Tưởng chừng sau khi vượt qua thử thách ngưỡng 770 điểm trong phiên hôm qua, thị trường sẽ lấy lại quỹ đạo tăng mới, nhất là khi thị trường chứng khoán thế giới đồng loạt khởi sắc trong phiên tối hôm trước, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam lại bất ngờ gục ngã trở lại trong phiên sáng nay.
Thị trường vừa trải qua một tuần giao dịch tiêu cực do chịu áp lực bán tháo trên diện rộng khiến các chỉ số đều giảm sâu. VN-Index đã có phiên giảm mạnh nhất trong gần 2 năm qua trong phiên giao dịch 9/8 và dù sau đó đã lấy lại cân bằng ở những phiên cuối tuần, nhưng tâm lý nhà đầu tư thận trọng cùng lo ngại rủi ro tiềm ẩn khiến thị trường chưa thể hồi phục trở lại. Vì vậy, tuần qua đã ghi nhận mức giảm điểm mạnh nhất kể từ đầu năm khi chỉ số VN-Index đánh mất hơn 2%.
Một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường lao dốc mạnh trong tuần qua là thông tin một lãnh đạo của ngân hàng lớn bị bắt. Thông tin này đã kéo các cổ phiếu nhóm trụ cột ngân hàng lần lượt rớt giá và lan rộng toàn thị trường.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia chứng khoán, việc nghị quyết xử lý nợ xấu sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/8, được dự báo sẽ là thông tị hỗ trợ tích cực lên nhóm ngân hàng trong tuần này.
Theo ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích CTCK SHS, xu hướng của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong tuần tới kỳ vọng sẽ có sự hồi phục trở lại sau khi đã có nhịp điều chỉnh và tích lũy.
Đúng như dự báo trên, phiên đầu tuần ngày 14/8 đã hồi phục khá tốt nhờ sắc xanh trở lại bao trùm trên diện rộng với tâm điểm là hầu hết các cổ phiếu trụ cột ngân hàng đều tăng điểm khá tốt.
Tuy vậy, thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp, cho thấy lực cầu giá cao chưa thực sự rõ ràng do tâm lý vẫn còn nhiều e ngại. Theo nhận định của PHS, thị trường vẫn đang trong giai đoạn trũng thông tin hỗ trợ, do vậy lực giằng co vẫn có thể sẽ hiện hữu trong các phiên giao dịch tới. Trong phiên giao dịch 15/8, VN-Index có thể sẽ giằng co quanh mốc 765 điểm.
Bước vào phiên giao dịch 15/8, thị trường vẫn duy trì đà tăng nhưng không mấy bền vững. Biên độ tăng khá hẹp với sự phân hóa của nhóm cổ phiếu bluechip.
Chính vì vậy, VN-Index đã nhanh chóng đảo chiều giảm ngay khi sang đợt khớp lệnh liên tục. Sau nhịp hồi phục khá tích cực hôm qua, các cổ phiếu ngân hàng đã quay về mốc tham chiếu hoặc giảm nhẹ.
Bên cạnh đó, thị trường cũng không nhận được sự hậu thuẫn của các mã vốn hóa lớn như VNM, GAS, VIC, VJC đều giảm điểm, còn MSN, PLX đứng giá tham chiếu.
Trái lại, sai 2 phiên điều chỉnh, cổ phiếu có vốn hóa đứng thứ 2 thị trường là SAB đã hồi phục dù còn khá khiêm tốn với mức tăng 0,4%, cùng các mã lớn khác như ROS, BVH, MWG, NVL…, giúp thị trường không giảm sâu.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, những tưởng HAI đã thoát sắc xanh mắt mèo nhờ lực cầu gia tăng mạnh đã hấp thụ toàn bộ lượng dư bán sàn giúp thanh khoản tăng vọt lên 8,74 triệu đơn vị, tuy nhiên lực bán vẫn lớn khiến cổ phiếu này chưa thoát khỏi giá sàn, ghi nhận phiên giảm sàn thứ 5 liên tiếp với mức giảm 6,8% và dư bán sàn 2,95 triệu đơn vị.
Trong khi đó, HAR sau phiên hồi phục hôm qua, lực cầu tiếp tục đổ mạnh giúp cổ phiếu này tiếp tục bứt phá và nhanh chóng lấy lại sắc tím trong phiên sáng nay. Hiện HAR tăng 6,7% lên mức giá trần 14.350 đồng/CP và khớp hơn 0,68 triệu đơn vị.
Sau hơn nửa phiên sáng rung lắc nhẹ, nhóm cổ phiếu lớn đua nhau giảm mạnh bởi áp lực bán gia tăng khiến thị trường lao nhanh về mốc 770 điểm. Ngay khi tiếp cận ngưỡng kháng cự này, thị trường đã bật ngược trở lại, tuy nhiên sắc đỏ bao trùm cùng gánh nặng các mã lớn khiến VN-Index không thoát khỏi phiên giảm khá mạnh.
Chốt phiên sáng, toàn sàn HOSE có 151 mã giảm/100 mã tăng, VN-Index giảm 4 điểm (-0,52%) xuống 772,17 điểm. Thanh khoản vẫn khá thấp với tổng khối lượng giao dịch đạt 93,72 triệu đơn vị, giá trị 1.763,8 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đạt 3,88 triệu đơn vị, giá trị 125,9 tỷ đồng.
Nhận tín hiệu đỏ trên sàn HOSE, sàn HNX cũng chuyển sắc do lực bán gia tăng. Với 91 mã giảm.56 mã tăng, HNX-Index giảm 0,22 điểm (-0,22%) chốt phiên tại mức 101,28 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 24,73 triệu đơn vị, giá trị 257,08 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ đạt 638.494 đơn vị, giá trị 7,8 tỷ đồng.
Các cổ phiếu ngân hàng đồng loạt giảm như BID giảm 1,4%, VCB giảm 0,3%, CTG giảm 0,5%, MBB giảm 0,9%, STB giảm 0,8%.
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng giao dịch thiếu tích cực khi các mã lớn đều đứng ở dưới mốc tham chiếu như GAS giảm 0,8%, PLX giảm 0,2%, PVD giảm 1,7%.
Thêm vào đó, các mã lớn nhất thị trường cùng nới rộng biên độ giảm như VNM giảm 0,5%, SAB giảm 1,6%, VIC giảm 1,8%, VJC giảm 0,2%, HPG giảm 0,7%..., tiếp tục gây khó khăn cho thị trường trong phiên sáng nay.
Tâm điểm đáng chú ý vẫn là nhóm cổ phiếu thị trường tăng nóng thời gian vừa qua. Cụ thể, HAI tiếp tục bị bán tháo và ghi nhận phiên giảm sàn thứ 5 liên tiếp với khối lượng khớp lệnh 8,84 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường và dư bán sàn hơn 4,6 triệu đơn vị.
TSC đã thu hẹp đà giảm, thậm chí có thời điểm hồi phục sau 2 phiên giảm sàn trước đó. Chốt phiên, TSC giảm 3,7% xuống mức 6.230 đồng/CP với khối lượng khớp 3,27 triệu đơn vị.
Trong khi đó, HAR không giữ được sắc tím nhưng vẫn tăng mạnh với biên độ 6,3% lên sát giá trần 14.300 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 1,13 triệu đơn vị.
Đáng chú ý, sau thông tin thoái vốn và giải thể CTCP Địa ốc An Lạc, cổ phiếu HVG đã bứt mạnh cùng giao dịch tăng vọt trong phiên sáng nay. Với mức tăng 6,9%, HVG leo lên mức giá trầm 6.480 đồng/CP và khối lượng khớp 1,2 triệu đơn vị, mức thanh khoản cao nhất trong gần 3 tháng qua.
Trên sàn HNX, ACB đã thu hẹp đà tăng đáng kể với mức tăng chỉ 0,4%, còn SHB quay đầu giảm 1,2%. Ngoài ra, các mã dầu khí như PVS giảm 1,2%, PVI giảm 0,9%; hay các mã bluechip khác cũng giao dịch trong sắc đỏ như VCG, VCS, LAS, BVS, CEO…, góp phần đẩy thị trường về dưới mốc tham chiếu.
Top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn HNX gồm KLF khớp 3,06 triệu đơn vị, SHB khớp 2,13 triệu đơn vị, VE9 khớp 1,44 triệu đơn vị, PVX và SHN cùng khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Trong đó, VE9 sau phiên tăng trần nhờ thông tin hỗ trợ với việc trả cổ tức khủng 60% bằng tiền mặt trong đợt 1/2017, đã hạ nhiệt và thậm chí có lúc lùi về mốc tham chiếu. Hiện VE9 tăng 2,1% và đứng ở mức giá 14.900 đồng/CP.
Trên sàn UPCoM, cũng giống 2 sàn chính, áp lực bán nửa cuối phiên sáng đã đẩy chỉ số sàn lùi sâu dưới mốc tham chiếu.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,2 điểm (-0,37%) xuống 54,16 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,27 triệu đơn vị, giá trị 46,61 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 2,4 triệu đơn vị, giá trị hơn 47 tỷ đồng, trong đó VLC thỏa thuận 1,6 triệu đơn vị, giá trị 29,28 tỷ đồng.
Cổ phiếu LTG sau 6 phiên giảm điểm đã hồi phục khá tốt trong phiên sáng nay. Kết phiên, LTG tăng 3,1% lên mức 52.700 đồng/CP với khối lượng giao dịch chỉ đạt 7.900 đơn vị.
Trong khi đó, DVN tiếp tục giảm điểm với biên độ giảm 2,4% xuống mức giá 16.500 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 380.000 đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn UPCoM.
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, giao dịch sôi động lên theo từng ngày. Trong phiên sáng nay, có 783 hợp đồng được giao dịch, giá trị 58,8 tỷ đồng, cao hơn cả ngày của 2 phiên đầu tiên và gần bằng cả ngày của phiên hôm qua.
Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn