Hai sàn niêm yết sáng nay không có nhiều điểm đáng chú ý do các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng khi các chỉ số đang ở vùng cản mạnh. Tuy nhiên, đột biến đã xảy ra trên sàn UPCoM với cuộc chiến thâu tóm tại DFC.
Sau những phiên khởi sắc cuối tháng 8 giúp VN-Index lấy lại mốc 780 điểm, chỉ số này tiếp tục bứt mạnh trong những phiên đầu tháng 9. Trong đó, phiên giao dịch sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 dù số mã giảm chiếm áp đảo trên bảng điện tử, nhưng với sự góp sức của các mã lớn, VN-Index đã tăng điểm khá tốt, vượt mốc 790 điểm và thậm chí có thời điểm được kéo lên gần ngưỡng 795 điểm.
Theo nhận định của ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Phân tích, Khối khách hàng cá nhân, CTCK Bản Việt (VCSC), hiện tại VN-Index vẫn đang ở trong xu hướng tăng trung hạn và sự mạnh lên của nhóm blue-chips là điều kiện cần để chỉ số sàn HOSE này có thể vượt qua vùng kháng cự 790 - 800 điểm, qua đó chinh phục các mốc cao hơn. Tuy vậy, cái thiếu của thị trường hiện tại là yếu tố thanh khoản. Do đó, lợi thế đang thuộc về nhóm blue-chips và một số cổ phiếu cơ bản có thông tin hỗ trợ.
Tuy nhiên, cần thận trọng đánh giá nếu thị trường tăng mạnh sau kỳ nghỉ lễ. Thời điểm cuối tháng 9, các diễn biến trên thị trường thế giới, tâm điểm là kết quả cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed, có thể sẽ ít nhiều tác động đến thị trường.
Trong khi đó, ở thị trường thế giới, vụ thử hạt nhân của Triều Tiên cuối tuần trước đã khiến chứng khoán toàn cầu chao đảo.
Diễn biến trên thị trường thế giới, cùng việc VN-Index đang tiến vào vùng kháng cự mạnh 790-800 điểm khiến áp lực gia tăng ngay khi thị trường bước vào phiên giao dịch sáng nay.
Trong đó, đà giảm của nhóm cổ phiếu ngân hàng cùng cặp đôi lớn VNM và VIC khiến VN-Index thủng mốc 790 điểm sau khoảng 30 phút giao dịch.
Tuy nhiên, dường như mốc 790 điểm đang tạm thời trở thành ngưỡng hỗ trợ mới của thị trường, nên lực cầu gia tăng khá mạnh tại ngưỡng này, giúp VN-Index bật trở lại.
Dù vậy, sắc đỏ vẫn đang chiếm thế áp đảo trên thị trường và sắc xanh nhạt của VN-Index có được chỉ nhờ vào một số mã lớn như SAB, GAS, PLX, MSN, ROS, MWG, VJC, VPB, HPG.
Thanh khoản thị trường khá thấp. Sau khoảng 1 giờ giao dịch, tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn chính chỉ đạt hơn 1.100 tỷ đồng, trong đó ROS vẫn là mã đóng góp lớn nhất với hơn 2,47 triệu đơn vị được chuyển nhượng.
Trên HNX, do ACB đang giảm giá, nên HNX-Index chưa thể lấy lại được sắc xanh. Trong nhóm cổ phiếu bluechip trên sàn này, VCG là mã có biên độ dao động lớn nhất.
Sáng nay, VCG đột ngột bật tăng mạnh lên thẳng mức giá trần, tuy nhiên sự thăng hoa này chỉ trong thời gian ngắn, áp lực bán đã gia tăng mạnh khiến cổ phiếu này quay đầu giảm điểm. Hiện VCG giảm nhẹ 0,47% với khối lượng khớp hơn 1 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX.
Sau nhịp hồi giữa phiên, thị trường trở lại giao dịch trong sắc đỏ trước áp lực bán vẫn khá lớn. Dù vậy, SAB và ROS vẫn là các má phanh giúp VN-Index giữ vững mốc 790 điểm.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 159 mã giảm/86 mã tăng, VN-Index giảm 0,92 điểm (-0,12%) xuống 791,39 điểm. VN30-Index giảm 2,29 điểm (-0,29%) xuống 774,73 điểm khi có tới 20 mã giảm, chỉ 8 mã tăng và 2 mã đứng giá.
Thanh khoản chưa mấy cải thiện với tổng khối lượng giao dịch đạt 87,29 triệu đơn vị, giá trị 1.810,71 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,64 triệu đơn vị, giá trị 59,99 tỷ đồng.
Tương tự, áp lực chốt lời cũng diễn ra khá mạnh trên sàn HNX khiến sắc đỏ chiếm áp đảo với 78 mã giảm và 49 mã tăng, trong đó nhóm HNX30 cũng giao dịch thiếu tích cực khi có tới 14 mã giảm và chỉ 5 mã tăng.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,4 điểm (-0,39%) xuống 103,98 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 21,59 triệu đơn vị, giá trị 296,62 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,64 triệu đơn vị, giá trị 25,67 tỷ đồng.
