Tiếp nối phiên giảm mạnh cuối tuần trước, cả 2 chỉ số chính tiếp tục giảm sâu trong phiên giao dịch sáng nay. Tuy nhiên, bất chấp sắc đỏ bao trùm nhóm cổ phiếu bluechip, một số mã có tính đầu cơ cao vẫn tiếp tục nổi sóng.
Sau chuỗi tăng điểm ấn tượng, giúp cả 2 chỉ số liên tục thiết lập đỉnh cao mới, trong đó HNX-Index lấy lại được mốc điểm khai sinh 100 điểm, còn VN-Index liên tục lên mức cao mới trong 10 năm, thị trường đã có phiên lao dốc mạnh cuối tuần trước.
Trong phiên cuối tuần trước, thị trường giằng co trong phiên sáng, nhưng sáng đến phiên chiều, áp lực bán ồ ạt diễn ra ở các mã lớn, sau đó lan rộng ra cả bảng điện tử, kéo cả trăm mã giảm giá, trong đó nhiều mã có tính đầu cơ cao tăng nóng thời gian qua quay đầu giảm sàn.
Tín hiệu phát ra từ phiên giao dịch này khiến nhiều người dự báo, thị trường đang ở vùng phân phối đỉnh và trend tăng ngắn hạn đã gãy. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, điều này không quá đáng lo ngại và đây chỉ là nhịp điều chỉnh cần thiết.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán trong chuyên mục bàn tròn chứng khoán cuối tuần, ông Dương Văn Chung, Giám đốc Môi giới CTCK MBS cho rằng, nhịp giảm này chỉ là 1 nhịp điều chỉnh giảm khoảng 3 - 4 tuần để chuẩn bị cho 1 uptrend trung hạn tiếp theo đến hết năm.
Tương tự, ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích CTCK IVS cũng cho rằng, thị trường vẫn có cơ sở để tăng tiếp và nhịp bán mạnh hôm thứ Sáu (7/7) chỉ mang tính chất điều chỉnh ngắn hạn.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị nhà đầu tư không nên bán tháo, nhưng cũng không nên mua đuổi với các mã đầu cơ mà không hiểu rõ nội tại của công ty. Thị trường thời gian tới vẫn sẽ diễn ra sự phân hóa, nên khả năng giảm mạnh đồng loạt khó xảy ra.
Với những nhận định trên, cùng với việc Ngân hàng Nhà nước cuối tuần qua giảm lãi suất điều hành 0,25%, phát đi tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ, giúp tâm lý nhà đầu tư vững vàng hơn sau phiên lao dốc cuối tuần trước.
Bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới, áp lực bán tháo đã không xảy ra, thay vào đó, thị trường có sự phân hóa giống như nhận định của các chuyên gia, dù áp lực với cả 2 chỉ số vẫn đang còn. Trong đó, VN-Index hiện vẫn đang giảm nhẹ, trong khi HNX-Index đã nhanh chóng lấy lại sắc xanh sau khi mở cửa trong sắc đỏ.
Tuy nhiên, sau 40 phút giao dịch, áp lực bán đã diễn ra mạnh hơn, khiến nỗ lực phục hồi của nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và một số bluechip khác bất thành. Sắc đỏ bao trùm bảng điện tử, kéo VN-Index lùi sát về mốc 770 điểm. Tại ngưỡng hỗ trợ này, lực cầu gia tăng, đẩy VN-Index bật trở lại, nhưng về cuối phiên, lực cung một lần nữa áp đảo, đẩy VN-Index lùi sâu. HNX-Index cũng không thể duy trì được sắc xanh khi chốt phiên sáng nay.
Cụ thể, chốt phiên sáng 10/7, VN-Index giảm 4,71 điểm (-0,61%), xuống 771,02 điểm với 77 mã tăng, trong khi có tới 168 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 117,37 triệu đơn vị, giá trị 2.186,96 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp khiêm tốn với 4,11 triệu đơn vị, giá trị 92,4 tỷ đồng.
HNX-Index cũng giảm 0,37 điểm (-0,36%), xuống 101,21 điểm với 48 mã tăng, trong khi cũng có tới 95 mã giảm. Tổng khối lượng khớp 68,3 triệu đơn vị, giá trị 519 tỷ đồng; giao dịch thỏa thuận có thêm 1,49 triệu đơn vị, giá trị 12,52 tỷ đồng.
