Với sự trở lại mạnh mẽ của cổ phiếu ngành bia, cùng một số mã lớn, giúp VN-Index tăng vọt khi mở cửa phiên sáng nay, đem lại hy vọng thị trường sẽ hồi sinh sau phiên lao dốc hôm qua. Tuy nhiên, hy vọng này đã nhanh chóng vụt tắt khi lực cung diễn ra ồ ạt ngay sau đó, đẩy VN-Index quay đầu giảm điểm, còn HNX-Index tiếp tục lao dốc trong phiên snags nay.
Sau phiên hồi phục nhẹ cuối tuần trước, thị trường đã lao dốc mạnh trong phiên hôm qua khi nhà đầu tư phản ứng với thông tin về việc các cựu lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí bị bắt cuối tuần trước. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu ngân hàng, bia bị bán mạnh cũng ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường.
Theo BSC, với những thông tin không mấy tích cực, thì nhà đầu tư đang khá bi quan với thị trường hiện tại, bằng chứng là số mã giảm điểm gấp 3 lần số mã tăng điểm. Thị trường hiện tại đang khá nhạy cảm với những thông tin được đưa ra, nhà đầu tư không nên tham gia quá mạnh vào thị trường khi rủi ro đang ở mức khá cao.
Không chỉ SAB cổ phiếu bia khác là BHN cũng lên thẳng mức giá trần 131.600 đồng và hiện vẫn yên vị tại mức này.
Ngoài ra, một số mã lớn khác cũng hồi phục như VRE, PLX, VCB, trong khi VNM vẫn đang giữ được phong độ.
Tuy nhiên, đà tăng của VN-Index hạ nhiệt khá nhanh khi áp lực bán vẫn còn lớn ở các mã như CTG, MBB, STB, KBC, HPG, GAS, VIC, BID, MSN.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, cặp đôi FLC và AMD đều đang tăng và thanh khoản tốt nhất sàn, thậm chí AMD còn leo lên mức giá trần 10.050 đồng/cổ phiếu và khớp hơn 3,4 triệu đơn vị. FLC khớp hơn 7 triệu đơn vị.
Trong khi đó, TCH sau phiên tăng trần hôm qua đã bị bán mạnh ngay khi mở cửa phiên sáng nay vơi hơn 3 triệu đơn vị đang được khớp.
Càng về cuối phiên sáng, áp lực bán gia tăng mạnh, đẩy hàng trăm mã quay đầu giảm trở lại. Do đó, dù có sự hỗ trợ của VNM, SAB, VRE, ROS, BHN, PVD, nhưng VN-Index vẫn quay đầu đi xuống, dập tắt hy vọng có phiên đảo chiều. So với mức đỉnh của phiên, VN-Index mất tới hơn 17 điểm khi đóng cửa phiên sáng. Đà hứng khởi đầu phiên giúp thanh khoản phiên sáng nay cải thiện hơn so với sáng hôm qua.
Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 3,45 điểm (-0,38%), xuống 914 điểm với 67 mã tăng trong khi có 207 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 129,59 triệu đơn vị, giá trị 3.083,39 tỷ đồng, tăng 28,6% về khối lượng và tăng 35,55% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 12,9 triệu đơn vi, giá trị 454,8 tỷ đồng, cổ phiếu NVL chiếm gần một nửa khối lượng và hơn 73% giá trị thỏa thuận với hơn 5,5 triệu cổ phiếu được sang tay, giá trị hơn 335,5 tỷ đồng.
Lực bán mạnh khiến VNM hãm đà tăng khi chốt phiên ở mức 193.100 đồng, tăng 1,1%, dù có lúc đã lên mức giá 194.900 đồng. Trong khi đó, 2 cổ phiếu ngành bia vẫn có mức tăng mạnh, trong đó BHN yên vị ở mức trần 131.600 đồng, còn SAB dù không giữ được sắc tím khi chốt phiên, nhưng cũng tăng 6,83% lên 313.000 đồng/cổ phiếu.
Ngoài ra, VRE cũng đã hồi phục nhẹ 0,44%, lên 45.200 đồng sau chuỗi giảm liên tiếp trước đó, ROS cũng hồi nhẹ 0,49%, lên 144.900 đồng sau chuỗi giảm mạnh vừa qua.
