Dòng tiền phiên sáng nay chảy khá mạnh, giúp VN-Index duy trì đà tăng để chinh phục ngưỡng 855 điểm. Tuy nhiên, giống như phiên hôm qua, VN-Index một lần nữa lại thất bại khi chinh phục ngưỡng kháng cự này.
Ngay sau phiên chào sàn với thanh khoản nhỏ giọt cùng lượng dư mua trần khủng, VRE của Vincom Retail được dự báo sẽ diễn ra hàng loạt giao dịch thỏa thuận lớn để thực hiện hóa giao dịch phân phối cổ phiếu VRE cho nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ trước thời điểm niêm yết với giá 41.400 đồng/CP.
Đúng như kế hoạch, ngay trong phiên sáng qua (7/11), VRE đã tạo ra một phiên giao dịch khủng, giúp thị trường có phiên kỷ lục lịch sử về thanh khoản. Cụ thể, VRE được thỏa thuận 415 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị 16.849 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại mua 396,6 triệu đơn vị và bán 260 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, VN-Index bị bị rung lắc mạnh và suýt trả giá khi muốn thử sức với ngưỡng 855 điểm.
Phiên rung lắc hôm qua khiến nhà đầu tư thận trọng khi bước vào phiên giao dịch sáng nay. Tuy vậy, nhóm cổ phiếu trụ cột vẫn làm tốt vai trò nâng đỡ thị trường, tiếp tục giúp sức kéo VN-Index đi lên.
Trong đó, hầu hết các mã vốn hóa lớn như VNM, SAB, GAS, VIC, ROS, VCB đều tăng giá, góp sức giúp VN-Index thử thách lại ngưỡng 855 điểm.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu ngân hàng sau phiên rung lắc và điều chỉnh hôm qua cũng đã hồi phục trở lại. Đáng chú ý, MBB tăng 2,2% với khối lượng khớp lệnh đạt 3,47 triệu đơn vị, hiện đang là mã có mức thanh khoản tốt nhất thị trường.
Được biết, theo báo cáo tài chính riêng lẻ quý III/2017 của MB, trong 9 tháng qua Ngân hàng đã cán mốc lợi nhuận trước thuế 4.000 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu khác cũng gây chú ý trong phiên sáng nay là nhóm cổ phiếu bất động sản với tâm điểm là cổ phiếu đầu ngành VIC. Chuỗi tăng điểm của VIC đã được xác lập khi ghi nhận phiên tăng điểm thứ 9 liên tiếp, hiện tạm đứng tại mức giá 64.300 đồng/CP, tăng 3,7% và đã chuyển nhượng thành công 484.590 đơn vị sau khoảng 1h giờ giao dịch.
Bên cạnh đó, hàng loạt mã bất động sản vừa và nhỏ cũng đua nhau tăng điểm như SCR, FLC, IDI, DXG, NLG, HAR…
Dù có chút hụt hẫng về cuối phiên do áp lực bán dâng cao khiến nhiều mã bluechip hạ độ cao, đặc biệt là màn lao dốc mạnh của ROS nhưng thị trường vẫn giữ được đà tăng khá tốt nhờ các trụ cột lớn.
Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 4,43 điểm (+0,52%) lên 854,76 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 94,6 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 2.573,76 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 8,82 triệu đơn vị, giá trị 370,76 tỷ đồng.
Trong khi đó, áp lực bán về cuối phiên cũng khiến sàn HNX rung lắc và liên tục đổi sắc, tuy vậy chỉ số sàn đã may mắn thoát hiểm và tạm chốt phiên sáng trên mốc tham chiếu.
