menu search
Đóng menu
Đóng

Chứng khoán Châu Á sụt giảm do sự suy yếu trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc

16:53 16/11/2023

Chứng khoán Châu Á giảm hôm thứ Năm (16/11), tạm dừng mức tăng mạnh đạt được trong tuần này, do dữ liệu mới của Trung Quốc cho thấy sự suy yếu kéo dài trong lĩnh vực bất động sản và làm giảm sự lạc quan gần đây về sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
 
 
 
Dữ liệu được công bố trong tuần này cho thấy các lĩnh vực công nghiệp và bán lẻ của Trung Quốc đang tăng trở lại, trong khi đầu tư bất động sản giảm mạnh và giá nhà yếu cho thấy những vấn đề dai dẳng trong lĩnh vực này có thể cản trở sự phục hồi chung của đất nước.
Trong khi đó, xuất khẩu của Nhật Bản tăng tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 10/2023 nhưng với tốc độ chậm hơn đáng kể do các lô hàng chip và thép sang Trung Quốc sụt giảm.
Tina Teng, nhà phân tích thị trường tại CMC Markets, cho biết: “Dữ liệu kinh tế yếu kém từ cả hai nước cho thấy thực tế là nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại, làm nổi bật những trở ngại vĩ mô đang diễn ra mà các doanh nghiệp phải đối mặt”.
“Cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc vẫn là một vấn đề lớn đối với nền kinh tế và nhu cầu tiêu dùng toàn cầu suy yếu có thể sẽ tiếp tục gây áp lực lên tâm lý thị trường.”
Tại thị trường Châu Âu, hợp đồng Euro Stoxx 50 kỳ hạn tương lai giảm 0,21%, hợp đồng DAX kỳ hạn tương lai của Đức giảm 0,11% và hợp đồng FTSE kỳ hạn tương lai giảm 0,11%.
Tại Châu Á, chỉ số MSCI về cổ phiếu Châu Á-Thái Bình Dương ngoại trừ Nhật Bản đã giảm 0,4% trong phiên giao dịch buổi chiều mặc dù chỉ số này đã tăng 7,1% từ đầu tháng đến nay.
Cổ phiếu của Úc đã giảm 0,67% do dữ liệu tiền lương mạnh mẽ cho thấy áp lực lạm phát vẫn đang ở mức cao. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm 0,18% do các nhà đầu tư bán cổ phiếu để chốt lợi nhuận từ mức tăng mạnh của phiên trước.
Chỉ số MSCI Châu Á ngoại trừ Nhật Bản, chỉ số Thị trường mới nổi và Nikkei đều công bố mức tăng lớn nhất trong một năm, từ 2,5% trở lên vào thứ Tư (15/11).
Tại Trung Quốc, chứng khoán giảm vào thứ Năm (16/11) một phần do các nhà đầu tư thất vọng trước cuộc họp cấp cao Trung-Mỹ, với chỉ số blue-chip CSI300 của Trung Quốc đại lục giảm 0,72% và chỉ số Hang Seng của Hồng Kông (Trung Quốc) giảm 1%.
Hôm thứ Tư (15/11), chứng khoán Mỹ tăng nhẹ do dữ liệu lạm phát củng cố hy vọng của nhà đầu tư rằng Fed sẽ tăng lãi suất, trong khi chứng khoán bán lẻ được thúc đẩy bởi dự báo lạc quan từ Target.
Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones tăng 0,47%, S&P 500 tăng 0,16% và Nasdaq Composite đã thu hẹp mức tăng trước đó để kết thúc không đổi.
Theo công cụ Fedwatch của CME Group, các nhà giao dịch trên thị trường tiền tệ đã định giá đầy đủ khả năng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ giữ lãi suất ổn định trong tháng 12/2023. Họ cũng thấy đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên trong chu kỳ sẽ bắt đầu vào tháng 05/2024.
Các nhà đầu tư đang ngày càng đánh giá cao việc cắt giảm lãi suất nhiều hơn vào năm tới với lợi suất trái phiếu và đồng USD đang chịu áp lực giảm giá. Một số điều đó đã đảo ngược vào thứ Tư (15/11), với lãi suất trái phiếu kho bạc và đồng USD phục hồi nhẹ so với mức giảm của phiên trước.
Lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm ở mức 4,5039% so với mức đóng cửa tại Mỹ là 4,537% vào thứ Tư (15/11). Lợi suất hai năm, tăng theo kỳ vọng của các nhà giao dịch về lãi suất quỹ Fed cao hơn, chạm mức 4,8989% so với mức đóng cửa của Mỹ là 4,916%.
Về tiền tệ, đồng tiền chung Châu Âu đã tăng 0,1% trong ngày ở mức 1,0837 USD, tăng 2,47% trong một tháng. Trong khi chỉ số USD, theo dõi đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ, lên tới 104,48.
Dầu thô của Mỹ giảm 0,9% xuống 75,97 USD/thùng. Dầu thô Brent giảm xuống 80,44 USD/thùng.
Vàng cao hơn một chút. Vàng giao ngay được giao dịch ở mức 1963,29 USD/ounce.

 

Nguồn:Vinanet/VITIC/Reuters