menu search
Đóng menu
Đóng

Việt Nam chính thức có thị trường chứng khoán phái sinh

09:02 11/08/2017

Vinanet - Sáng 10/8, tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức lễ ra mắt và khai trương thị trường chứng khoán phái sinh. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã tới dự và chính thức ấn nút vận hành thị trường. Sản phẩm phái sinh đầu tiên được đưa vào giao dịch là hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu VN30-Index.
Với sự kiện này, Việt Nam sẽ là quốc gia thứ năm có thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh trong khu vực ASEAN bên cạnh Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan và là quốc gia thứ 42 trên thế giới có thị trường tài chính bậc cao này. Trong lĩnh vực này, Việt Nam đã tiến khá nhanh với sự ra đời của TTCK phái sinh Việt Nam, chỉ hơn 17 năm sau khi có thị trường chứng khoán cơ sở, so với thông lệ của thế giới là khoảng 30 năm.
Ngay từ năm 2007, Đề án phát triển thị trường vốn Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 đã xác định chủ trương xây dựng TTCK phái sinh vận hành theo các thông lệ quốc tế. Từ đó đến nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nghiên cứu, xây dựng thể chế để đưa TTCK phái sinh vào hoạt động trên nguyên tắc thận trọng, đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn và theo thông lệ quốc tế tốt nhất. Đến năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển TTCK phái sinh tại Việt Nam và Nghị định số 42/2015/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh được ban hành năm 2015.
Đây là thị trường có các sản phẩm phức tạp, chủ yếu giúp các nhà đầu tư phân tán và phòng ngừa rủi ro, đồng thời giúp đa dạng hóa sản phẩm đầu tư, qua đó làm tăng sự hấp dẫn và cơ hội của TTCK. Do vậy, TTCK phái sinh thường được phát triển sau thị trường cơ sở; các nước trong khu vực thường mở cửa TTCK phái sinh sau khoảng 30 năm kể từ ngày mở cửa TTCK cơ sở.
Tại lễ khai trương, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCKNN cho biết, đến nay, các quy định pháp lý, hệ thống giao dịch, bù trừ thanh toán đã được hoàn thành để có thể bảo đảm thị trường vận hành thông suốt, an toàn. 7 công ty chứng khoán được chấp thuận trở thành thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và kết nối hệ thống giao dịch chứng khoán phái sinh với Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội gồm có: Công ty CP chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng, Công ty CP chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, Công ty CP chứng khoán Sài gòn, Công ty CP chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam, Công ty CP chứng khoán VNDirect, Công ty CP chứng khoán Bản Việt, Công ty CP chứng khoán MB.
Nhà đầu tư có thể mở tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh tại 7 công ty chứng khoán này. Tuy nhiên, lãnh đạo UBCKNN cũng chia sẻ, đây là một thị trường hoàn toàn mới đối với Việt Nam. Vì vậy, việc chuẩn bị, ra mắt và vận hành TTCK phái sinh trong giai đoạn đầu này được thực hiện một cách thận trọng, phải bảo đảm hạn chế tối đa các rủi ro.

 

Phát biểu tại lễ khai trương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, TTCK phái sinh ra đời sẽ có tác động tích cực đến sự minh bạch, tính thị trường của TTCK cơ sở, qua đó sẽ làm tăng tính thanh khoản, tăng quy mô thị trường, hỗ trợ TTCK phát triển ổn định, bền vững và là kênh huy động vốn an toàn, dài hạn phục vụ cho tăng trưởng kinh tế. Theo Phó Thủ tướng, sự kiện này là mốc son trong quá trình phát triển của TTCK Việt Nam, đáp ứng kỳ vọng của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, thành viên thị trường và công chúng đầu tư.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan ở trung ương và địa phương, tranh thủ sự hợp tác của quốc tế để tập trung thực hiện các nhiệm vụ cơ bản như: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về chứng khoán và TTCK phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện phát triển kinh tế đất nước để tiếp tục phát triển TTCK đồng bộ và thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính của đất nước; vận hành TTCK phái sinh thông suốt, ổn định, đảm bảo an toàn, minh bạch và hiệu quả với nhiều cấp độ, đa dạng hóa các loại sản phẩm từ đơn giản đến phức tạp, phù hợp với mức độ phát triển TTCK; tăng cường quản lý, hoàn thiện mô hình giám sát và công bố thông tin trên TTCK phái sinh, đảm bảo khả năng phòng ngừa rủi ro cho hệ thống tài chính, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia TTCK; Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ giao dịch và thanh toán bù trừ để bảo đảm an toàn, ổn định của thị trường, có khả năng kết nối, đồng bộ với các hệ thống giao dịch và giám sát thị trường…
Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ trước mắt là Bộ Tài chính phải tập trung xây dựng Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2020 tầm nhìn 2030, trình Chính phủ phương án cụ thể hợp nhất 2 Sở Giao dịch chứng khoán theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ và sửa đổi Luật Chứng khoán, trong đó cần ưu tiên xây dựng cơ sở pháp lý các sản phẩm phái sinh và TTCK phái sinh để tạo tiền đề cho phát triển sau này.
Nguồn: Quang Lộc/Báo Công Thương điện tử