Tuy nhiên, sự hỗ trợ của các mã trên quá lẻ loi nếu so với áp lực bán diễn ra đồng loạt ở hàng trăm mã khác, trong đó có nhiều mã lớn. Trong top 10 mã có vốn hóa lớn nhất sàn, ngoại trừ SAB và VRE, còn lại đều giảm. Cụ thể, VIC giảm 1,4% xuống 71.000 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 500.000 đơn vị; BID giảm 4,2% xuống 23.000 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 860.000 đơn vị, CTG giảm 3,7% xuống 20.600 đồng/cổ phiếu, khớp 2,25 triệu đơn vị; MSN giảm 2,1% xuống 70.500 đồng/cổ phiếu, khớp 560.800 đơn vị; VCB cũng quay đầu giảm 0,78%, xuống 44.250 đồng dù lúc đầu đã có sắc xanh, GAS cũng giảm 0,84%, xuống 82.500 đồng, PLX giảm 0,78%, xuống 63.900 đồng.
Ngoài 3 mã lớn VCB, BID, CTG, các mã ngân hàng khác như MBB, VPB, STB, EIB cũng đều chìm trong sắc đỏ.
Các mã lớn khác cung giảm mạnh còn có VJC, DCM, HPG, MWG, BVH, NVL, HSG…
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, FLC dẫn đầu thanh khoản với hơn 12,5 triệu đơn vị được khớp, nhưng đã đánh mất sắc xanh, kết phiên giảm 1,4% xuống 6.800 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, cổ phiếu AMD lại vẫn giữ được sắc tím đến hết phiên, tăng 6,7% lên 10.050 đồng/cổ phiếu và khớp 4,33 triệu đơn vị, đứng ngay sau FLC về thanh khoản khớp lệnh.
TCH tăng nhẹ trở lại 0,2% lên 23.200 đồng/cổ phiếu sau khi bị bán ngau từ đầu phiên, khớp 4,15 triệu đơn vị. HAI cũng có sắc xanh nhe, OGC, KSA ở mức tham chiếu, còn lại cũng đều chìm trong sắc đỏ.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index chỉ đi lên và giữ được sắc xanh trong ít phút mở cửa, sau đó đã lao dốc trở lại, chốt phiên sáng mất gần 2%, với hàng loạt mã thanh khoản cao chìm trong sắc đỏ như SHB, VCG, ACB, SHS, HUT, KLF…
Chốt phiên, HNX-Index giảm 2,13 điểm (-1,91%), xuống 109,65 điểm với 27 mã tăng trong khi có 100 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch 37,63 triệu đơn vị, giá trị 487,79 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ có hơn 433.000 đơn vị, giá trị 7,2 tỷ đồng.
SHB giảm 3,4% xuống 8.600 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh 12,8 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn HNX; VCG giảm 1,3% xuống 22.400 đồng/cổ phiếu, khớp 1,8 triệu đơn vị; ACB giảm 3,7% xuống 34.100 đồng/cổ phiếu, khớp 1,65 triệu đơn vị; SHS giảm 1,6% xuống 18.200 đồng/cổ phiếu, khớp 1,17 triệu đơn vị; HUT giảm 1,8% xuống 11.000 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 1,09 triệu đơn vị; KLF thoát mức giá sàn, nhưng vẫn giảm 2,8% xuống 3.500 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 1,07 triệu đơn vị.
Không may mắn như KLF, MST giảm sàn 9,6% về 6.600 đồng, khớp 107 triệu đơn vị.
Mã tăng duy nhất trong nhóm cổ phiếu có 1 triệu đơn vị được khớp là PVS, nhưng mức tăng cũng khiêm tốn khi cộng thêm 0,6% lên 18.200 đồng/cổ phiếu, khớp 4,48 triệu đơn vị.
Mã PVX đứng tham chiếu ở mức 2.300 đồng/cổ phiếu, khớp 1,64 triệu đơn vị.
Sàn UpCoM cũng bị phủ sắc đỏ khi thanh khoản cũng dồn vào các mã giảm điểm như GEX, DVN, LPB, SBS, HVN..
Trong đó, GEX khớp lệnh lớn nhất sàn chỉ có 890.000 đơn vị được sang tay, chốt phiên giảm 0,4% xuống 24.000 đồng/cổ phiếu; DVN giảm mạnh 7,2% xuống 19.300 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 667.000 đơn vị; LPB giảm 1,5% xuống 13.200 đồng/cổ phiếu, khớp 450.000 đơn vị; HVN giảm 3,9% xuống 34.600 đồng/cổ phiếu, khớp gần 400.000 đơn vị.
Chốt phiên sáng, UPCoM-Index giảm 0,11 điểm (-0,2%) xuống 54,16 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 4,54 triệu đơn vị, giá trị 82,63 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,23 triệu đơn vị, giá trị 49,79 tỷ đồng, chủ yếu do giao dịch sang tay 3 triệu cổ phiếu SWC, giá trị 43,5 tỷ đồng.