menu search
Đóng menu
Đóng

Cổ phiếu Châu Á tăng phiên thứ tư liên tiếp

16:49 06/11/2023

Cổ phiếu Châu Á tăng phiên thứ tư liên tiếp vào thứ Hai (06/11) sau khi thị trường chuyển sang đặt cược vào các đợt cắt giảm lãi suất sớm hơn dự kiến ở Mỹ và Châu Âu.
 
 
 
Thị trường trái phiếu đang gặp khó khăn cũng có sự phục hồi khi báo cáo bảng lương của Mỹ cùng số liệu năng suất lạc quan cho thấy thị trường lao động đã hạ nhiệt và là cơ sở để Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) ngừng tăng lãi suất
Bruce Kasman, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế tại JPMorgan, cho biết các dữ liệu kinh tế Mỹ năm nay nhìn chung tốt hơn mong đợi làm gia tăng hy vọng cho một cuộc “hạ cánh mềm”. Bằng cách khuyến khích tăng năng suất và nguồn cung lao động cao hơn, nề kinh tế Mỹ có thể cho phép tăng trưởng việc làm và lạm phát thấp cùng tồn tại. Điều này sẽ mở đường cho Fed sớm nới lỏng chính sách tiền tệ.
Thị trường dự đoán 90% khả năng Fed đã hoàn thành việc tăng lãi suất và 86% khả năng đợt nới lỏng chính sách đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 06/2024.
Thị trường cũng dự đoán khoảng 80% khả năng Ngân hàng Trung ương Châu Âu sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 04/2024, trong khi Ngân hàng Anh được cho là đã bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ trong tháng 08/2023.
Các ngân hàng trung ương có cơ hội riêng để cân nhắc về triển vọng ôn hòa này, với ít nhất chín thành viên Fed sẽ phát biểu trong tuần này, bao gồm cả Chủ tịch Jerome Powell. Ngoài ra trong danh sách còn có các diễn giả của BoE và ECB. Bên cạnh đó, ngân hàng trung ương của Úc được cho là có khả năng tiếp tục tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách vào thứ Ba (07/11) khi lạm phát vẫn ở mức cao.
Ngân hàng Nhật Bản cũng đang trên đường thắt chặt tiền tệ với tốc độ chậm. Người đứng đầu ngân hàng trung ương hôm thứ Hai (06/11) cho biết họ đã tiến gần hơn đến việc đạt được mục tiêu lạm phát, nhưng vẫn chưa đủ để chấm dứt chính sách nới lỏng.
Kỳ vọng về lãi suất thấp hơn đã giúp chỉ số MSCI khu vực Châu Á-Thái Bình Dương ngoại trừ Nhật Bản tăng 2,0%, sau khi tăng 2,8% trong tuần trước và rời xa mức thấp nhất trong một năm.
Chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng thêm 2,4%, sau khi tăng 3,1% vào tuần trước. Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi tăng 4,3% khi chính quyền tái áp đặt lệnh cấm bán khống đến giữa năm 2024.
Cổ phiếu blue chip Trung Quốc tăng 1,3% trước dữ liệu về thương mại và lạm phát trong tuần này.
Hợp đồng S&P 500 kỳ hạn tương lai và hợp đồng Nasdaq kỳ hạn tương lai đều không thay đổi. Hợp đồng EUROSTOXX 50 kỳ hạn tương lai cũng ít biến động, trong khi hợp đồng FTSE kỳ hạn tương lai tăng lên 0,1%.
Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn hai năm hiện đứng ở mức 4,86%, sau khi giảm 17 điểm cơ bản vào tuần trước. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đứng ở mức 4,586%, so với mức đỉnh 5,021% của tháng 10.
Các nhà phân tích tại NatWest Markets viết trong một ghi chú: “Quan điểm của chúng tôi là Fed, ECB và BoE sẽ cắt giảm lãi suất sớm hơn so với dự đoán của thị trường và trong giai đoạn đầu, có thể sẽ có sự mở rộng về quy mô. Chúng tôi kỳ vọng lãi suất của Quỹ Fed sẽ giảm xuống 3-3,25%, lãi suất của ECB giảm xuống 3% và Lãi suất Ngân hàng trung ương Anh giảm xuống 4,25% vào cuối năm 2024.”
Sự sụt giảm của đồng USD và lợi suất củng cố vàng ở mức 1.983 USD/ounce, so với mức cao nhất trong 5 tháng gần đây là 2.009 USD.
Giá dầu tăng cao sau khi giảm 6% vào tuần trước, do Ả Rập Xê-út và Nga sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện bổ sung.
Gía dầu Brent tăng thêm 43 cent lên 85,32 USD/thùng, trong khi dầu thô của Mỹ tăng 54 cent lên 81,05 USD/thùng.

 

Nguồn:Vinanet/VITIC/Reuters