menu search
Đóng menu
Đóng

Intel thu hồi chip lỗi và biến thành móc chìa khóa

08:52 10/01/2018

Vinanet - Tuy sự việc xảy ra cách đây 24 năm nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự. Khi đó, hàng loạt mẫu chip lỗi bị Intel thu hồi và biến thành móc chìa khóa tặng cho nhân viên công ty.
Năm 1994, dòng chip Pentium P5 (sản xuất năm 1993) xuất hiện lỗi nghiêm trọng khiến máy tính không thể thực hiện chính xác một số phương trình nhất định.

Tuy sai sót này không ảnh hưởng tới phần lớn người dùng, nhưng tờ New York Times khi đó chỉ ra rằng những nhà khoa học và kỹ sư dựa vào máy móc để tính toán chính xác sẽ gặp phiền phức rất lớn.

Cuối cùng, Intel phải triệu hồi gần nửa triệu CPU lỗi, nhưng thay vì tái chế hoặc quăng chúng vào thùng rác, công ty này lại nghĩ ra cách tận dụng thông minh hơn. Đó là biến các con chip “phế liệu” thành móc chìa khóa tặng cho nhân viên Intel vào năm 1995.

Con chip lỗi Pentium P5 được gắn vào móc khóa.

Việc làm này có thể khiến một số người nghĩ rằng chiếc móc khóa đính con chip lỗi như lời nhắc nhở nhân viên Intel về sai sót mà họ gây ra với Pentium P5 bất cứ khi nào mang theo chìa khóa xe hơi hay chìa khóa nhà.

Thực tế không phải vậy. Thông điệp Intel để lại khá mạnh mẽ. Đó là câu nói truyền cảm hứng của CEO Intel Andy Grove khi đó: “Khủng hoảng có thể phá hủy công ty yếu kém; nhưng không thể làm công ty mạnh mẽ bị tổn thương; còn công ty vĩ đại lại học hỏi được rất nhiều điều từ đó”.

Năm 2014, vào dịp kỷ niệm 20 năm triệu hồi sản phẩm chip lỗi, nhân vật kỳ cựu Tom Waldrop nói rằng Intel đã “sống sót qua khủng hoảng và ngày càng mạnh mẽ hơn”.

Tom Waldrop cũng cho biết Intel đã thay đổi cách thức kiểm định nhằm phát hiện và ngăn chặn lỗi tiềm tàng trong CPU của hãng.

Mặt sau móc khóa là thông điệp mạnh mẽ của cựu CEO Intel Andy Grove

Từ năm 1994 trở đi, Intel hoạt động khá tốt. Rất ít sự cố xảy ra. Mọi thứ đều ổn tới đầu năm 2018 khi hai lỗi nghiêm trọng (Meltdown và Spectre) được phát hiện trong hầu hết mẫu chip Intel sản xuất trong nhiều năm qua.

Sai sót này thuộc về lỗi thiết kế và nó nghiêm trọng hơn rất nhiều so với scandal Pentium P5 năm 1994. Nó khiến nhiều thiết bị đứng trước nguy cơ bị tin tặc xâm nhập để đánh cắp dữ liệu nhạy cảm.

Intel không phải cái tên duy nhất bị ảnh hưởng. Vi xử lý của các đối thủ như AMD và ARM cũng dính lỗi bảo mật nghiêm trọng này.

Tới nay, Intel chưa có kế hoạch triệu hồi sản phẩm chip lỗi hay có ý định biến những con chip lỗi này thành móc chìa khóa như từng làm cách đây hơn hai thập kỷ.

Thay vào đó, Intel làm việc với các đối tác, đối thủ cạnh tranh, nhà phân phối hệ điều hành, đơn vị sản xuất thiết bị gốc để phát triển bản nâng cấp phần mềm giúp khắc phục vấn đề.

Nguồn: Zing.vn