Phải nắm rõ hợp đồng
Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng, người tiêu dùng cần nắm rõ hợp đồng quy định như thế nào trong trường hợp thẻ bị mất hoặc lộ thông tin tài khoản; trách nhiệm của các bên liên quan và hướng dẫn cụ thể của ngân hàng. Trường hợp hợp đồng không nêu hoặc nêu chưa rõ, người tiêu dùng cần thống nhất bằng văn bản hoặc bằng hình thức có lưu vết với ngân hàng về các quy định nêu trên để áp dụng trong trường hợp phát sinh tranh chấp.
Theo quy định, dịch vụ phát hành thẻ ghi nợ nội địa, mở và sử dụng dịch vụ tài khoản thanh toán (áp dụng cho khách hàng cá nhân) là dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Việc này nhằm hạn chế và ngăn chặn các điều khoản có yếu tố bất lợi cho người tiêu dùng, qua đó, nâng cao vị thế của người tiêu dùng trong quá trình sử dụng dịch vụ. Vì vậy, để hạn chế các rủi ro về mặt pháp lý, người tiêu dùng nên xác định rõ hợp đồng và các tài liệu liên quan mà ngân hàng, tổ chức cung cấp dịch vụ sử dụng đã được đăng ký với cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hay chưa.
Để hạn chế rủi ro đối với thông tin cung cấp cho ngân hàng, người tiêu dùng nên tham khảo và cân nhắc điều khoản trong hợp đồng liên quan đến việc đồng ý cho ngân hàng thu thập, sử dụng và chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba. Theo quy định, ngân hàng chỉ được chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của người tiêu dùng (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác).
Nhớ thông tin liên hệ của ngân hàng
Thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ hoặc tài khoản ngân hàng có thể được sử dụng 24/7. Vì vậy, khi bị mất thẻ hoặc bị lộ thông tin tài khoản, người tiêu dùng phải thông báo ngay lập tức với ngân hàng. Việc thông báo càng nhanh thì nguy cơ giảm thiểu rủi ro càng cao vì kẻ gian thường có xu hướng sử dụng thẻ ngay khi lấy cắp được. Để kịp thời thông báo trong trường hợp rủi ro mất thẻ, người tiêu dùng cần ghi nhớ cách thức liên hệ với ngân hàng hoặc thông thường là số điện thoại chăm sóc khách hàng của ngân hàng được in sẵn trên mặt sau của thẻ.
Bên cạnh đó, Phòng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh cũng khuyến cáo, trong bất kỳ trường hợp nào, người tiêu dùng cũng nên ghi nhớ ngân hàng không có quyền chủ động yêu cầu người tiêu dùng cung cấp các thông tin bảo mật.
Tuy nhiên, để đảm bảo thông tin tài khoản của mình, người tiêu dùng cần đăng ký dịch vụ nhận tin nhắn thông báo thay đổi số dư tự động của ngân hàng để giám sát các biến động trên tài khoản cá nhân /thẻ. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng nên nhớ không cung cấp thông tin bảo mật: tên đăng nhập, mật khẩu truy cập tài khoản trực tuyến/thẻ, mã xác nhận giao dịch,... cho bất kỳ ai dưới bất kỳ hình thức nào. Không truy cập vào đường link được gửi qua tin nhắn, email, mạng xã hội,... Chỉ thực hiện giao dịch ngân hàng tại website chính thức của ngân hàng (nhập bằng tay đường link truy cập của ngân hàng) hoặc các website có biểu tượng Verified by Visa và/ hoặc MasterCard SecureCode. Không lưu tự động các thông tin đăng nhập khi thực hiện các giao dịch trực tuyến. Luôn nhớ đăng xuất/ thoát khỏi chương trình khi không sử dụng. Hạn chế sử dụng máy tính công cộng để thực hiện giao dịch trực tuyến…
Trong trường hợp có sự cố xảy ra, người tiêu dùng cần phối hợp và cung cấp thông tin đầy đủ để hỗ trợ các bên làm rõ và xử lý vụ việc. Trường hợp phương án giải quyết không đảm bảo quyền lợi chính đáng, người tiêu dùng có thể phản ánh tới các cơ quan, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc liên hệ tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng miễn phí của Cục Quản lý cạnh tranh - 1800.6838 để được tư vấn thông tin, hỗ trợ giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Nguồn: Thanh Tâm/Báo Công Thương điện tử