menu search
Đóng menu
Đóng

Ấn tượng xuất khẩu thép

07:47 25/01/2022

Trong khi nhiều ngành sản xuất công nghiệp gặp khó khăn thì ngành thép vẫn thu về những kết quả khá ấn tượng trong năm 2021, XK tăng mạnh cả lượng lẫn trị giá. 
Dự báo, năm 2022 triển vọng thị trường thép Việt Nam sẽ khả quan hơn khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt hơn.
Trị giá xuất khẩu tăng gần 2,5 lần
Theo thông tin mới nhất từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA). Tính chung năm 2021, XK thép đạt khoảng 14 triệu tấn với trị giá hơn 12,7 tỷ USD, tăng 43% về lượng và tăng gần 2,5 lần về trị giá so với năm 2020. Sản phẩm thép của Việt Nam được XK đến hơn 30 quốc gia.

 

Tính chung năm 2021, NK thép thành phẩm về Việt Nam khoảng 13 triệu tấn với trị giá hơn 12,2 tỷ USD, giảm 7% về lượng nhưng tăng 38% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Các quốc gia cung cấp thép chính cho Việt Nam trong năm 2021 bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ.

 

Năm 2021, cơ cấu thị trường XK các sản phẩm thép Việt Nam ghi nhận sự chuyển dịch mạnh mẽ, giảm XK sang các thị trường ASEAN, Trung Quốc và tăng XK sang thị trường Mỹ, EU. Điều này cho thấy sự linh hoạt thích ứng của các DN. Cụ thể, “top” 5 thị trường XK thép của Việt Nam năm 2021 gồm: ASEAN chiếm 28,6% tổng kim ngạch, giảm 14% so với năm 2020; Trung Quốc chiếm 21,3%, giảm hơn 15%; EU chiếm 12,5%, tăng gần 10%; Mỹ chiếm 7,5%, tăng gần 6%; Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 5%, tăng 2,2%.
Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch VSA đánh giá, 2021 là năm thuận lợi của ngành thép Việt Nam cũng như toàn cầu. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gây ra nhiều khó khăn cho thị trường cung ứng toàn cầu thì đây lại là cơ hội cho Việt Nam trong việc tham gia chuỗi cung ứng này, trong đó có ngành thép Việt Nam.
Ông Trần Tuấn Dương, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoà phát nhận định: do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kéo dài suốt 2 năm vừa qua, GDP Việt Nam đã giảm còn 1-2% nhưng ngành thép Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng tích cực. Thị trường trong nước bị chững lại, song các DN thép đã đẩy mạnh XK và trở thành quốc gia XK ròng thép, sản lượng sản xuất lớn nhất Đông Nam Á.
Nhìn nhận cả quá trình, VSA thông tin, tính đến nay Việt Nam đã tham gia ký và thực hiện 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm tạo thuận lợi cho các DN mở rộng thị trường, đẩy mạnh XK hàng hóa. Đáng chú ý, XK thép giai đoạn 2016-2021 đạt được kết quả tích cực với tăng trưởng bình quân XK thép và bán thành phẩm thép (thép thô, ferro,…) khoảng hơn 20%/năm. Trong đó, riêng XK thép thành phẩm tăng trưởng khoảng 12%/năm.
Nhiều triển vọng trong 2022
Ông Nghiêm Xuân Đa cho rằng, triển vọng thị trường thép Việt Nam năm 2022 sẽ tốt hơn khi Chính phủ chỉ đạo phải ổn định và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh, thích ứng linh hoạt với đại dịch Covid-19. Nghị quyết 01/NQ-CP được ban hành ngày 9/1/2022 với các giải pháp phát triển, phục hồi kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2022. Các trọng tâm để duy trì đà tăng trưởng, khai thác các động lực tăng trưởng mới được Chính phủ xác định trong năm 2022 gồm: khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh XK và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng.
Với sự vào cuộc tích cực của Chính phủ và các ngành, các cấp, tình hình dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát tốt hơn, tạo điều kiện cho các nhà máy thép hoạt động ổn định, đảm bảo nguồn cung thép cho thị trường trong nước cũng như XK. Về mặt con số, VSA dự kiến, tăng trưởng sản xuất thép thô khoảng 8-10% so với năm 2021; sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thép thành phẩm có mức tăng trưởng tương ứng so với năm 2021.
Dù vậy, để đảm bảo cân đối cung-cầu năm 2022, VSA khuyến nghị Nhà nước có các chính sách khuyến khích đầu tư, thúc đẩy và bảo vệ sản xuất thép trong nước nhất quán, ổn định lâu dài. Ngoài ra, cơ quan nhà nước hỗ trợ các DN trong việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước, cũng như ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của các nước đối với các mặt hàng thép XK của Việt Nam nhằm giảm thiểu các thiệt hại cho các DN.
Dành nhiều sự quan tâm cho vấn đề “xanh hoá” ngành thép trong tương lai, ông Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tôn Đông Á cho biết, ngành thép Việt Nam hướng tới phát triển thép “xanh” trong tương lai, đáp ứng các tiêu chuẩn của EU khi thị trường này sẽ áp thuế khí thải cho các sản phẩm XK. Việt Nam cần chuẩn bị kỹ lưỡng để giữ vững và tăng thị phần XK. “Tôn Đông Á cũng sẽ nghiên cứu tìm hiểu để khi áp thuế liên quan đến môi trường vẫn có cơ hội XK vào thị trường này. Công ty sẽ chú trọng đầu tư cho sản xuất sạch”, ông Trung nói.

Nguồn:haiquanonline

Link gốc