VN-Index đảo chiều giảm điểm trước áp lực bán gia tăng mạnh ở một số trụ đỡ như SAB, GAS, VCB, VNM... Tuy nhiên, dòng tiền vẫn khá tốt giúp cho đà giảm được ngăn chặn và sự thăng hoa của phiên ngày hôm qua dần được kiểm chứng là xu thế tăng của thị trường đã trở lại.
Hiệu ứng phiên đấu giá thành công của Sabeco với gần 5 tỷ USD thu về đã nhanh chóng qua đi.
Phiên sáng nay, chỉ qua ít phút đầu hứng khởi, một loạt mã trụ đổ đèo, bao gồm cả SAB khiến VN-Index lao dốc. Tuy nhiên, trong xu thế tăng của thị trường đã phục hồi, sự rung lắc như trong phiên sáng nay có thể chỉ là tạm thời, và điều này thể hiện rõ khi dòng tiền vào thị trường vẫn khá mạnh.
Tuy nhiên, độ rộng thị trường không quá lớn trước tâm lý nhà đầu tư còn khá thận trọng cùng diễn biến phân hóa của các mã lớn khiến chỉ số VN-Index nhanh chóng hạ độ cao và đón nhận những nhịp điều chỉnh nhẹ khi sang đợt khớp lệnh liên tục.
Nhóm dầu khí và ngân hàng là những điểm tựa chính giúp thị trường bay cao trong phiên hôm qua, thì trong phiên sáng nay lại có diễn biến thiếu tích cực như GAS đang giảm 0,97% xuống mức 91.600 đồng/CP, PLX và PVD đang giằng co ở mốc tham chiếu; các mã ngân hàng BID, CTG, MBB, VCB cũng đồng loạt quay đầu đi xuống.
Bên cạnh GAS, trụ cột VNM cũng diễn biến lình xình dưới mốc tham chiếu. Đặc biệt là SAB đảo chiều giảm khá sâu 4,27% tạm đứng ở mức giá 296.000 đồng/CP sau hơn 90 phút giao dịch của phiên sáng.
Trái lại, ROS tiếp tục thăng hoa và duy trì sắc tím với mức tăng 7% lên mức giá trần 156.600 đồng/CP nhờ lực cầu hấp thụ mạnh. Hiện ROS đang dư mua trần hơn 1 triệu đơn vị trong khi bên bán trống sàn.
Áp lực bán có dấu hiệu gia tăng lên sau hơn 90 phút giao dịch khiến sắc đỏ có phần chiếm ưu thế, cùng với diễn biến có phần thiếu tích cực hơn ở các mã lớn như SAB, VCB, VCB, GAS..., đã tiếp tục đẩy VN-Index lùi sâu hơn dưới mốc tham chiếu.
Sau khi lùi về sát mốc 950 điểm, lực cầu hấp thụ đã giúp thị trường bật ngược trở lại, tuy nhiên chưa đủ mạnh để giúp VN-Index hồi phục trước áp lực bán vẫn còn khá lớn.
Chốt phiên sáng, toàn sàn HOSE có 103 mã tăng/154 mã giảm, VN-Index giảm 3,11 điểm (-0,32%) xuống 954,98 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 139 triệu đơn vị, giá trị 3.061,58 tỷ đồng, giảm 9,44% về lượng nhưng tăng 5,83% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 7,1 triệu đơn vị, giá trị hơn 116 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí đã bớt tiêu cực hơn đầu phiên với sắc xanh le lói lại VCB, BID, STB, PVD, còn GAS cũng thu hẹp đà giảm chỉ còn 0,54%, xuống mức 92.000 đồng/CP.
Nhóm cổ phiếu bảo hiểm cũng là một trong những má phanh giúp thị trường không giảm quá sâu với BVH tăng 3,1% lên mức 60.200 đồng/CP, BMI tăng 2,9% lên mức 35.500 đồng/CP, PGI tăng 2,4% lên mức 21.000 đồng/CP.
Ngoài ra, một số mã bluechip cũng duy trì sắc xanh như VIC, MSN, HPG, ROS tiếp tục tăng trần với lượng dư mua trần 1,13 triệu đơn vị.
Trái lại, SAB tiếp tục suy giảm xuống mức thấp nhất trong phiên. Cụ thể, với mức giảm 6,53%, cổ phiếu SAB lùi về sát mức giá sàn 289.000 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công hơn 0,2 triệu đơn vị.
