Thiết kế
Ngay từ cái nhìn đầu tiên, nhiều người sẽ cho rằng Mirror 5 không thể là một mẫu smartphone tầm trung-rẻ. Thiết kế chắc chắn, đẹp mắt và mặt lưng độc đáo mang lại một cảm giác cao cấp cho thiết bị. Và chắc chắn, nhiều người dùng cũng liên tưởng tới thiết kế của Apple iPhone 4 khi tiếp xúc với Oppo Mirror 5.
|
Mặt lưng đẹp mắt của Mirror 5
|
Cầm máy trên tay, Oppo Mirror 5 cho một cảm giác chắn chắn, đầm tay và cao cấp. Ít nhất là so với mức giá 5,5 triệu đồng. Thông thường, những mẫu máy tầm giá trung-rẻ sẽ hơi nhẹ và có chút thiếu chắc chắn trong thiết kế. Và cảm giác khi cầm trên tay là điểm mạnh đầu tiên đáng nhắc tới.
Mirror 5 nặng 160 g và mỏng 7,65 mm, vừa đủ để tạo sự đầm tay, chắc chắn cũng như không gây ra hiện tượng mỏi cổ tay khi người dùng vừa nằm vừa sử dụng máy. Kích thước tổng thể của mẫu máy này là 143,4 mm x 71,2 mm x 7,65 mm, vừa tay với nam giới nhưng hơi lớn với phần lớn người dùng nữ giới.
Do đó mà Oppo cũng trang bị cho Mirror 5 chế độ dùng 1 tay, thu nhỏ màn hình lại về một góc, dù mẫu máy tầm trung này chỉ có kích thước màn hình 5 inch. Để chuyển qua chế độ sử dụng 1 tay, người dùng vuốt từ góc dưới bên trái hoặc phải ra giữa màn hình, máy sẽ tự động thu nhỏ hiển thị về góc xuất phát.
|
Mirror 5 có màn hình 5 inch với viền máy khá mỏng
|
Mẫu Android tầm trung này cũng nổi bật với phần nắp lưng họa tiết lạ mắt. Nếu không tháo phần nắp lưng, thậm chí ngay cả khi cầm trên tay, người viết vẫn tưởng như mẫu máy này có phần nắp lưng bằng kính. Phần họa tiết đẹp mắt, thay đổi theo góc nhìn nhưng rất dễ bám vân tay và khó lau sạch.
Một điểm nữa đáng nói về nắp lưng của Mirror 5 là viền nhựa màu đen xung quanh cao hơn phần nắp lưng một chút, đủ để người dùng có thể dán nắp lưng mà không làm máy dày thêm, đồng thời cũng tạo khoảng không cho loa ngoài thoát tiếng khi để máy trên bàn.
|
Phần nắp lưng khá giống kính nhưng thực chất được làm bằng nhựa
|
Đường viền kim loại quanh thân máy khá giống iPhone, nhưng thực tế Oppo đã thêm một viền kim loại bóng phía trên viền kim loại sần, có thể tạo ra điểm nhấn và khác biệt với thiết kế của iPhone nhưng lại làm cho máy có tổng thể hơi thiếu gọn gàng.
Các nút bấm, cổng kết nối ở viền máy cũng được gia công đẹp mắt, trau chuốt. Nút bấm có độ sâu, êm, không bị cứng và nông như trên những mẫu máy giá rẻ. Có thể nói, hầu như khó có thể chê được điểm gì ở thiết kế của Mirror 5 với mức giá chỉ 5,5 triệu đồng.
Điểm trừ lớn nhất trong thiết kế có lẽ là 3 phím cơ bản không có đèn nền, khá khó tương tác khi chưa thực sự quen máy.
|
3 phím cơ bản của Mirror 5 không có đèn nền
|
Phần mềm
Oppo trang bị cho các mẫu smartphone của hãng hệ điều hành ColorOS. Thực chất, đây là hệ điều hành Android được Oppo tùy biến và thêm các chức năng. Trong khoảng thời gian gần 5 ngày trải nghiệm với mẫu Mirror 5, người viết ấn tượng với ColorOS ở khả năng tối ưu các tài nguyên hệ thống, mang lại hiệu năng mượt mà và tốc độ xử lý nhanh nhẹn hơn nhiều mẫu Android "thuần" có cấu hình tương tự.
|
Giao diện ColorOS của Oppo Mirror 5
|
Nhà sản xuất Trung Quốc cũng đáng nhận được lời khen ngợi vì không cài quá nhiều phần mềm theo máy. Trong khi những nhà sản xuất Android khác như Samsung hay Asus thường bị người dùng than phiền vì phần mềm theo máy quá nhiều và thừa, gây ra sự hao phí tài nguyên không đáng có và làm giảm hiệu năng của máy.
ColorOS cũng mang tới cho người dùng trải nghiệm thú vị với hàng loạt các thao tác cử chỉ như gõ 2 lần lên màn hình để mở máy, kéo 3 ngón tay từ trên xuống hoặc dưới lên để chụp ảnh màn hình, kéo 2 ngón tay trên màn hình để chỉnh âm lượng, v.v...
Rất nhiều thao tác hỗ trợ thậm chí sẽ làm cho một số người dùng mất một khoảng thời gian dài để nhớ và làm quen. Tuy nhiên một khi đã làm quen, các thao tác này mang lại sự tiện dụng và chút độc đáo riêng cho người dùng của Oppo. Ngoài ra, những thao tác đa chạm này hoạt động mượt mà và nhạy, không có độ trễ khi thực hiện.
|
Nhiều thao tác đa chạm được nhà sản xuất Oppo mang lên các mẫu máy chạy ColorOS
|
Bộ gõ riêng của Oppo dành cho các mẫu máy chạy ColorOS cũng khá thú vị với khả năng "học" từ người dùng hay gõ và đưa ra gợi ý thích hợp. Nhưng đôi khi chính bộ gõ này gây ra sự bất tiện cho người dùng khi mới sử dụng, lúc máy chưa "học" được thói quen dùng từ của người dùng.
Với trải nghiệm riêng của người viết, bàn phím theo máy của Oppo khá nhỏ và có khoảng cách chưa hợp lý. Sau 5 ngày làm quen với bàn phím này, người viết vẫn gặp khá nhiều khó khăn khi sử dụng và hiếm khi bấm chính xác từ nếu không nhìn vào bán phím.
Giao diện phẳng "hợp thời" và khả năng thay đổi chủ đề nhanh, đơn giản là những điểm mạnh khác của ColorOS trên mẫu Mirror 5.
Hiệu năng
Như đã đề cập từ đầu bài viết, có lẽ Mirror 5 là một trong những mẫu máy Android đáng tiền nhất hiện nay trong tầm giá 6 triệu đồng. Hiệu năng của mẫu máy này là minh chứng cụ thể nhất.
Dù chỉ được trang bị chip Qualcomm 4 lõi 1,2 GHz và 2 GB RAM, khá "khiêm tốn" trong thế giới Android, nhưng những gì Oppo Mirror 5 thể hiện thực sự thuyết phục. Người dùng có thể mở hàng chục phần mềm chạy nền mà không thể làm khó Mirror 5. Resume các game nặng cũng gần như tức thời khi đã có nhiều phần mềm chạy nền.
|
Các game nặng khó có thể gây ra trở ngại cho độ mượt mà của Mirror 5
|
Một chút điểm trừ đó là chip đồ họa Adreno 306 chưa có hiệu năng tốt. Khi chơi các game nặng, đôi khi máy vẫn có dấu hiệu lag đồ họa, chậm khung hình.
Hiện tại vẫn chưa rõ nhà sản xuất Oppo có tác động lên xung nhịp của chip xử lý hay không nhưng nhìn chung, nhiệt độ của Mirror 5 khi hoạt động nặng hầu như không nóng. Dù vừa dùng, vừa sạc, vừa mở nhiều phần mềm đồng thời chơi video trong một khoảng thời gian dài, phần nắp lưng cũng chỉ hơi ấm chứ không nóng lên.
Màn hình qHD 960 x 540 với mật độ điểm ảnh 220 ppi mang lại cho mẫu máy tầm trung này khả năng hiển thị trung bình, không quá sắc nét, nhưng có màu sắc khá sâu. Độ sáng màn hình cũng là một điểm đáng chê của Mirror 5. Màn hình chỉnh sáng hết cỡ (bằng chế độ chỉnh tay) vẫn không thể giúp người dùng sử dụng máy dưới ánh nắng trực tiếp.
