Ông Lâm Long Bào, nông dân tại Thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang cho biết, giá phân bón bán ra tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp tại Tân Châu đã tăng gần 2 tháng qua. Cụ thể, ngày 13/1/2021 giá phân ure là 365.000 đồng/bao (bao = 50kg), đến ngày 28/1 tăng lên 480.000 đồng/bao và ngày 3/3 một bao phân Ure 50kg được bán đến tay người nông dân với giá 500.000 đồng/bao. Giá phân bón đã tăng 135.000 đồng/bao (+37%) trong hai tháng đầu năm 2021.
Nông dân trồng lúa tại ĐBSCL đang thu hoạch rộ vụ lúa Đông Xuân, giá lúa đang giảm từ 300 - 500 đồng/kg cộng với giá phân bón đang tăng mạnh khiến cho bà con vô cùng lo lắng. Đặc biệt là vụ mùa Hè Thu sắp tới, đây là vụ mùa người nông dân cần sử dụng nhiều phân bón nhất trong năm.
NGUYÊN LIỆU ĐẦU VÀO VÀ NHU CẦU CAO ĐẨY GIÁ PHÂN BÓN TĂNG
Theo ông Đặng Hữu Chơn, Chủ đại lý phân bón cấp I ở huyện Phú Tân, An Giang, giá phân bón các loại đã tăng từ 45 ngày qua, tất cả các loại phân bón như Ure, Kali, NPK, DAP… đều tăng trung bình 100.000 đồng/bao.
Hiện nay, khu vực ĐBSCL chỉ sử dụng phân bón sản xuất trong nước như: Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ, Đạm Ninh Bình. Giá bán ra phân Ure tại đại lý của ông Chơn hiện dao động từ 9.400 - 9.500 đồng/kg, tương đương 475.000 đồng/bao phân 50kg; phân NPK khoảng 11.000 đ/kg, tương đương 550.000 đồng/bao; phân DAP từ 13.000 - 15.000 đồng/kg tùy nguồn gốc sản xuất. Hiện nay DAP Đình Vũ có giá rẻ nhất so với các loại DAP nhập khẩu, giá khoảng trên dưới 12.000 đồng/kg, DAP Korea và DAP Philippines giá bán gần 15.000 đồng/kg.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã DCM), đã chia sẻ với BizLIVE về diễn biến giá phân bón trong nước và thế trong hai tháng nóng sốt của thị trường.
“Tính đến ngày 3/3/2021 giá bán phân Ure của Đạm Cà Mau bán ra hệ thống phân phối là 8.500 đồng/kg, tương đương 430.000 đồng/bao. Quy ra giá các cửa hàng đại lý của DCM cao nhất khoảng 9.000 đồng/kg, tương đương 450.000 đồng/bao.
Hiện nay giá phân Ure nhập khẩu về tới cảng Việt Nam khoảng 9.300 đồng/kg, cộng với thuế, phí lên khoảng 10.000 đồng/kg, nhưng DCM đang cố gắng kiềm chế ở mức dưới 8.500 đồng/kg, thấp hơn giá thế giới 1.500 đồng/kg”, Phó TGĐ Phân bón Dầu Khí Cà Mau cho biết.
Theo bà Hiền, nguyên nhân giá phân bón tăng là do nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón mà cụ thể là Ure phụ thuộc nhiều vào giá khí, vì DCM mua giá khí thì phụ thuộc vào giá dầu. Giá thành sản xuất phân Ure của DCM có gần 50% đến từ giá khí nguyên liệu. Giá dầu thô Mỹ (WTI) đã tăng 25,9% kể từ đầu năm, từ 47,56 USD/thùng lên 59,9 USD/thùng. Giá dầu đang dự báo trong quý II có thể tăng cao hơn nữa.
