Dù chịu rung lắc những phút đầu phiên do áp lực chốt lời, nhưng dòng tiền tham gia thị trường vẫn chảy mạnh, giúp VN-Index duy trì đà tăng và lên mức đỉnh mới trong gần 10 năm.
Trong phiên hôm qua, mặc dù hụt mất ngưỡng 860 điểm trong đợt khớp ATC do cặp đôi SAB và ROS giảm mạnh, nhưng VN-Index vẫn đóng cửa ở mức kỷ lục mới trong hơn 9 năm ở mức 859,7 điểm.
Đóng góp phần lớn vào chỉ số hôm qua vẫn là nhóm vốn hóa lớn như nhóm ngân hàng, cùng các mã khác như VNM, VIC, GAS, VJC, PLX…
Bước vào phiên giao dịch sáng nay (9/11), tiếp nối sự hứng khởi trong phiên hôm qua, VN-Index leo thẳng một mạch lên hơn 863 điểm, nhưng sau đó gặp lực bán mạnh ở nhóm ngân hàng, cùng với đà giảm mạnh vẫn duy trì ở ROS và SAB nên quay đầu giảm.
ROS đang là là gánh nặng của chỉ số, khi chỉ chưa đầy 1h giao dịch đã mất 6,1% xuống 175.500 đồng/cổ phiếu và khớp hơn 450.000 đơn vị.
Cổ phiếu “co giật” SAB đang tái hiện lại màn biểu diễn trong phiên chiều qua, khi mở cửa đứng tham chiếu, và bật tăng nhẹ sau đó nhưng cũng nhanh chóng quay lại với sắc đỏ.
Tuy nhiên, thị trường vẫn nhận được sự hỗ trợ của các mã lớn khác như VNM, VIC, MWG, BHN, VJC..., nên VN-Index nhanh chóng lấy lại đà tăng.
Trong số các mã tăng, chỉ còn VIC vẫn đang giữ được đà và thanh khoản khá tốt do hiệu ứng tâm lý từ người anh em VRE.
Sau khi rung lắc quanh tham chiếu do áp lực chốt lời đến từ hầu hết các mã đang tăng gần đây, nhưng lực mua gia tăng mạnh sau đó đã giúp VN-Index bật mạnh lên, đóng cửa cao nhất trong phiên sáng.
Chốt phiên sáng, với 126 mã tăng và 129 mã giảm, VN-Index tăng 4,49 điểm (+0,52%) lên 864,19 điểm, tổng khối lượng giao dịch đạt 78,39 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 2.296,81 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,15 triệu đơn vị, giá trị 239,08 tỷ đồng.
Ở nhóm VN30, VNM đã quay đầu tăng trở lại, thanh khoản khá tốt cùng với khối ngoại mua vào gần 1,6 triệu đơn vị là một trong số các mã tạo động lực tăng cho thị trường, bên cạnh VIC, MWG, BMP, REE...
Cụ thể, chốt phiên VNM tăng 1,7% lên 162.900 đồng/cổ phiếu và khớp 1,42 triệu đơn vị. Trong khi đó, VIC thậm chí còn suýt lên sát giá trần, chốt phiên tăng 6,7% lên 69.900 đồng/cổ phiếu và khớp hơn 1,33 triệu đơn vị. Đây đã là phiên tăng thứ 10 liên tiếp của VIC.
MWG tăng 1,7% lên 130.200 đồng/cổ phiếu và khớp hơn 700.000 đơn vị; REE tăng 3,5% và khớp hơn 1,37 triệu đơn vị; BMP tăng 1,7%..
Một số cổ phiếu khác có đà tăng nhẹ nhưng thanh khoản khá tốt, trên dưới 1 triệu đơn vị như SSI, HPG, BID, KBC.
Ngược lại, một số mã giảm do gặp áp lực chốt lời như đã nêu trên đã níu chân chỉ số khá lớn như MBB, HSG, PVD, SBT, đây cũng là 4 mã thanh khoản trong nhất trong VN30.
Cụ thể, MBB giảm giảm 0,6% xuống 23.650 đồng/cổ phiếu và khớp gần 3,3 triệu đơn vị; HSG giảm 1,3% xuống 23.200 đồng/cổ phiếu và khớp 2,61 triệu cổ phiếu; PVD giảm 0,3% xuống 16.750 đồng/cổ phiếu và khớp 2,25 triệu đơn vị; SBT giảm 2% xuống 20.100 đồng/cổ phiếu và khớp 1,9 triệu đơn vị..
ROS đang trong tình trạng “báo động” khi giảm gần xuống mức sàn. Chốt phiên sáng, ROS giảm 6,7% xuống 174.300 đồng/cổ phiếu và khớp hơn 600.000 đơn vị.
Một cổ phiếu xây dựng lớn khác là CTD cũng kém sắc, nhưng chỉ giảm 0,8% và khớp lệnh không đáng kể.
Tương tự là SAB, chốt phiên giảm 0,5%, nhưng thanh khoản vài nghìn đơn vị nên không quá ảnh hưởng đến chỉ số...
Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, ngoài MBB, sau phiên chói sáng ngày hôm qua, đã lao dốc và khá thảm trong phiên sáng, ngoại trừ BID giữ được sắc xanh.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, FLC, HAI, HQC, DXG… đánh mất sắc xanh, qua đó cũng phần nào tạo áp lực lên đà tăng của chỉ số, trong đó FLC, DXG đứng tham chiếu và khớp lần lượt 2,49 triệu và 2,39 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, một số mã đảo chiều và khớp lệnh khá lớn như ASM, DIG… cũng đã phần nào bù đắp cho nhóm trên, trong đó ASM còn khớp lệnh đứng thứ 2 thị trường chỉ sau MBB với hơn 2,72 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, diễn biến khác tương đồng với VN-Index khi đã một vài lần rơi xuống tham chiếu, và bật tăng mạnh trở lại. Trong đó, đóng góp lớn thuộc về 2 mã tăng và dẫn đầu thanh khoản là VCG và SHB.
VCG chốt phiên tăng 5% lên 23.000 đồng/cổ phiếu và khớp hơn 3,26 triệu đơn vị. SHB tăng 1,3% lên 8.000 đồng/cổ phiếu và khớp hơn 3 triệu đơn vị.
Các mã có khớp lệnh cao còn lại như KLF, SHS, PVS, CEO thì chỉ có SHS tăng nhẹ, còn lại đều giảm, KLF đứng tham chiếu.
Chốt phiên sáng, 56 mã tăng và 65 mã giảm, HNX-Index tăng 0,5 điểm (+0,47%) lên 106,24 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 19,4 triệu đơn vị, giá trị 256,02 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ có 215.000 đơn vị, giá trị 5,28 tỷ đồng.
Trên sàn UpCoM, chỉ số UPCoM-Index rung lắc dữ dội quanh tham chiếu, bất chấp LPB tăng 4,7% và khớp hơn 1,23 triệu đơn vị, cao nhất sàn. Đứng tiếp theo là 2 mã tăng SWC và TIS với gần 300.000 đơn vị. Một số mã giảm tiếp theo là những cái tên quen thuộc như ART, GEX, SSN, HNV, SDI.
Trong đó, đáng chú ý có cổ phiếu SDI, phiên sáng nay giảm 7,2% xuống 95.000 đồng/cổ phiếu và khớp chưa đến 100.000 đơn vị.
Cổ phiếu này trong vòng 1 tháng qua đã tăng từ vùng 63.400 đồng/cổ phiếu lên 100.000 đồng/cổ phiếu trong các phiên gần đây, và thậm chí đã có lúc lên tới 105.900 đồng/cổ phiếu, cao nhất lịch sử giá trong ngày 03/11 vừa qua.
Nhưng khối lượng khớp lệnh trung bình chỉ khoảng 150.000 đồng đơn vị mỗi phiên, trong khi số lượng cổ phiếu đang lưu hành khá lớn, xấp xỉ 120 triệu cổ phiếu.
UPCoM-Index đứng tham chiếu ở mức 52,94 điểm, với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,32 triệu đơn vị, giá trị hơn 63,26 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 201.000 đơn vị, giá trị 2,25 tỷ đồng.
Nguồn: Tinnhanhchungkhoan.vn