menu search
Đóng menu
Đóng

Robot gia nhập ngành công nghiệp may mặc

14:29 23/10/2016

Tự động hoá trong sản xuất vốn phổ biến trong ngành công nghiệp ôtô nay đã lấn sân sang ngành may mặc.
Robot thường rất hữu dụng trong việc xử lý các vật liệu cứng, dễ di chuyển, dễ cắt và xoay trở. Đó chính là lý do công cụ này rất phổ biến trong công nghiệp sản xuất ôtô lâu nay. Nhưng trong ngành may mặc, việc sử dụng robot hoàn toàn khác. Quy trình tự động hoá có thể được sử dụng trong một vài giai đoạn sản xuất quần áo, nhưng robot không thể may hoàn chỉnh trang phục từ đầu đến cuối. Lý do là tính chất mềm mại của vải.
"Vải không hề có góc cạnh rõ ràng. Nó còn có thể bị giãn và rách", Jonathan Zornow, người sáng lập start-up Sewbo cho biết. Và anh đã có giải pháp cho vấn đề đó.
Giải pháp của Zornow là làm cứng vải với một dung dịch polymer tan trong nước, làm nó đủ cứng để robot có thể dịch chuyển. Loại polymer này đã được dùng trong công nghiệp may mặc như một cách để làm cứng sợi vải. Nó có thể được rửa sạch bằng nước ấm và trả lại sự mềm mại tự nhiên cho các loại vải.
Vào năm 2015, Zornow nghỉ công việc lập trình web vào tuổi 30 và tập trung phát triển hệ thống may bằng cánh tay robot.
Dùng 10.000 USD của bản thân, anh thuê một cánh tay robot có thể lập trình, một máy may và một máy hàn siêu âm. Mục tiêu của anh là hoàn thiện một cánh tay robot có thể may hoàn thiện một chiếc áo thun từ đầu đến cuối. Quy trình này như sau: một robot sẽ cắt tấm vải theo mẫu có sẵn, sau đó mẫu vải sẽ được làm cứng bằng dung dịch polymer. Sau đó, một cánh tay robot khác sẽ nâng tấm vải đã được làm cứng lên và đặt lên máy may. Sau khi may xong, robot sẽ lấy chiếc áo thun hoàn thiện ra khỏi máy may.
"Một robot không thể thực hiện hết những công đoạn này. Do đó, sẽ cần phải có hai hoặc ba robot trên một dây chuyền", Zornow cho biết. Hệ thống này có thể dùng để may nhiều loại vải, ngoại trừ da thuộc và vải chống thấm.
Zornow đã đăng ký bản quyền công nghệ làm cứng vải này tại 10 nước. Dù mới chỉ có thể thực hiện trên áo thun, Zornow mong muốn công nghệ của anh sẽ có thể dùng để may nhiều loại trang phục khác.
Để là được điều đó, Zornow đã hơp tác với công ty Bluewater Defense, hãng chuyên sản xuất quần đồng phục cho quân đội Mỹ. Công ty này làm ra 8.000 cái quần một ngày, một nửa trong số đó được sản xuất tại Puerto Rico với 500 người chỉ làm công việc may vá.
"Để có được một chiếc quần lính hoàn chỉnh cần phải trải qua 64 công đoạn", CEO Eric Spackey của Bluewater Defense cho biết. "Nếu chúng ta có thể tự động hoá mỗi 2-3 công đoạn thì năng suất sẽ tăng lên đáng kể."
"Nhu cầu tự động hoá trong may mặc là rất lớn, không chỉ tại Mỹ mà còn tại Ấn Độ", Zornow cho biết. Anh hy vọng sẽ phân phối này một cách rộng rãi trong vòng hai năm tới.
Công nghệ này thật sự là một sự thay đổi lớn, nhất là trong bối cảnh ngành công nghiệp may mặc đang tìm mọi cách để giảm thiểu các chi phí và gia tăng sản lượng. Ngành may mặc sử dụng rất nhiều lao động và chi phí cho công nhân có thể chiếm đến 40% chi phí cố định.
"Càng có nhiều nhân công thì càng nhiều khả năng họ bị bệnh hoặc phải nghỉ làm vì các lý do gia đình," ông Spackey cho biết. Một cuộc hẹn với bác sĩ ở Puerto Rico có thể mất cả ngày. Tự động hoá sẽ giải quyết tất cả các vấn đề này. "Nếu chúng ta hoàn thiện được quy trình tự động hoá chỉ trong khâu may thì năm đến mười năm nữa những công xưởng chỉ toàn robot sẽ thành hiện thực," vị này nói.
Tuy vậy, ông vẫn hiểu rõ những vấn đề liên quan khi người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp do robot. "Tôi rất quan ngại về những thay đổi tự động hoá sẽ mang đến thị trường việc làm. Tuy nhiên nếu không có công nghệ, nền công nghiệp này sẽ chết. Tự động hoá đang diễn ra mỗi ngày trong rất nhiều ngành nghề. Do đó, trách nhiệm trên vai của chúng ta là phải bắt đầu quy trình huấn luyện lại lực lượng lao động để họ có thể thích ứng với những công việc mới đòi hỏi kiến thức về công nghệ cao," Spackey tổng kết.
Nguồn: Vnexpress