Giao diện chụp ảnh của ColorOS có thể nói là gần như giống hệt giao diện chụp ảnh trên iPhone, phần nào đánh mất cá tính riêng của nhà sản xuất Oppo. Tuy vậy khả năng thực thi nhanh, chất lượng ảnh tương đối tốt trong tầm giá cùng nhiều chế độ tùy chỉnh dễ sử dụng lại là những điểm mạnh lấn át chút nhược điểm về giao diện của Oppo Mirror 5.
|
Giao diện chụp ảnh trên Mirror 5 khá giống iPhone
|
Trên thử nghiệm thực tế cho thấy ảnh chụp sắc nét, màu sắc không bị lệch nhưng ảnh thiếu độ tươi. Ngoài ra, khả năng chụp trong điều kiện ánh sáng yếu của Mirror 5 cũng chỉ ở mức trung bình khá, ảnh thiếu sắc nét do xử lý chống nhiễu nhiều. Tuy không thực sự xuất sắc nhưng ảnh từ Mirror thuộc diện tốt trong tầm giá.
Cuối cùng, viên pin 2.420 mAh cũng tiếp tục xứng đáng được khen ngợi. Trong điều kiện thử nghiệm với màn hình sáng tự động, mở thông báo của tất cả các ứng dụng, cài đặt 3 tài khoản email, 1 tài khoản Facebook, 1 tài khoản Instagram, mở toàn bộ các kết nối và định vị GPS, Mirror 5 có thể hoạt động liên tục từ 8 giờ sáng tới 12 giờ đêm với cường độ mạnh.
Kết luận
Với 5,5 triệu đồng, hiện nay người dùng cũng có thể nghĩ tới một vài lựa chọn khác như Asus ZenFone 2 hay LG G4 Stylus. Nếu xét về mặt thương hiệu, có lẽ Oppo sẽ có một chút yếu thế. Tuy vậy, những gì nhà sản xuất này mang lên Mirror 5 có thể nói là ấn tượng. Và nếu người dùng không thực sự quá coi trọng thương hiệu, Mirror 5 là một lựa chọn đáng chú ý, bên cạnh những mẫu máy "có tiếng" hơn.
Một số hình ảnh khác của Oppo Mirror 5:
|
Cụm camera sau gọn gàng và ăn nhập với thiết kế tổng thể
|
|
Mặt trước có đèn LED báo hiệu ở góc trên bên phải
|
|
Máy dựa trên nền Android và vẫn sử dụng cửa hàng ứng dụng Play Store
|
|
Điểm đáng chê ở mặt lưng là lỗ loa, làm mất đi vẻ "long lanh" của họa tiết kim cương
|
|
Cạnh trái với các nút âm lượng. Phía bên phải là nút bấm mở/tắt máy.
|
|
Cạnh dưới với cổng kết nối/sạc
|
|
Cạnh trên có lỗ cắm tai nghe và cổng hồng ngoại
|
|
Mặt lưng đẹp mắt nhưng rất dễ bám vân tay
|
|
Thiết kế bên trong của máy khá gọn gàng với 2 khe cắm sim và 1 khe cắm thẻ nhớ
|
|
Màn hình ở mức khá và có độ sáng yếu
|
|
Mỗi góc lại tạo ra một kiểu họa tiết lưng khác nhau |
Một số ảnh chụp bằng Oppo Mirror 5:
|
Ảnh chụp không bị sai màu, nhưng màu sắc kém tươi |
|
Trong điều kiện ánh sáng quá tương phản, Mirror thể hiện không tốt, ảnh bị cháy nhiều |
|
Tuy nhiên, trong phần lớn trường hợp, ảnh của Oppo Mirror 5 có độ sắc nét tốt |
|
Ảnh bệt, mất chi tiết trong điều kiện ánh sáng yếu |
|
Thể hiện không tốt khi nền ảnh quá sáng |
|
Thử nghiệm chụp panorama trên Oppo Mirror 5 |
Thành NT