Cụ thể, với 84 mã giảm và 53 mã tăng, HNX-Index tăng nhẹ 0,06 điểm (+0,06%) lên 104,89 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 24,9 triệu đơn vị, giá trị 284,92 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 552.970 đơn vị, giá trị 4,53 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng giữ nhịp tăng khá tốt nhờ lực cầu hấp thụ tích cực như VCB tăng 0,71% và khớp hơn 0,93 triệu đơn vị, BID tăng 1,75% và khớp 1,64 triệu đơn vị, CTG tăng 0,77% và khớp 2,26 triệu đơn vị, MBB tăng 1,9% và duy trì vị trí dẫn đầu thanh khoản với hơn 6,12 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.
Bên cạnh đó, VNM đóng vai trò là một trong những trụ kéo khá tốt khi tăng 1,4% lên mức 160.000 đồng/CP với giao dịch sôi động đạt khối lượng khớp lệnh 1,57 triệu đơn vị.
Các mã lớn khác cũng tăng khá tốt như GAS tăng 1,1% lên mức 75.500 đồng/CP, VJC tăng 2% lên 115.800 đồng/CP, PLX và MSN đảo chiều hồi phục với mức tăng nhẹ 0,4% và 0,2% lên mức 56.200 đồng/CP và 60.000 đồng/CP, BHN tăng 2,7% lên mức 114.100 đồng/CP... Đáng kể, VIC tăng khá mạnh 4,4% lên mức giá 64.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 1,22 triệu đơn vị.
Trái lại, ROS quay đầu lao dốc mạnh 6,5% về sát mức giá sàn 187.500 đồng/CP, là một trong những tác nhân lớn hãm đà tăng của thị trường. Cùng với đó, SAB cũng trở lại giao dịch trong sắc đỏ với mức giảm nhẹ 0,1% xuống mức 284.900 đồng/CP.
Không chỉ mã lớn, nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ cũng quay đầu điều chỉnh trước áp lực bán gia tăng. Trong đó, FLC giảm 1,2% xuống mức 6.470 đồng/CP với khối lượng khớp 4,43 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản sau MBB. Ngoài ra, các mã khác như KBC, PDR, OGC, ITA… cũng đảo chiều giảm.
Trên sàn HNX, các cổ phiếu trong nhóm HNX30 vẫn đóng vai trò là lực đỡ chính giúp thị trường có được sắc xanh như ACB, CEO, NTP, VCG, VCS, TV2…
Đáng chú ý, SHB biến động khá mạnh khi mở cửa bị kéo xuống mức giá sàn, tuy nhiên lực cầu hấp thụ tích cực đã giúp cổ phiếu này bật ngược trở lại và hồi phục sắc xanh. Với mức tăng 1,28%, SHB tạm đứng ở mức giá 7.900 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh đạt 5,5 triệu đơn vị, đứng đầu thanh khoản trên sàn HNX.
Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản là CEO với khối lượng khớp lệnh đạt 4,15 triệu đơn vị và chốt phiên tại mức giá 11.200 đồng/CP, tăng 4,67%.
Trên sàn UPCoM,giao dịch cũng diễn ra khá rung lắc, tuy nhiên gánh nặng từ nhiều mã lớn khiến chỉ số sàn này chốt phiên trong sắc đỏ.
Cụ thể, UPCoM-Index giảm 0,09 điểm (-0,17%) xuống 53,07 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,46 triệu đơn vị, giá trị hơn 76 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 298.950 đơn vị, giá trị 7,84 tỷ đồng.
Các mã lớn như GEX, HVN, DVN, LTG, TLT, QNS… đều giảm điểm, trong khi LPB, VIB đứng giá tham chiếu. Trong đó, LPB tiếp tục dẫn đầu thanh khoản trên sàn UPCoM với khối lượng giao dịch đạt 1,02 triệu đơn vị.
Đứng ở vị trí tiếp theo là DDV và SWC với khối lượng giao dịch lần lượt đạt 301.500 đơn vị và 208.500 đơn vị. Chốt phiên, DDV giảm 4,05% xuống mức 7.100 đồng/CP, còn SWC tăng nhẹ 0,81% lên 12.400 đồng/Cp.
Nguồn: Tinnhanhchungkhoan.vn