VN-Index tiếp tục đi xuống bởi áp lực giảm của một số mã lớn, trong khi HNX-Index cũng đảo chiều giảm điểm sau 5 phiên tăng liên tiếp. Đáng chú ý, cổ phiếu lớn nhóm bất động sản - VIC đi ngược xu hướng thị trường và tăng khá tốt nhờ thông tin hỗ trợ tích cực.
Dù dòng tiền tham gia khá thận trọng, nhưng các chỉ số vẫn duy trì đà tăng điểm trong tuần vừa qua nhờ sự dẫn dắt luân phiên của nhóm vốn hóa lớn.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích CTCK IVS, thị trường sẽ khó tiến xa hơn nữa trong thời gian tới khi vĩ mô sẽ bộc lộ những điểm không tích cực, còn những cổ phiếu tốt thì giá đã tăng quá cao và không còn nhiều hấp dẫn về mặt định giá.
Áp lực bán đã xuất hiện khiến thị trường liên tiếp điều chỉnh trong 2 phiên đầu tuần. Trong đó, một số mã lớn trở thành “tội đồ” kéo thị trường đi xuống. Điển hình như phiên hôm qua, lần lượt các cổ phiếu ROS, SAB, BHN, VJC, PLX… lần lượt quay đầu đi xuống, trong đó SAB giảm 1,3%, ROS tiếp tục giảm 6,2% xuống sát giá sàn.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay 27/9, thị trường tiếp tục giao dịch trong sắc đỏ do lực bán vẫn chưa có dấu hiệu giảm trong khi lực cầu tham gia khá hạn chế.
Sang đợt khớp lệnh liên tục, sắc đỏ bao phủ trên diện rộng bảng điện tử, trong đó nhóm cổ phiếu lớn vẫn là tác nhân chính hãm đà hồi phục của thị trường, như GAS, VJC, BHN, MSN, SAB…, đặc biệt là ROS tiếp tục lùi sâu về sát mức giá sàn.
Sau khoảng 1 giờ giao dịch, trong khi ROS thoát sắc xanh mắt mèo nhưng vẫn giảm mạnh 6,64% thì những người anh em khác như FIT cũng có những nhịp hồi nhờ lực cầu hấp thụ mạnh. Tuy nhiên, áp lực bán ồ ạt gia tăng khiến FIT tiếp tục đứng ở mức giá sàn khi giảm 6,82% với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường đạt hơn 13 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 2,2 triệu đơn vị.
Cổ phiếu FLC tiếp tục giảm nhẹ 0,27%; trong khi đó, AMD đã đảo chiều sau 4 phiên giảm liên tiếp với mức tăng 0,9%.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dầu khí sau phiên khởi sắc hôm qua đã nhanh chóng hạ nhiệt và hầu hết đảo chiều giảm điểm như GAS, PVC, PVS, PGS, PVI...
Trái lại, VIC đang là điểm sáng của nhóm VN30. Hiện VIC tăng 3,24%, tạm đứng ở mức giá 51.000 đồng/CP với giao dịch khá sôi động đạt 614.430 đơn vị.
Được biết, hôm qua (26/9), HOSE đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu của CTCP Vincom Retail với số lượng cổ phiếu tới hơn 1,9 tỷ cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ 19.010 tỷ đồng.
Vincom Retail hoạt động chính là đầu tư, xây dựng và kinh doanh bất động sản. Tính đến cuối quý II/2017, Vingroup vẫn nắm giữ 100% quyền biểu quyết và 97,53% lợi ích của Vincom Retail.
Trên sàn HNX, sau 5 phiên tăng liên tiếp cũng đã đảo chiều giảm do áp lực bán gia tăng.
Đáng chú ý, KLF tiếp tục bị bán tháo và có phiên giảm sàn thứ 3 liên tiếp. Hiện KLF giảm 9,8% xuống mức 4.600 đồng/CP với khối lượng khớp 10,45 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 5,4 triệu đơn vị.
