“Chúng tôi đã đầu tư và tiếp tục tìm kiếm các cổ phiếu tốt có câu chuyện cụ thể” bởi thị trường Việt Nam mang lại triển vọng trung hạn đầy hứa hẹn, Joshua Crabb, nhà quản lý danh mục đầu tư của Robeco ở Hong Kong (Trung Quốc) cho biết.
Việt Nam đã triển khai hàng loạt biện pháp như truy vết tiếp xúc và cách ly hơn 100.000 người… để ngăn đà lây lan của Covid-19 từ sớm và đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhận nhiều lời khen ngợi từ chuyên gia nước ngoài.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nằm trong nhóm nhanh nhất châu Á năm nay, tránh được nguy cơ suy thoái đang bao trùm lên nhiều nước châu Á láng giềng. Năm 2003, Việt Nam cũng nhận nhiều lời khen vì ứng phó nhanh với đợt bùng phát dịch Hội chứng Hô hấp Cấp tính Nặng (SARS). Việt Nam là nước đầu tiên được đưa ra khỏi danh sách các quốc gia có lây nhiễm nội địa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Thị trường chứng khoán Việt Nam nằm trong danh sách theo dõi của FTSE Russell từ năm 2018 để xem xét nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi thứ cấp. Việt Nam cũng đang nỗ lực để được nhà cung cấp chỉ số MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi, vào rổ chỉ số MSCI Emerging Market.
Hạn chế sở hữu nước ngoài với một số ngành được nới lỏng trong năm 2015. Hầu hết các công ty được phép tự quyết định giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài, chỉ một nhóm nhỏ được dỡ bỏ hoàn toàn hạn chế này.
Theo Bloomberg, thiếu thanh khoản là một trong những thách thức lớn nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam với nhà đầu tư ngoại. Để khắc phục, cơ quan quản lý đã triển khai các biện pháp thúc đẩy thanh khoản, phát hành sản phẩm mới như phái sinh vào năm 2017 và chứng quyền có bảo đảm năm 2019, từng có kế hoạch sáp nhập hai sàn chứng khoán Hà Nội (HNX) và TP HCM (HoSE) thành một sàn duy nhất do Nhà nước quản lý mang tên Vietnam Stock Exchange (VSE).
Nguồn:VITIC/Bloomberg