menu search
Đóng menu
Đóng

Chứng khoán Châu Á trượt dốc do căng thẳng ở Trung Đông

15:27 23/10/2023

Chứng khoán Châu Á chạm mức thấp nhất trong một năm vào thứ Hai (23/10) do nguy cơ xảy ra xung đột rộng hơn ở Trung Đông. Diễn biến này đã góp phần làm tăng thêm lo ngại trong một tuần vốn đã căng thẳng với những dữ liệu quan trọng về tăng trưởng và lạm phát của Mỹ, cũng như thu nhập từ một số công ty công nghệ lớn nhất thế giới.
 
 
 
Thị trường trái phiếu cũng trở nên căng thẳng khi lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng vọt lên trong khoảng 5,0%, đẩy chi phí vay lên trên toàn cầu và thử thách định giá vốn cổ phần.
Tuần này, Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Ngân hàng Canada cũng tổ chức các cuộc họp chính sách. Mặc dù dự kiến không có đợt tăng lãi suất nào, nhưng các nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ mọi dấu hiệu về sự thay đổi trong tương lai.
Sự gia tăng lợi suất trái phiếu gần đây đã thắt chặt các điều kiện tiền tệ một cách hiệu quả mà không cần sự can thiệp tích cực từ các ngân hàng trung ương. Điều này cho phép Cục Dự trữ Liên bang đưa ra gợi ý rằng họ có thể sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách vào tuần tới.
Thật vậy, hợp đồng tương lai ngụ ý khoảng 70% khả năng Fed đã hoàn tất việc thắt chặt trong chu kỳ này và đang cân nhắc khả năng cắt giảm lãi suất từ tháng 5 năm sau.
Lợi suất tăng vọt đã thách thức việc định giá vốn cổ phần và kéo hầu hết các chỉ số chính giảm vào tuần trước, với VIX 'chỉ số sợ hãi' về biến động của thị trường chứng khoán Mỹ đạt mức diểm cao nhất kể từ tháng 03/2023.
Hôm thứ Hai, chỉ số cổ phiếu Châu Á-Thái Bình Dương ngoại trừ Nhật Bản của MSCI đã giảm 0,5%, chạm mức thấp nhất trong gần một năm. Chỉ số blue chip của Trung Quốc cũng giảm 0,6%, đạt mức yếu nhất kể từ đầu năm 2019.
Chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm và chỉ số KOPSI của Hàn Quốc đều giảm 0,6%.
Chỉ số EUROSTOXX 50 tương lai và FTSE tương lai không thay đổi. Trong khi hợp đồng tương lai S&P 500 và Nasdaq tương lai đều tăng 0,2%, được củng cố bởi hy vọng rằng làn sóng báo cáo thu nhập trong tuần này sẽ mang lại một số hỗ trợ.
Những gã khổng lồ về công nghệ Microsoft, Alphabet, Amazon và Meta Platforms đều dự kiến sẽ báo cáo, cùng IBM và Intel.
Nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ dự kiến sẽ thúc đẩy lợi nhuận, với số liệu về tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ trong tuần này được dự đoán sẽ cho thấy mức tăng trưởng hàng năm ở mức 4,2% trong quý 3 và mức tăng trưởng danh nghĩa hàng năm có thể lên tới 7%.
Nhà kinh tế trưởng Bruce Kasman của JPMorgan viết trong một ghi chú: “Đồng thời, số giờ làm việc tăng khiêm tốn trong quý trước cho thấy năng suất tăng mạnh và lợi nhuận doanh nghiệp tăng vọt”.
“Khi thu nhập doanh nghiệp và hộ gia đình chia sẻ lợi ích từ sự gia tăng hoạt động danh nghĩa này, khả năng phục hồi cơ bản của khu vực tư nhân Mỹ đang được củng cố.”
Thành tích vượt trội này của Mỹ đã củng cố đồng USD, mặc dù mối đe dọa về sự can thiệp của Nhật Bản đã giới hạn đồng USD này ở mức 150,00 yên cho đến thời điểm hiện tại. Đồng USD được giao dịch gần đây ở mức 149,93 yên, ngay dưới mức đỉnh gần đây là 150,16.
Lợi suất ở Nhật Bản cũng tăng do suy đoán rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đang thảo luận về một điều chỉnh tiếp theo đối với chính sách kiểm soát đường cong lợi suất của mình, chính sách này có thể được công bố tại cuộc họp chính sách vào ngày 31 tháng 10.
Đồng euro ổn định ở mức 1,0578, trong khi đồng franc Thụy Sĩ giữ vững ở mức 0,8946 CHF đổi 1 USD nhờ được hưởng lợi từ dòng chảy trú ẩn an toàn trong vài tuần qua.
Vàng cũng đã thu hút lực mua an toàn ở mức 1.973 USD/ounce, sau khi đạt mức cao nhất kể từ tháng 5 vào tuần trước.
Giá dầu đã phục hồi phần nào do không có bất kỳ sự gián đoạn nào đối với nguồn cung từ Trung Đông, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.
Giá dầu Brent giảm 73 cent xuống mức 91,43 USD/thùng, trong khi dầu thô của Mỹ giảm 82 cent xuống 87,26 USD.

Nguồn:Vinanet/VITIC/Reuters