menu search
Đóng menu
Đóng

Chứng khoán sáng 25/10: Đà tăng của ROS chưa có điểm dừng

13:53 25/10/2017

Vinanet - Chốt phiên sáng nay, sàn HOSE có 134 mã giảm/115 mã tăng, VN-Index tăng 2,32 điểm (+0,28%) lên 827,56 điểm.

Dù có chút rung lắc đầu phiên, nhưng sự hỗ trợ tích cực từ một số mã bluechip, đặc biệt là ROS, giúp thị trường nhanh chóng lấy lại sắc xanh và tiếp tục có phiên tăng nhẹ. Nhóm cổ phiếu bất động sản sau phút ngẫu hứng cũng nhanh chóng hạ nhiệt.

Sau phiên lao dốc mạnh ngày đầu tuần, thị trường đã nhanh chóng hồi phục và lấy lại mốc kháng cự 825 điểm trong phiên 24/10. Bên cạnh việc lấy lại gần hết số điểm đã mất ở phiên trước, phiên giao dịch này còn ghi nhận dòng tiền đổ vào thị trường đạt kỷ lục nhất, trong đó riêng sàn HOSE đạt hơn 6.220 tỷ đồng tổng giá trị giao dịch.

Tuy nhiên, đi sâu phân tích phiên giao dịch hôm qua, dù giá trị giao dịch tăng vọt nhưng tác nhân chính đến từ thỏa thuận khủng của “ông lớn” VNM. Hầu hết thời gian giao dịch, thị trường diễn biến khá phân hóa. Mặc dù cung giá thấp đã được tiết giảm nhưng lực cầu vẫn tỏ ra thận trọng khiến giao dịch diễn ra khá tẻ nhạt.

Chỉ đến đợt khớp ATC, khi các cổ phiếu trong nhóm VN30 lần lượt bật dậy, với tâm điểm là ROS tiếp tục tăng kịch trần, đã tiếp sức giúp VN-Index bật tăng mạnh về cuối phiên và lấy lại mốc 825 điểm.

Theo đánh giá của một số công ty chứng khoán, trong phiên hôm qua, nếu loại bỏ giao dịch thỏa thuận của VNM thì thanh khoản của thị trường vẫn ở mức trung bình. Vì vậy, PHS đánh giá tâm lý của thị trường vẫn có thể là thận trọng nghi ngờ phiên tăng điểm là một cú bull-trap.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay, nhóm cổ phiếu bluechip vẫn là lực đỡ chính dẫn dắt thị trường duy trì sắc xanh. Tuy nhiên, lực cầu tiếp tục thận trọng với dòng tiền tham gia khá hạn chế khiến thị trường thiếu sức bật cao.

Sự phân hóa của nhóm cổ phiếu VN30 cùng thanh khoản yếu khiến thị trường trở lại xu hướng giằng co, VN-Index liên tục đổi sắc khi sang đợt khớp lệnh liên tục. Thậm chí có thời điểm nhiều mã lớn chịu áp lực điều chỉnh đã đẩy chỉ số này lùi về mốc 822 điểm.

Dù không còn giữ được sắc tím nhưng ROS vẫn duy trì đà tăng khá tốt, cùng với các mã lớn khác như VNM, MSN, VJC và sự phục hồi của dòng bank, đã giúp thị trường nhanh chóng đi lên.

Nhóm cổ phiếu bất động sản trong phiên sáng nay cũng tăng khá tốt như ASM, HQC, SCR, DXG, PDR, FLC… Trong đó, ASM sau những phiên lình xình đứng giá tham chiếu hoặc giảm nhẹ đã hồi phục với mức tăng 1,9% và đã chuyển nhượng thành công 2,25 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn HOSE.

Một trong những cổ phiếu thị trường đáng chú ý khác là HAG. Dù đón nhận thông tin không mấy tích cực khi Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức đăng ký bán 23 triệu cổ phiếu, nhưng với kết quả kinh doanh quý III có phần khởi sắc, cùng việc giảm dư nợ vay, đã giúp HAG tiếp tục tiến bước trong phiên sáng nay.

Sau gần 1 giờ giao dịch, HAG tăng 2,4% lên mức 7.960 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 832.360 đơn vị.

Tương tự, trên sàn HNX, sau nhịp rung lắc đầu phiên cũng đã nhanh chóng lấy lại đà tăng điểm. Trong đó, đáng chú ý vẫn là cổ phiếu trong nhóm bất động sản – CEO. Sau 7 phiên giao dịch lình xình, CEO đã bật tăng 3,9% và tạm đứng tại mức giá 10.600 đồng/CP trong phiên sáng nay với thanh khoản tăng vọt, đạt 3,38 triệu đơn vị.

Mặc dù áp lực có dấu hiệu gia tăng khiến sắc đỏ lan rộng hơn nhưng sự hỗ trợ tích cực từ dòng bank cùng một số mã lớn đã giúp thị trường duy trì đà tăng điểm đến hết phiên.

Chốt phiên sáng nay, sàn HOSE có 134 mã giảm/115 mã tăng, VN-Index tăng 2,32 điểm (+0,28%) lên 827,56 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 87,67 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 2.261,21 tỷ đồng.

Giao dịch thỏa thuận đóng góp 19,8 triệu đơn vị, giá trị gần 803 tỷ đồng. Trong đó, tiêng VNM thỏa thuận 1,68 triệu đơn vị, giá trị 252,49 tỷ đồng và MSN thỏa thuận 5,44 triệu đơn vị, giá trị 304,84 tỷ đồng.

Trong nhóm ngân hàng, ngoại trừ VPB vẫn đứng dưới mốc tham chiếu với mức giảm nhẹ 0,2%, còn lại các mã đều khởi sắc như VCB tăng 0,2%, BID tăng 0,7%, CTG tăng 0,5%, MBB tăng 1,1%, STB tăng 0,4%.

Cổ phiếu ROS tiếp tục hỗ trợ tích cực cho thị trường khi được kéo tăng 6,1% lên sát mức giá trần 171.100 đồng/CP với khối lượng khớp 1,14 triệu đơn vị.

Nếu trong phiên hôm qua, GAS cùng sánh bước với ROS và một số mã lớn hỗ trợ tốt cho thị trường, thì trong phiên sáng nay, lần lượt các mã GAS, SAB, VIC đã quay đầu điều chỉnh. Tuy nhiên, VN-Index lại nhận được sự hỗ trợ của các cổ phiếu lớn khác, điển hình là mã có vốn hóa lớn nhất thị trường VNM tăng 0,7%.

Bên cạnh đó, nhóm bất động sản cũng nhanh chóng hạ nhiệt. Ngoại trừ ROS tiếp tục dâng cao, còn lại nhiều mã khác đã chịu áp lực bán mạnh và quay đầu giảm điểm như FLC, SCR, KBC, HAR, NVL… Trong đó, FLC dẫn đầu thanh khoản trên sàn HOSE với 5,27 triệu đơn vị được chuyển nhượng.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, sau 3 phiên nằm sàn, HAI cũng đã có những tín hiệu tích cực khi có những nhịp hồi phục trong phiên sáng nay. Tuy nhiên chốt phiên, HAI giảm 5,4% xuống mức 9.110 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 3,5 triệu đơn vị.

Tương tự, sàn HNX duy trì sắc xanh đến hết phiên giao dịch nhờ sự hỗ trợ của các mã lớn.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,41 điểm (+0,38%) lên 107,1 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 20,21 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 256,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,96 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 20,84 tỷ đồng, trong đó riêng HUT thỏa thuận 1,35 triệu đơn vị, giá trị 15,39 tỷ đồng.

Cùng sự hồi phục của các cổ phiếu khác trong nhóm ngân hàng, ACB đã tăng 1,3% lên mức giá cao nhất phiên 31.500 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh gần nửa triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, một số mã lớn cũng đóng góp tích cực vào việc giữ nhịp thị trường như VCG, PVC, HUT, VCS…, trong đó CEO tăng 4,9% với khối lượng khớp lệnh tiếp tục dẫn đầu sàn HNX đạt 4,65 triệu đơn vị.

Trên sàn UPCoM, trái với 2 sàn chính, chỉ số trên sàn này đã đảo chiều giảm sau những nhịp rung lắc đầu phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,44 điểm (-0,83%) xuống 52,85 triệu điểm với tổng giá trị tương ứng hơn 6 triệu đơn vị, giá trị 93,41 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 388.171 đơn vị, giá trị 8,48 tỷ đồng.

Trong đó, cổ phiếu LPB tiếp tục giao dịch tích cực cả về giá và thanh khoản. Với mức tăng 5,4%, LPB tạm đứng tại mức giá 13.600 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công hơn 3 triệu đơn vị.

Đứng ở vị trí tiếp theo về thanh khoản là DDV và DVN cách khá xa LPB, với khối lượng giao dịch lần lượt 482.100 đơn vị và 464.900 đơn vị.

Nguồn: Tinnhanhchungkhoan.vn