Trong khi VIC đã thu hẹp đà giảm đáng kể và có thời điểm chạm mốc tham chiếu thì VNM tiếp tục bị kéo về mức thấp nhất 151.300 đồng/CP, tương ứng giảm hơn 0,85%.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đồng loạt giảm điểm như BID giảm 1,9%, CTG giảm 1,1%, VCB giảm 0,5%, STB giảm 0,8%, MBB giảm 0,9%.
Trái lại, VPB vẫn là điểm sáng của ngành khi đà tăng tăng 4,1%, lên mức 37.900 đồng/CP với khối lượng khớp 855.480 đơn vị.
Bên cạnh VPB, cặp đôi SAB và ROS vẫn là lực đỡ chính giúp thị trường không giảm quá sâu với mức tăng tương ứng 1,57% và hơn 1,3%, trong đó ROS vẫn là cổ phiếu lớn có mức thanh khoản tốt nhất với 2,87 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công. Ngoài ra còn có MSN, GAS, HPG, VJC cũng kết phiên trong sắc xanh nhạt.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, cổ phiếu VHG đã không còn giữ được sắc tím và chỉ còn tăng 4,21% với lượng khớp gần 4 triệu đơn vị. FLC khá rung lắc nhưng đã lấy lại sắc xanh với mức tăng nhẹ 0,54% và tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu thanh khoản với 9,2 triệu đơn vị được chuyển nhượng.
Trên sàn HNX, sau phiên khởi sắc hôm qua, ACB đã quay đầu giảm 0,3%, SHB cũng giảm 1,27%, NTP giảm 1,47%, LAS giảm 1,82%, VCG giảm 2,33%, PVC giảm 1,18%..., đã tác động thiếu tích cực tới diễn biến chỉ số chung của thị trường.
Trong đó, VCG là cổ phiếu giao dịch sôi động nhất sàn HNX với 2,85 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công. Đứng ở vị trí tiếp theo, các mã PVS, TTH và HUT cùng có khối lượng khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Trên sàn UPCoM, cũng giống phiên sáng qua, chỉ số sàn chủ yếu giao dịch dưới mốc tham chiếu và kết phiên trong sắc đỏ sau nhịp hồi nhẹ đầu phiên.
Cụ thể, UPCoM-Index giảm 0,27 điểm (-0,5%) xuống 54,15 điểm với tổng khối lượng giao dịch hơn 5,4 triệu đơn vị, giá trị 123,11 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 19.492 đơn vị, giá trị chỉ hơn 818 triệu đồng.
Sau 5 phiên liên tiếp giảm điểm, cổ phiếu LTG đã đảo chiều thành công với mức tăng 1% và khối lượng giao dịch đạt 16.700 đơn vị.
Trong khi đó, cổ phiếu ART tiếp tục giảm sâu 12,6% và chốt phiên sáng tại mức giá 22.900 đồng/CP với khối lượng giao dịch vẫn dẫn đầu sàn UPCoM đạt 1,55 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, đột biến trong phiên sáng nay đến từ cổ phiếu DFC. Sau chuỗi thời gian dài không có giao dịch, hoặc thanh khoản lẹt đẹt, cổ phiếu DFC bất ngờ nổi sóng trong phiên hôm qua khi lên mức giá trần 28.800 đồng và tiếp tục duy trì sóng lớn sáng nay khi lực cầu lên tới hàng chục triệu đơn vị, giúp mã này tăng vọt lên mức trần 33.100 đồng.
Tuy nhiên, khác với phiên hôm qua hoặc các phiên trước đó, thanh khoản của DFC sáng nay cải thiện rất nhiều với hơn 1,5 triệu đơn vị được chuyển nhượng. Tuy nhiên, lực cung này chưa thấm vào đầu so với lực cầu khi mã này còn dư mua giá trần tới 24,16 triệu đơn vị.
Thông tin khiến DFC nổi sóng có thể đến từ việc UBND TP. Hà Nội thoái 3,6 triệu cổ phiếu DFC, tương đương 60% vốn điều lệ công ty từ ngày 5/9 đến ngày 20/9.
Chắc nhiều nhà đầu tư muốn thâu tóm công ty này, nên đã đẩy mức giá DFC lên cao nhằm có thể mua được hết lượng thoái vốn của UBND TP. Hà Nội. Tuy nhiên, lực cầu quá lớn, trong khi lượng cung chỉ có hạn, có thể mong muốn một nhà đầu tư thâu tóm toàn bộ DFC cũng không phải dễ dàng.
Với lượng giao dịch sáng nay 1,5 triệu đơn vị, nhiều khả năng đây là một phần lượng cổ phiếu bán ra của UBND TP. Hà Nội. Nếu đúng như vậy, thì lượng cung còn khoảng hơn 2 triệu cổ phiếu, vẫn quá thấp so với lượng dư mua lên tới hơn 24 triệu cổ phiếu.
Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn