Dù VN-Index vẫn giữ được đà tăng nhờ sự hỗ trợ của các mã lớn, nhưng dường như một số nhà đầu tư đã nghỉ lễ sớm, khiến thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh.
Dù không có nhiều biến động về chỉ số chung nhưng thị trường đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trong tháng 8 vừa qua. Trong đó đáng chú ý là phiên lao dốc mạnh ngày 9/8, khi áp lực bán tháo diễn ra trên diện rộng khiến thị trường mất tới gần 18 điểm, đẩy chỉ số VN-Index từ vùng đỉnh xuống sát ngưỡng hỗ trợ 770 điểm.
Tuy nhiên, sự dẫn dắt khá tốt của nhóm cổ phiếu bluechip cùng dòng tiền đầu cơ hoạt động tích cực đã giúp thị trường khởi sắc trong những phiên cuối tháng 8. Nhờ vậy, VN-Index đã lấy lại cân bằng khi tính chung cả tháng, chỉ số này chỉ giảm nhẹ chưa tới 1 điểm.
Theo dự báo của ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Sacombank, thị trường chứng khoán trong tháng 9 sẽ có những phiên biến động mạnh liên quan đến hoạt động công bố lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và kỳ tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF. Tuy nhiên, thị trường nhiều khả năng vẫn giữ đà tăng trưởng trong trung hạn, các đợt điều chỉnh ngắn hạn sẽ không phá vỡ xu hướng tăng chính.
Bước vào phiên giao dịch sáng 1/9, tâm lý kỳ nghĩ lễ cận kề, nhiều nhà đầu tư đang hồ hởi với những kế hoạch đi du lịch trong dịp lễ khiến dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh. Tuy vậy, sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu bluechip với điểm tựa chính là dòng bank và các mã vốn hóa đã giúp thị trường tự tin vững bước.
Đà tăng tiếp tục được nới rộng trong đợt khớp lệnh liên tục khi sắc xanh lan rộng bảng điện tử, trong đó top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường đều khởi sắc. Thanh khoản thị trường khá thấp với tổng giá trị giao dịch chỉ đạt hơn 900 tỷ đồng sau 1 giờ giao dịch.
Cặp đôi dẫn đầu chi phối mạnh tới diễn biến chỉ số chung là VNM và SAB sau những phiên biến động nhẹ đã bật cao trong sáng nay với mức tăng tương ứng 1,5% và 1,2%.
Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, BID dù không giữ được sắc tím nhưng tiếp tục tạo sức hút lớn trên thị trường. Hiện BID tăng 2,9% tạm đứng ở mức giá 21.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu trong nhóm VN30 đạt 2,27 triệu đơn vị. Các mã còn lại trong nhóm đang diễn biến lình xình với CTG tăng nhẹ, VCB đứng giá tham chiếu, còn MBB và STB giảm nhẹ.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, dù FLC đã hồi nhẹ 1,2% sau 3 phiên giảm sâu nhưng giao dịch đã sụt giảm mạnh khi chỉ có 3,79 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.
Trong khi VN-Index vững vàng trên mốc 785 điểm thì HNX-Index lại khá rung lắc trong phiên sáng cuối tuần và đã quay đầu giảm điểm do thiếu lực đỡ từ nhóm cổ phiếu bluechip.
Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 4,09 điểm (+0,52%) lên 786,85 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 85,23 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 1.708,92 tỷ đồng, giảm 31% về lượng và 26,32% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 2,82 triệu đơn vị, giá trị 99,65 tỷ đồng.
HNX-Index giảm 0,2 điểm (-0,19%) xuống 103,86 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 17,25 triệu đơn vị, giá trị 183,54 tỷ đồng, giảm mạnh 49% về lượng và hơn 60% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,88 triệu đơn vị, giá trị 23,12 tỷ đồng.
Các mã vốn hóa lớn vẫn đóng vai trò là lực đỡ chính cho thị trường như VNM tăng 1,42% và SAB duy trì mức tăng 1,2%, VIC tăng 1,22%, GAS tăng 1,6%, MSN tăng 1,47%...
Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, hầu hết đã đảo chiều giảm, chỉ còn BID duy trì sắc xanh dù đà tăng có phần hãm nhẹ 1,69% và đã chuyển nhượng thành công hơn 3 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu thép cũng quay đầu điều chỉnh sau những phiên tăng liên tiếp như HSG, HPG,NKG, VGS, DNY… đều đứng dưới mốc tham chiếu khi chốt phiên.
Thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh, cặp đôi OGC và FLC dẫn đầu với khối lượng khớp lần lượt đạt 9,33 triệu đơn vị và 8,15 triệu đơn vị. Trong đó, FLC đã thoát khỏi sắc đỏ nhưng vẫn chỉ tăng nhẹ 0,92%.
Trên sàn HNX, cổ phiếu ACB quay đầu giảm 1,05% xuống mức 28.400 đồng/CP và chỉ khớp hơn 0,36 triệu đơn vị, trong khi SHB đứng giá tham chiếu và chuyển nhượng thành công hơn 2,1 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.
Đứng thứ 2 về thanh khoản trên sàn HNX là KLF có khối lượng khớp lệnh đạt gần 2 triệu đơn vị. Còn lại các mã đều khớp chưa tới 1 triệu đơn vị.
Bên cạnh ACB, các mã lớn khác cũng giao dịch thiếu tích cực khi đồng loạt đều đỏ điểm như VCG, LAS, PVS, CEO…
Trên sàn UPCoM, sau nhịp hồi nhẹ đầu phiên chỉ số sàn đã quay đầu giảm điểm.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,19 điểm (-0,35%) xuống 54,28 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,96 triệu đơn vị, giá trị 51,62 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 262.175 đơn vị, giá trị chưa tới 1 tỷ đồng.
Trái với diễn biến thiếu tích cực của các cổ phiếu ngân hàng niêm yết, VIB tăng điểm khá tốt trong phiên sáng nay với mức tăng 6,93%.
Cổ phiếu DRI có khối lượng giao dịch dẫn đầu sàn UPCoM với 533.000 đơn vị và chốt phiên tại mức giá 13.600 đồng/CP, giảm 2,86%.
Trong khi đó, ART đảo chiều tăng tích cực sau 4 phiên giảm sâu, với mức tăng 12,29% tạm đứng ở mức giá 26.500 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 400.900 đơn vị.
Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn