóng của nhóm cổ phiếu lớn. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng với VCB, BID, BVH, SHB và CTG lần lượt dẫn dắt VNIndex và HNIndex, đẩy các chỉ số này đi xa diễn biến thực trên thị trường. Tính chung cả tháng vừa rồi, mức tăng trưởng của chỉ số ngành ngân hàng vượt qua VN30 và VNIndex lần lượt 9,3% và 9,9%.
Với nhận định này, VDSC cho rằng, trong nửa đầu tháng Bảy, TTCK có thể tiếp tục đi lên nhờ đà tăng của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Đồng thời, thanh khoản sẽ tăng lên sau khi VNIndex vượt ngưỡng tâm lý 600 điểm. Như vậy, xu hướng chung của các chỉ số là tích cực nhưng đại đa số cổ phiếu sẽ chỉ tăng nhẹ hoặc đi ngang. Từ giữa tháng, khoảng cách ngày càng xa giữa nhóm cổ phiếu lớn với phần còn lại của thị trường làm gia tăng rủi ro điều chỉnh.
Vùng biến động dự báo đối với VNIndex là 595-639 và HNIndex là 86-92.
Chỉ số tăng điểm nhưng giá trị danh mục không có sự tăng trưởng là mối quan tâm chung của phần đông nhà đầu tư trong tháng Sáu. Với tâm lý sợ lỡ mất cơ hội, dòng tiền của từ khối nhà đầu tư nhỏ, lẻ đã bắt đầu rời những cổ phiếu nhỏ và mang tính đầu cơ để tham gia vào “sóng” tăng của nhóm cổ phiếu lớn trong những ngày cuối tháng Sáu và đầu tháng Bảy. Tuy nhiên, khi các chỉ số đạt đến một mặt bằng giá mới, định giá của nhiều cổ phiếu nhỏ sẽ trở nên hấp dẫn hơn một cách tương đối. Dòng tiền khôn ngoan khi đó sẽ tìm đến những cổ phiếu có vốn hóa trung bình thấp và chưa tăng đáng kể.
Lựa chọn các nhóm ngành triển vọng: Cơ hội vẫn còn
Theo chứng khoán Rồng Việt, sự mất cân đối trong cơ cấu xuất nhập khẩu của khối DN nội và khối FDI có nhiều hàm ý cho việc lựa chọn nhóm ngành đầu tư. Trong đó, các ngành sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh sẽ là những ngành có KQKD được kỳ vọng tích cực.
Dệt may: Trong quý I, KQKD của các doanh nghiệp ngành dệt may nhìn chung khá khả quan. TNG ghi nhận mức tăng vượt bậc 45% DT và 180% về LNST trong quý I trong khi TCM ghi nhận LNST giảm 10% do ảnh hưởng từ biến động của thị trường sợi; GMC chỉ tăng trưởng tương đối. Dù vậy, giá cổ phiếu ngành dệt may hầu như không có nhiều biến động so với thời điểm đầu năm. Với thông tin TPA cuối cùng đã được Quốc Hội Mỹ thông qua, mở đường kết thúc đàm phán TPP, giá cổ phiếu dệt may bắt đầu thoát xu thế đi ngang trong hai tuần cuối tháng Sáu.
Trong tháng 7, giá cổ phiếu có thể cũng sẽ phản ứng có với thông tin KQKD quý II. Với mức tăng 10,1% trong kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong quý vừa rồi, VDSC kỳ vọng KQKD của các doanh nghiệp dệt may sẽ được củng cố đáng kể trong quý II. Nửa sau quý III và quý IV thường là cao điểm xuất khẩu hàng may mặc.

Theo khảo sát của Tổng Cục Thống Kê, đa số doanh nghiệp trong ngành đều kỳ vọng tích cực về xu hướng kinh doanh quý III, đặc biệt là sản lượng (55,9%) và số lượng đơn hàng xuất khẩu (65,4%). Đồng thời, sau khi TPA có hiệu lực, tiến trình đàm phán TPP sẽ được đẩy nhanh. Do vậy, hai quý cuối năm cũng có thể là điểm rơi của thông tin hỗ trợ ngành liên quan đến TPP. Dù các cổ phiếu dệt may đã có mức tăng khá tốt trong tháng vừa rồi, cơ hội tích lũy là vẫn còn nếu nhóm cổ phiếu này điều chỉnh theo thị trường chung.
