menu search
Đóng menu
Đóng

Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam: Thực trạng, khuyến nghị và giải pháp

09:57 23/01/2018

Vinanet -Bài 1: Hiểu đúng về công nghiệp hỗ trợ
Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã hình thành nhiều ngành sản xuất công nghiệp quan trọng, đưa đất nước nhanh chóng tiến đến mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Tuy nhiên, trong tiến trình ấy, một trong những ngành công nghiệp được xem là nhân tố thúc đẩy hay "bánh đà" của nền công nghiệp – công nghiệp hỗ trợ (CNHT) - lại chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.
Nguyên nhân có nhiều, song theo các chuyên gia, trước hết, cần hiểu đúng khái niệm CNHT để có cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển phù hợp.
Từ cách hiểu của quốc tế…
Thuật ngữ "công nghiệp hỗ trợ" xuất hiện từ những năm 1980, xuất phát từ các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản, bởi trong chiến lược mở rộng hệ thống sản xuất ra nước ngoài, luôn kèm nhu cầu cung cấp linh, phụ kiện. Khi đó, cụm từ "Suso-no, San-Gyou" xuất hiện (tạm dịch Suso-no là chân núi, San Gyou là công nghiệp). Theo cách hiểu này, các DN Nhật Bản ví CNHT là nền tảng, là chân núi, còn việc lắp ráp để ra sản phẩm cuối cùng chỉ được ví như ngọn núi. Như thế, ở khía cạnh nào đó có thể nói, CNHT được ví như nền tảng hình thành và phát triển các ngành công nghiệp khác.
Đến năm 1985, thuật ngữ này lần đầu tiên được đưa vào "Sách trắng về hợp tác kinh tế" của Bộ Công Thương Nhật Bản khi làn sóng đầu tư ra các nước ASEAN của DN Nhật Bản tăng mạnh và hướng tới mục tiêu thúc đẩy phát triển các DN vừa và nhỏ trong lĩnh vực cung cấp linh, phụ kiện tại các nước đầu tư (Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia…). Sau đó, thuật ngữ nhanh chóng lan rộng và trở nên phổ biến tại các quốc gia trong khu vực châu Á cùng với các chương trình phát triển CNHT, giải quyết các vấn đề thâm hụt thương mại và thúc đẩy hợp tác phát triển công nghiệp với Nhật Bản.
Đến nay, tại Nhật Bản, CNHT được hiểu là "một nhóm các hoạt động công nghiệp cung ứng linh, phụ kiện đầu vào trung gian (không phải nguyên vật liệu thô và sản phẩm hoàn chỉnh) cho những ngành công nghiệp khác. Cụ thể, CNHT gồm các phân tầng: Nguyên vật liệu (Material& Raw material) => máy móc (machinery) => công cụ (tooling) => linh kiện, phụ tùng (Production part) => sản phẩm trung gian (Sub-asembly) => và cuối cùng là lắp ráp thành phẩm (Final assembly).
… Đến Việt Nam
Tại Việt Nam, theo các chuyên gia, dù đã bước đầu hình thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này, đồng thời, ngành CNHT cũng đã có những bước tiến nhất định, tuy nhiên, dường như CNHT vẫn chưa được hiểu chính xác và đầy đủ. Cụ thể, tại Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/2/2011 và Nghị định 111/NĐ-CP, ngày 3/11/2015 của Chính phủ nêu rõ: CNHT là các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu, phụ tùng, linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng. Sản phẩm CNHT gồm: Vật liệu, phụ tùng, linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm sản xuất tại Việt Nam để cung cấp cho khâu lắp ráp, sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh thuộc các ngành cơ khí chế tạo, điện tử - tin học, sản xuất lắp ráp ôtô, dệt may, da giày và công nghiệp công nghệ cao.
Theo cách hiểu tại các văn bản nói trên, khái niệm CNHT tại Việt Nam dù khá chi tiết, chỉ rõ các loại sản phẩm và ngành hàng thuộc lĩnh vực CNHT, tuy nhiên, lại thiếu nhiều ngành công nghiệp nền tảng quan trọng khác, như: Chế biến nông sản (bao gồm cả thủy - hải sản); sản xuất máy móc và vật tư nông nghiệp; sản xuất xe máy, đóng tàu…
Như vậy, việc hiểu chính xác, đầy đủ về CNHT vẫn chưa thật sự rõ ràng. CNHT đơn thuần chỉ là công nghệ lắp ráp, tạo ra sản phẩm cuối cùng cung cấp cho người tiêu dùng, như: Ôtô, sản phẩm điện tử, giày dép, quần áo thành phẩm… Trong khi đó, theo các chuyên gia, cần có cách nhìn tổng thể, dựa trên quan điểm: CNHT là sản phẩm, dịch vụ, ý tưởng về công nghệ, kiểu dáng công nghiệp, kỹ năng làm marketing… nhằm phục vụ, cung ứng, ứng dụng cho nhu cầu đầu vào của một quá trình xuất, giai đoạn sản xuất khác có thể là giai đoạn lắp ráp hoàn chỉnh, nhưng cũng có thể chỉ là giai đoạn sản xuất bán thành phẩm để phục vụ, đáp ứng, cung ứng… cho quá trình sản xuất sản phẩm khác…
Một ví dụ đơn giản, sản phẩm quặng sắt tinh luyện hàm lượng cao là sản phẩm cuối của quá trình luyện quặng nhưng lại là sản phẩm đầu vào cho quá trình sản xuất thép tấm, thép hình, thép cán và thép tấm, thép hình, thép cán lại là sản phẩm đầu vào cho quá trình sản xuất máy móc, thiết bị, công cụ khác…
CNHT vẫn chưa được hiểu chính xác, đầy đủ bởi quan điểm cho rằng, CNHT đơn thuần chỉ là công nghệ lắp ráp, tạo ra sản phẩm cuối cùng cung cấp cho người tiêu dùng.
Bài 2: Giải Pháp nào?
Nguồn: Hoàng Việt Anh (Bộ Công Thương)/Báo Công Thương điện tử