Thị trường diễn biến khá ảm đạm và lình xình suốt thời gian còn lại. Trong đó, cặp đôi ROS và SAB vẫn là gánh nặng chính của thị trường.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 108 mã tăng/132 mã giảm, VN-Index giảm 1,5 điểm (-0,19%) xuống 803,85 điểm. Thanh khoản vẫn cầm chừng với tổng khối lượng giao dịch đạt 93,5 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.908 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 8,06 triệu đơn vị, giá trị 160,67 tỷ đồng.
Tương tự, sắc đỏ cũng chiếm áp đảo trên sàn HNX với 82 mã giảm/52 mã tăng, HNX-Index giảm 0,46 điểm (-0,42%) xuống 107,45 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 35,76 triệu đơn vị, giá trị 361,19 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 5,1 triệu đơn vị, giá trị 254,64 tỷ đồng, trong đó NTP tiếp tục thỏa thuận lớn với 3,2 triệu đơn vị, giá trị 236,63 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng khá phân hóa với BID, MBB, STB tiếp tục giảm điểm, trong khi VCB duy trì đà tăng nhẹ 0,8%, VPB tăng 1,1%, CTG thực hiện điều chỉnh giá để chuẩn bị trả cổ tức 10% bằng tiền mặt cũng đã tăng 1,1%.
Ở nhóm dầu khí, trong khi cặp đôi lớn GAS và PLX đã hồi nhẹ thì điểm sáng trong phiên hôm qua là PVD đã đảo chiều giảm nhẹ 0,68%.
Bộ đôi ROS và SAB tiếp tục đóng vai trò là lực hãm chính của thị trường, trong đó, ROS giảm mạnh 6,55% xuống mức 105.500 đồng/CP và khớp hơn 3 triệu đơn vị; còn SAB giảm 1,2%. Ngoài ra, MSN giảm 1,43%, BVH giảm 0,54%, VJC giảm 0,6%, BHN giảm 1,8%.
Trong khi ROS tiếp tục giảm sâu, thì những người anh em FIT, FLC, AMD đã có những tín hiệu tích cực như AMD có những nhịp hồi và chốt phiên tại mốc tham chiếu, FLC đảo chiều tăng 0,9%, còn FIT đã thoát giá sàn với mức giảm 4,09% và tiếp tục dẫn đầu thanh khoản thị trường với 17,58 triệu đơn vị được chuyển nhượng.
Trái lại, cổ phiếu thị trường KLF vẫn chịu áp lực bán ồ ạt và nằm sàn với mức giảm 9,9%. Khối lượng khớp lệnh của KLF duy trì ở mức 10,57 triệu đơn vị, tiếp tục dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX và dư bán sàn hơn 6 triệu đơn vị.
Đáng chú ý, bên cạnh giao dịch thỏa thuận gia tăng mạnh, giá cổ phiếu NTP tiếp tục leo cao với mức tăng 3,6%, chốt phiên tại mức giá 71.800 đồng/CP và khớp 53.800 đơn vị.
Trong khi đó, VCS biến động khá mạnh. Sau nhịp rơi mạnh đầu phiên khi mở cửa giảm sàn, VCS đã lấy lại thăng bằng và chốt phiên chỉ giảm nhẹ 0,25%, đứng tại mức giá 203.500 đồng/CP.
Trên sàn UPCoM, trái với 2 sàn niêm yết, chỉ số trên sàn này đã duy trì sắc xanh trong cả phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,06 điểm (+0,12%) lên 54,33 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 2,85 triệu đơn vị, giá trị 51,19 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,21 triệu đơn vị, giá trị gần 63 tỷ đồng, trong đó HNF thỏa thuận hơn 1,2 triệu đơn vị, giá trị 62,79 tỷ đồng.
Cổ phiếu SWC dẫn đầu khối lượng giao dịch với 587.000 đơn vị được chuyển nhượng thành công và chốt phiên tại mức giá 13.800 đồng/CP, tăng 1,47%.
Đứng ở vị trí tiếp theo, GEX có khối lượng giao dịch đạt 360.100 đơn vị. Sau 6 phiên tăng liên tiếp, GEX đã chịu áp lực bán và đảo chiều giảm từ đầu tuần (25/9). Hiện GEX giảm 1,8% xuống mức giá 22.100 đồng/CP.
Nguồn: Tinnhanhchungkhoan.vn