Về triển vọng nới room, VDSC đánh giá, xét từ góc độ các doanh nghiệp niêm yết mà nhà nước đang nắm giữ phần lớn vốn, theo chia sẻ tại diễn đàn M&A, trong tháng 8, cơ quan quản lý sẽ gấp rút hoàn tất văn bản hướng dẫn liên quan đến Nghị định 60. Tuy nhiên, quyết định nới room với tỷ lệ bao nhiêu là do ĐHCĐ quyết định, như vậy, nếu tiến độ như công bố, thời điểm thích hợp để nhận diện cơ hội mở room cho NĐT nước ngoài là trong nửa đầu năm 2016.
Riêng đối với VNM, hiện tại, SCIC chi phối 45% vốn tại Công ty. VDSC dẫn lại một phát biểu của lãnh đạo SCIC 1 năm trước, rằng "Quan điểm của SCIC là những ngành nghề, lĩnh vực làm ăn hiệu quả sẽ đầu tư lâu dài." Đồng thời, dư âm những thay đổi sau ĐHCĐ thường niên năm 2015 khiến VDSC nghĩ rằng xác suất cao là SCIC vẫn sẽ tiếp tục đồng hành với VNM.
Về lộ trình thoái vốn của SCIC, chứng khoán Rồng Việt cho biết, cuối năm 2013, SCIC nắm giữ cổ phần tại 361 doanh nghiệp. Năm 2014, SCIC đặt mục tiêu thoái vốn tại 290 doanh nghiệp, tuy nhiên, SCIC chỉ thoái vốn được 76 doanh nghiệp (~26,3% kế hoạch). Năm 2015, SCIC đặt mục tiêu thoái vốn tại 229 doanh nghiệp, tính đến cuối Q1/2015, kế hoạch trên chỉ thực hiện được 9,6%.
Theo VDSC, nhận định chung đối với kết quả lộ trình thoái vốn của SCIC là có thể không đạt về mặt số lượng nhưng giá trị thu về sẽ cao hơn giá trị sổ sách. Một quan điểm của đại diện SCIC đối với lộ trình thoái vốn: "Cái gì làm được sẽ làm ngay. Dễ làm trước, khó sẽ từng bước thực hiện để đạt mục tiêu." VDSC cho rằng VNM là một trường hợp khó, nếu SCIC thực sự muốn thoái vốn tại VNM, lộ trình sẽ còn rất xa.
Tổng kết lại việc đưa ra những lập luận trên, chứng khoán Rồng Việt cho rằng hiệu ứng VN-Index tăng hơn 10 điểm trong phiên giao dịch đầu tuần với hàng loạt cổ phiếu trong danh mục của SCIC có mức tăng điểm khá là một hiệu ứng tâm lý ngắn hạn. Điều này đã lặp đi lặp lại nhiều lần trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
VDSC nhìn nhận, cho dù là ngắn hạn nhưng mặt tích cực của thông tin cho thấy kỳ vọng về việc nới room, về cơ hội tham gia đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ phần vốn lớn mà kinh doanh hiệu quả của NĐT trên thị trường chứng khoán Việt Nam là rất rất lớn.
Trả lời câu hỏi của người tham dự về trường hợp thoái vốn sau cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Thứ trưởng Đặng Huy Đông nói: "Cụ thể lộ trình thoái vốn nhà nước thế nào thì cổ đông của doanh nghiệp sẽ quyết định, nhưng tới đây Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ phải đề xuất lộ trình rút dần vốn nhà nước tại Vinamilk.”
Minh Quân
Theo VDSC