Lúc đầu phiên, nhóm ngân hàng, chứng khoán hồi phục trở lại, nhưng áp lực sau đó kéo cả 2 nhóm này quay đầu giảm. Trong đó, VCB giảm 0,78%, BID giảm 1,49%, CTG giảm 1%, STB đứng ở tham chiếu, MBB giảm 0,94%, EIB giảm 1,15%, SSI giảm 1,28%, HCM giảm 1,33%, CTS giảm 4,15%. Trong khi đó, dù không còn duy trì được phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp khi chào sàn, nhưng VCI cũng ghi nhận mức tăng khá tốt trong phiên hôm nay, lên 60.300 đồng, tăng 4,69%. Đầu phiên, VCI cũng được kéo lên mức trần 61.600 đồng, nhưng không giống phiên chào sàn, dường như nhiều nhà đầu tư đánh giá đây là mức giá tốt nhất để chốt lời, nên đẩy mạnh bán ra, khiến VCI hạ nhiệt và thanh khoản tốt hơn nhiều phiên chào sàn. Chốt phiên sáng, VCI được khớp 2 triệu dơn vị, trong đó khối ngoại mua vào hơn 1,5 triệu đơn vị.
Các mã lớn khác cũng không thể đảo chiều thành công như VJC, nhóm dầu khí, VNM…, chỉ còn một vài mã giữ được sắc xanh như ROS, HPG, PVD.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu có tính thị trường tiếp tục hút dòng tiền mạnh với sắc tím xuất hiện tại OGC, HAI, HAR, AMD với dư mua trần rất lớn, đáng kể là OGC còn dư mua trần gần 4,5 triệu cổ phiếu. Trong khi mã có thanh khoản tốt nhất là HQC lại giảm nhẹ 0,8%, xuống 3.370 đồng với 7,5 triệu cổ phiếu được khớp.
Trong khi đó, trên HNX, PVX lại là tâm điểm của thị trường khi chiếm tới gần 40% thanh khoản của sàn này. Ngay khi mở cửa, PVX được kéo lên mức trần 3.000 đồng với hàng triệu đơn vị được khớp. Lực cầu tiếp tục gia tăng mạnh sau đó, nhưng lực bán cũng không hề kém cạnh, thậm chí còn lấn át hơn về cuối phiên, khiến mã này quay về mức sàn 2.600 đồng khi đóng cửa.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng phân hóa, trong đó SHB đóng cửa tại điểm xuất phát với 13,9 triệu đơn vị được khớp, ACB giảm 1,13%, xuống 26.200 đồng, NVB tăng 3,7%, lên 8.300 đồng, nhưng đà tăng không vững và thanh khoản thấp do bên mua và bên bán chưa tìm được tiếng nói chung.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán sau phiên bị bán mạnh cuối tuần qua cũng nỗ lực hồi phục trở lại trong nửa đầu phiên sáng nay, thậm chí các mã như VND, SHS, MBS có mức tăng khá tốt. Tuy nhiên, lực cung gia tăng cuối phiên khiến VND, SHS quay đầu giảm trở lại, chỉ còn MBS giữ được sắc xanh.
Trên UPCoM, sau ít phút lớm chớm sắc xanh, chỉ số UPCoM-Index đã nới rộng đà giảm về cuối phiên và đóng cửa ở mức gần thấp nhất phiên với mức giảm 0,33 điểm (+0,58%), xuống 56,89 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 3,55 triệu đơn vị, giá trị 31,57 tỷ đồng; giao dịch thỏa thuận có thêm gần 200.000 đơn vị, giá trị 3,7 tỷ đồng.
Thanh khoản tốt nhất trên sàn này cũng là các mã nhỏ, trong đó SBS với hơn 1 triệu đơn vị được chuyển nhượng, là mã có thanh khoản tốt nhất, nhưng đóng cửa ở mức sàn 2.800 đồng. Tiếp đến là các mã như TOP, PXL, PFL.
Các mã lớn như DVN, GEX, HVN, NTC, SSN, SDI, VIB đều giảm điểm, chỉ có một số mã như MSR, FOX tăng giá.
Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn