menu search
Đóng menu
Đóng

Đơn hàng xuất khẩu da giày đang giảm dần

09:16 19/08/2022

Sau nửa đầu năm tương đối “thuận buồm xuôi gió”, nửa cuối năm ngành sản xuất, XK da giày của Việt Nam đối mặt không ít khó khăn khi tình trạng lạm phát tại các thị trường XK lớn như EU, Mỹ tăng cao. Đáng chú ý, toàn ngành đang loay hoay giải “bài toán” nhập nguyên liệu chất lượng cao nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

“Ăn đong” đơn hàng
Theo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, XK của ngành trong nửa đầu năm ghi nhận tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 13,81 tỷ USD. Trong đó, XK giày dép đạt 11,79 tỷ USD, tăng 13,3%; XK valy - túi - cặp đạt 2,02 tỷ USD, tăng 20%. Trong số các thị trường XK của ngành da giày Việt Nam, Bắc Mỹ vẫn có mức tăng trưởng mạnh nhất với 24,5%, châu Âu 15,7% và Nam Mỹ 10,8%. Mỹ hiện vẫn là thị trường NK da giày lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm, tiếp đó là thị trường Bỉ, Trung Quốc.

Trong tháng 7/2022, sản xuất da giày chỉ tăng nhẹ 3,2% so với tháng trước nhưng tăng tới 25,5% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 7 tháng năm 2022, sản xuất của ngành tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sử dụng lao động của ngành thời điểm tháng 7/2022 tăng 1,1% so với cùng kỳ tháng trước và tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, XK sản phẩm giày dép của Việt Nam sang các thị trường có Hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục có sự phục hồi tích cực. Trong đó, XK sang khối thị trường thành viên FTA Việt Nam – EU (EVFTA) tăng 18,2%; Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tăng 10,5%; thị trường Anh thông qua FTA Việt Nam – Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) tăng 10,9%.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam đánh giá: hoạt động sản xuất, XK ngành da giày nửa đầu năm nhìn chung khá tốt, đơn hàng XK khả quan. Tuy nhiên, những tháng cuối năm, ngành da giày phải đối mặt với nhiều thách thức. Số liệu cập nhật mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, XK giày dép các loại tính tới hết tháng 7/2022 giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước. “Khảo sát từ các DN và các nhãn hàng cho thấy, từ nay đến quý 1/2023, tình hình đơn hàng sẽ có phần chững lại”, bà Xuân nói.
Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương cho biết thêm, những tháng cuối năm, đơn hàng đang từng bước giảm dần. Hiện tại, trong 3 tháng 8, 9, 10, lượng đơn hàng đã giảm 30% so với những năm trước.
Từ góc độ DN XK cụ thể, ông Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại giày dép Nguyên Nguyên Phước cũng cho rằng: tình hình thị trường nửa đầu năm khá khả quan, song nửa cuối năm thị trường sẽ chậm lại. Tháng 9, 10 sẽ là vùng trũng của đơn hàng. “Trước đây, DN có thể nhận đơn hàng trước từ 1- 2 quý. Tuy nhiên, với những biến động thị trường như hiện nay, DN chỉ có thể nhận đơn hàng trước 2-3 tháng. Hiện nay, Công ty Nguyên Nguyên Phước cũng như nhiều DN khác trong ngành da giày đang phải ‘ăn đong’ đơn hàng XK”, vị này nói.
Khó nhập khẩu nguyên liệu chất lượng cao
Một số chuyên gia kinh tế nhận định, hiện nay tình hình lạm phát tại các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ tăng cao; xung đột giữa Nga – Ukraine vẫn chưa chấm dứt khiến người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Điều này sẽ làm giảm nhu cầu mua sắm, khiến tình hình XK nói chung, trong đó có XK da giày nửa cuối năm gặp khó.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, trên thị trường XK, các mặt hàng da giày của Việt Nam đang được đánh giá ở mức trung bình cả về chất lượng và giá cả. Để cạnh tranh, ngành cần sản xuất các mặt hàng có giá trị cao hơn, theo đó cần NK được nguyên liệu có chất lượng, giá trị cao từ các nước. “Ngành da giày Việt Nam dù đã đẩy mạnh được XK sang thị trường các nước có FTA với Việt Nam nhưng chưa tận dụng tốt cơ hội NK, đặc biệt với EU. Thị trường này có nguồn nguyên phụ liệu tốt, giá trị cao phù hợp để có thể sản xuất sản phẩm ở phân khúc cao hơn. Ngoài ra, Việt Nam cũng chưa tận dụng tốt cơ hội để có thể NK công nghệ, thiết bị mới trong bối cảnh hướng đến sản xuất bền vững, sử dụng công nghệ xanh và sạch”, bà Phan Thị Thanh Xuân nói.
Để giải quyết vấn đề này, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam kiến nghị hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ DN tìm kiếm các đối tác XK nguyên phụ liệu trong khối thị trường có FTA để tận dụng ưu đãi về thuế; cung cấp thông tin thị trường kịp thời cho các DN; đồng thời tiếp tục quảng bá năng lực, thông tin về những lợi thế của ngành da giày Việt Nam, đặc biệt là lợi thế từ tham gia các FTA để bạn hàng tiếp tục đặt niềm tin vào ngành.
Dành sự quan tâm đặc biệt cho vấn đề thị trường Đức có đạo luật về nghĩa vụ thẩm định DN trong chuỗi cung ứng, áp dụng từ ngày 1/1/2023, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, đạo luật này sẽ tác động rất mạnh đến chuỗi sản xuất của ngành da giày khi XK vào thị trường EU. Trong khi đó, DN da giày trong nước hiện mới chỉ nhận được thông tin sẽ áp dụng trong thời gian gần nhất, còn cụ thể triển khai kế hoạch như thế nào, phải đáp ứng những thủ tục gì vẫn chưa rõ thông tin. DN rất cần được cung cấp thông tin kịp thời để chuẩn bị kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Nguồn:Haiquanonline

Link gốc