So với giá mua cổ phiếu là 320.500 đồng/CP, tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi sở hữu chi phối Sabeco (343,6 triệu cổ phần) đã mất 31.500 đồng/CP, tương đương với hơn 10.800 tỷ đồng.
Bên cạnh SAB, “người anh cả” với vốn hóa lớn nhất thị trường VNM cũng giao dịch trong sắc đỏ. Một số mã lớn khác như VJC, PLX, BHN, FPT, CTG… cũng quay đầu giảm.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, FLC tiếp tục chịu áp lực bán chốt lời và giảm 1,9%, xuống mức giá 7.060 đồng/CP với khối lượng giao dịch giảm khá mạnh đạt 16,2 triệu đơn vị nhưng vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường.
Ngoài ra, nhiều mã vừa và nhỏ khác cũng chưa thoát khỏi đà giảm như AMD, DIG, TCH, HHS, HQC, HAI…
Trong đó, CMG tiếp tục nằm sàn sau 11 phiên tăng mạnh liên tiếp. Hiện CMG giảm 7% xuống mức giá sàn 39.450 đồng/CP với khối lượng khớp chỉ đạt 18.340 đơn vị và dư mua bán sàn 983.070 đơn vị.
Trên sàn HNX, diễn biến cũng tương tự sàn HOSE. Sau nửa đầu phiên sáng giằng co và liên tục đổi sắc, áp lực bán gia tăng mạnh đã khiến HNX-Index quay đầu đi xuống, thậm chí có lúc rơi xuống mốc 112 điểm.
Chốt phiên, sàn HNX có 95 mã giảm/48 mã tăng, HNX-Index giảm 0,41 điểm (-0,36%) xuống 113,3 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 28 triệu đơn vị, giá trị 410,29 tỷ đồng, giảm 27,14% về lượng và hơn 30,4% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,2 triệu đơn vị, giá trị 28,16 tỷ đồng.
Cặp đôi cổ phiếu ngân hàng cũng có diễn biến thiếu tích cực sau phiên bật cao ngày hôm qua, cụ thể ACB quay đầu giảm 0,3% xuống mức 35.000 đồng/CP và khớp 1,18 triệu đơn vị; còn SHB giảm 1,1% xuống mức 9.100 đồng/CP và khớp hơn 4 triệu đơn vị.
Một số mã lớn khác cũng giảm khá mạnh như NTP giảm 1,6% xuống mức thấp nhất phiên 74.000 đồng/CP, VCS giảm gần 1% xuống mức 246.500 đồng/CP, TV2 giảm 1,23% xuống mức 246.500 đồng/CP, DBC giảm 2,78% xuống mức 28.000 đồng/CP…
Trong khi đó, sau diễn biến rung lắc đầu phiên, một số mã lớn nhóm dầu khí trên sàn HNX cũng đã hồi phục tích cực như PVS tăng 2,39% lên mức cao nhất phiên 21.600 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh dẫn đầu sàn HNX đạt 6,76 triệu đơn vị. Ngoài ra, PVB tăng 6,49% lên sát mức giá trần 19.700 đồng/CP, PVC tăng 0,84% lên mức 12.000 đồng/CP.
Trên sàn UPCoM, trạng thái rung lắc cũng diễn ra trong suốt cả phiên sáng.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,05 điểm (-0,08%) xuống 54,53 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 4,85 triệu đơn vị, giá trị 92,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm 2,32 triệu đơn vị, giá trị 70,96 tỷ đồng.
Trong đó, cổ phiếu LPB dẫn đầu thanh khoản trên sàn với khối lượng giao dịch đạt 1,39 triệu đơn vị và chốt phiên tạm đứng ở mức giá 13.100 đồng/CP, tăng 0,77%.
Ở cặp đôi cổ phiếu lớn ngành hàng không, trong khi HVN đảo chiều giảm 2,8% sau 4 phiên tăng liên tiếp, xuống mức 37.900 đồng/CP, thì ACV tiếp tục ghi nhận phiên tăng thứ 4 liên tiếp với mức tăng 1%, tạm đứng ở mức giá 90.700 đồng/CP.
Nguồn: Tinnhanhchungkhoan.vn