Thuỷ sản: Trái với ngành dệt may, tình hình xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong ba tháng đầu năm không mấy khả quan (giảm 14% so với quý I/2014), đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng 2015, giá trị xuất khẩu tôm đã giảm 29% trong khi giá trị xuất khẩu cá tra giảm 10% so với cùng kỳ; giá bán tại các thị trường cũng giảm từ 7-10% đối với tôm và 2-3% đối với cá. Trong đó, nhu cầu thị trường tại các nước xuất khẩu như Mỹ, EU, Nhật Bản giảm do đồng USD mạnh lên trong khi nguồn cung của Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia tăng mạnh là những yếu tố gây áp lực lên sản lượng xuất khẩu và giá bán.
Trong quý II/2015, xuất khẩu thủy sản ước tính tăng 22% so với quý I nhưng thấp hơn 14% cùng kỳ. Do vậy, VDSC cũng nhận định KQKD quý II của các công ty thủy sản là sẽ tiếp tục giảm so với cùng kỳ dù có phần khả quan hơn quý I.

Trong tháng Bảy, nhiều khả năng sẽ có sự phân hóa trong diễn biến giá cổ phiếu giữa các doanh nghiệp lớn có KQKD khả quan và các doanh nghiệp nhỏ với mức tăng trưởng kém tích cực hơn. Nhìn về cuối năm, quý III thường là quý có tăng trưởng doanh thu tốt nhất của ngành.

Sự phục hồi trong nhu cầu của thị trường Mỹ khi lượng hàng tồn kho từ cuối năm ngoái được tiêu thụ hết được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều chuyển biến tích cực về giá bán và sản lượng xuất khẩu trong hai quý cuối năm. Hiện tại, VDSC vẫn cho rằng cổ phiếu ngành thủy sản còn cơ hội tăng giá và lợi thế vẫn thuộc về những cổ phiếu có cơ cấu hàng tinh chế cao và khả năng tự chủ nguyên liệu tốt như VHC, FMC.
Ngân hàng: Nhóm cổ phiếu ngân hàng thu hút nhiều sự chú ý trên thị trường trong tháng Sáu với mức tăng giá hơn 17%. Điểm sáng lớn nhất đối với ngành trong hai quý đầu năm là mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 6,1% (tính đến hết tháng Sáu), cao nhất trong vòng năm năm qua. Tuy nhiên, nhìn lại KQKD quý I, tăng trưởng tổng thu nhập của hầu hết các ngân hàng vẫn chưa thể lấy lại tốc độ của những năm trước.
Việc tập trung tiết giảm chi phí hoạt động và cải thiện chất lượng tài sản khiến chi phí dự phòng rủi ro của toàn hệ thống tăng 22% so với cùng kỳ trong khi tỷ lệ Thu nhập hoạt động/TTS giảm còn 0,8% trong quý I (từ 0,9% trong quý IV/2014). Tỷ lệ Thu nhập lãi thuần (NIM) trong quý I/2015 (2,93%) cũng thấp hơn cùng kỳ 2014 (3,0%). Bức tranh ngành ngân hàng sẽ là không trọn vẹn nếu không đề cập đến tỷ lệ nợ xấu. Cuối quý I/2015 Tỷ lệ nợ xấu của nhóm ngân hàng niêm yết là 2,2%, thấp hơn toàn hệ thống.
Tính chung năm tháng đầu năm 2015, VAMC đã mua vào khoảng 12.737 tỷ nợ xấu, bằng ~17% kế hoạch năm 2015 đồng thời thu về khoảng 8.670 tỷ đồng thông qua xử lý tài sản đảm bảo và thu hồi nợ. Tuy nhiên, theo kế hoạch, các ngân hàng còn phải bán thêm hơn 43.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Như vậy, với tốc độ xử lý nợ hiện tại, các ngân hàng còn nhiều việc phải làm xử lý dứt điểm nguy cơ từ nợ xấu.
Dù có cơ sở để tin rằng kết quả kinh doanh quý II của ngành ngân hàng sẽ có sự chuyển biến, VDSC nhận định lợi nhuận của các nhà băng khó có động lực tăng mạnh do (1) chi phí trích lập dự phòng được dự báo vẫn cao và (2) chi phí hoạt động có thể sẽ tăng trở lại. Mặt khác, việc giá cổ phiếu đã tăng nhiều trong sáu tháng đầu năm khiến tỷ lệ P/E và P/B của cổ phiếu trong ngành, đặc biệt là nhóm NHTM quốc doanh với đại diện là VCB, BID và CTG đang trở nên kém hấp dẫn dù bức tranh toàn ngành đã sáng hơn.
Bất động sản: Sự phục hồi của thị trường bất động sản và hoạt động cho vay thế chấp nhà ở có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động cho vay của các ngân hàng. Theo thống kê của CBRE, tiêu thụ BĐS sáu tháng đầu năm vẫn tích cực. Riêng trong quý II, TP.HCM có 10.000 căn hộ được bán ra, tăng 57% so với cùng kỳ; Hà Nội cũng có 4.500 căn hộ được bán thành công, tăng 80% so với quý II/2014.
Tuy nhiên, do đặc thù kế toán của ngành, hầu hết dự án của các công ty BĐS niêm yết vẫn chưa đủ điều kiện ghi nhận doanh thu. Vì lý do này, tăng trưởng LNST của toàn ngành tăng trưởng âm 23,7% trong quý I. Tuy nhiên, trong tháng Sáu, với kỳ vọng vào những đổi mới pháp lý liên quan đến ngành (Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luât Đất đai mới có hiệu tự từ 01/07/2015) và việc phê duyệt đầu tư sân bay Long Thành cũng đã tạo đươc những phiên giao dịch tích cực cho các cổ phiếu như LCG, DIG, DXG, KDH …
Chứng khoán Rồng Việt kỳ vọng bức tranh KQKD của ngành sẽ có nhiều cải thiện từ quý II khi các công ty có lợi nhuận đột biến từ thanh lý tài sản/chuyển nhượng dự án lần lượt ghi nhận doanh thu và lợi nhuận từ các giao dịch này trong các tháng tới. Như vậy, đối với ngành BĐS, thông tin KQKD có thể hỗ trợ giá cổ phiếu không chỉ trong tháng Bảy mà cả sáu tháng cuối năm. Mặt khác,những doanh nghiệp quỹ đất lớn ở các khu vực giàu tiềm năng như Bình Chánh, Nhà Bè, Vũng Tàu, Đồng Nai có lợi thế lớn trong dài hạn để đón đầu các dự án hạ tầng trọng điểm như tuyến Metro số 3, cao tốc Bến Lức-Long Thành và sân bay Long Thành. Cổ phiếu tiêu biểu trong nhóm này là BCI, VPH, ITC và NBB.
Dầu khí: Là nhóm ngành được VDSC đề cập trong “Chiến lược đầu tư ngược xu thế” (Báo cáo TTCK 2015 tháng 03/2015), các doanh nghiệp ngành dầu khí vẫn cho thấy diễn biến giá khá tốt dù ảnh hưởng tiêu cực của giá dầu là khá đáng kể. Trong đó, giá dầu thấp ảnh hưởng đến việc điều chỉnh giá dịch vụ của các công ty như PVS và PVC và chính sách giá đầu vào cho các công ty phân phối khí tự nhiên như PGD, PGS và CNG. Bên cạnh đó, một số hoạt động khai thác và thăm dò dầu khí bị điều chỉnh tiến độ hoặc tạm giãn nên không sôi động như cùng kỳ.
Nhìn chung, triển vọng KQKD của các doanh nghiệp dầu khí trong quý II/2015 đều khả quan hơn quý I (quý I, doanh thu toàn ngành giảm 6,1% và LNST chỉ tăng nhẹ 2,9%), tuy nhiên, sẽ có sự sụt giảm so với cùng kỳ. Trong các cổ phiếu dầu khí mà VDSC quan tâm, PGS, PGD, PVG có KQKD quý II cũng như sáu tháng cuối năm được dự báo khả quan và điều này cũng đã phản ánh vào biến giá cổ phiếu trong tháng Sáu (PGS tăng 12%, PGD tăng 8%). PVB cũng sẽ hạch toán lợi nhuận của dự án Nam Côn Sơn GĐ 1 và Hàm Rồng Thái Bình trong các quý tới. Nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn là GAS, PVD, PVC, PVS dự kiến cũng sẽ có mức tăng trưởng KQKD quý II tốt hơn so với quý I và kế hoạch đặt ra cho năm 2015.
Tuy nhiên, dự án Lô B – Ô Môn vừa được triển khai mang lại kỳ vọng đối với các doanh nghiệp xây dựng, khai thác và cung cấp dịch vụ kỹ thuật như PVE, PVS, PVC, PXS, PVD… Dù vậy, theo đánh giá của Rồng Việt, khả năng thực hiện đối với dự án còn ở khá xa, sớm nhất là cuối năm 2016. Hiện tại, VDSC nhận định diễn biến giá dầu vẫn là yếu tố chính ảnh hưởng đến giá các cổ phiếu dầu khí. Do đó, việc nắm giữ tỷ trọng cao các cổ phiếu dầu khí vẫn có nhiều rủi ro. Thay vào đó, nhà đầu tư chỉ nên mua vào khi giá cổ phiếu điều chỉnh mạnh.
Minh Quân