Bên cạnh đó, trên thế giới hiện nay nhu cầu về lương thực nhất là Trung Quốc trong thời Covid-19 đang rất cao. Trong khi, nguồn cung không đáp ứng kịp thời tạo ra khan hiếm lương thực, đẩy giá lương thực tăng cao. Dẫn đến nhu cầu phân bón tăng mạnh để thúc đẩy sản xuất lương thực trên thế giới.
Nguồn cung phân bón tại Trung Quốc đang giảm do các nhà máy phân bón ở Tây Nam Trung Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lũ lụt năm 2020. Thêm vào đó, cuộc thương chiến Mỹ và Trung Quốc và mới nhất giữa Trung Quốc với Ấn Độ làm cho thương mại hạn chế. Những thị trường có nhu cầu sử dụng phân bón lớn như Nam Mỹ, Ai Cập trong vòng 3 tháng qua giá phân đã tăng khoảng 150 USD/tấn, quy ra tiền Việt Nam đồng khoảng 3.000 đồng/kg.
“Các công ty sản xuất phân bón trong nước luôn muốn giá phân bón đến tay người nông dân là hợp lý nhất. Tuy nhiên, lâu nay phân bón có một nghịch lý nếu như giá phân bón trong nước thấp hơn giá thế giới nhiều thì có hiện tượng "xuất ngược" ra nước ngoài.
KHÔNG MUA TÍCH TRỮ ĐẨY GIÁ PHÂN BÓN TĂNG CAO
Hiện vụ Đông Xuân đã qua nên tình hình sử dụng phân bón không căng thẳng, nếu Việt Nam để giá thấp hơn giá thế giới nhiều thì lại bị "đòi hàng" do đầu cơ tích trữ phân bón. Các đại lý phân phối lúc nào thấy nhà sản xuất bán ra thấp hơn giá thế giới thì họ muốn ôm hàng lại và chờ tăng giá bán ra cho nông dân, bà Hiền chia sẻ.
Vụ lúa Hè Thu phải hơn một tháng nữa mới đến và DCM đang chuẩn bị đầy đủ lượng phân bón đảm bảo nhu cầu sử dụng trong nước nhưng giá bán sẽ phải định theo giá thị trường.
“Trong cơn sốt giá phân bón như hiện nay, DCM đang cố gắng chủ động truyền thông về giá bán và nguồn hàng, để cho bà con thấy rằng nhu cầu bón phân bón xuống ruộng ngay lúc này không có, mà nguồn cung trong nước chuẩn bị cho vụ tới đầy đủ nên không việc gì phải mua phân về tích trữ trong nhà, góp phần gia tăng gom hàng tích trữ sẽ đẩy giá phân bón lên cao hơn nữa”, bà Hiền khuyến cáo.
Xu hướng giá phân bón thế giới tăng bắt đầu từ gần cuối năm 2020, do nhu cầu từ các nước sản xuất ngũ cốc và hạt có dầu tăng mạnh, nhất là để trồng ngô và đậu tương. Trong khi đó, nguồn cung phân bón thế giới bị giảm nhiều do dịch Covid-19 gây khó khăn cho hoạt động sản xuất ở nhiều nước, và tình trạng thiếu container rỗng đẩy giá cước tàu biển tăng gấp nhiều lần cũng ảnh hưởng tới giá vận chuyển phân bón.
Giá phân Ure tăng khoảng gần 21% từ đầu năm đến nay, tại Mỹ giá bán lên tới 457 USD/tấn. Mặc dù giá Ure hiện cao hơn nhiều so với năm 2020, song vẫn thấp hơn rất nhiều so với giá của năm 2019.
Giá phân DAP dẫn đầu trên thị trường phân bón thế giới về mức tăng, lên tới 21% từ đầu năm đến nay, giá bán trên thị trường Mỹ hiện đạt trung bình 600 USD/tấn, mức cao nhất kể từ cuối năm 2013. Nhìn chung, giá DAP trung bình trên thế giới hiện ở mức 602 USD/tấn.
Nguồn:Duy Khang / Bizlive