menu search
Đóng menu
Đóng

Khuyến công Hà Giang: Hướng đến các đề án dài hạn

12:32 24/10/2016

Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến công thương Hà Giang (trung tâm) đang xây dựng kế hoạch công tác khuyến công giai đoạn 2017 - 2020. Theo đó, trong những năm tới, khuyến công tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ những dự án trọng điểm, dài hạn, đặc biệt ưu tiên cho các đề án hỗ trợ theo chuỗi.

Năm 2016, Hà Giang được bố trí 2,935 tỷ đồng kinh phí khuyến công, bao gồm cả khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương. Tính đến hết tháng 9, trung tâm đã triển khai 3/4 đề án khuyến công quốc gia. Còn lại 1 đề án tổ chức Hội chợ công nghiệp - thương mại sẽ được triển khai vào tháng 12. Trung tâm cũng đã thực hiện 11/17 đề án khuyến công địa phương được giao, số đề án còn lại cũng sẽ được nghiệm thu trong những tháng tới.

Theo ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Giang, so với các địa phương trong khu vực miền núi phía Bắc, nguồn kinh phí dành cho công tác khuyến công của Hà Giang đứng trong top đầu, tuy nhiên quá trình triển khai hoạt động cũng như giải ngân nguồn vốn là rất khó khăn.

Hà Giang có tới 80% dân số sản xuất nông nghiệp, công nghiệp ra đời muộn, chậm phát triển do đó số lượng cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) hạn chế, quy mô nhỏ lẻ, số đề án đăng ký hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công theo đó cũng ít. Nội dung chưa đa dạng, chủ yếu xin hỗ trợ ứng dụng máy móc vào sản xuất, xây dựng thương hiệu, tham gia hội chợ triển lãm.

Cũng bởi các cơ sở CNNT nhỏ về quy mô, yếu về năng lực nên chất lượng các đề án khuyến công chưa cao. Việc hoàn thiện hồ sơ thủ tục kéo dài, ảnh hưởng tới tiến độ triển khai đề án và đăng ký kế hoạch hàng năm. Hà Giang cũng chưa xây dựng được các đề án trọng điểm, có sức lan tỏa lớn để phát huy thế mạnh của địa phương, tạo điểm nhấn về hiệu quả của hoạt động khuyến công đối với một vùng, một ngành nhất định. Đồng thời, chưa triển khai được các đề án hỗ trợ theo chuỗi giá trị, đây là nhược điểm cần sớm khắc phục của khuyến công Hà Giang.

“Năm 2015 trung tâm đã thực hiện được 15 đề án tư vấn phát triển công nghiệp, giúp bổ sung một phần kinh phí cho hoạt động. Tuy nhiên, sang năm 2016 chưa có dự án nào được triển khai cũng khiến trung tâm gặp không ít khó khăn” - ông Hậu chia sẻ.

Để giúp hoạt động khuyến công khắc phục khó khăn, Hà Giang sẽ củng cố và kiện toàn bộ máy tổ chức từ cấp tỉnh tới huyện, xã. Theo đó sẽ bố trí tối thiểu một cán bộ chuyên trách khuyến công cấp huyện, khuyến công viên cấp xã nhằm tránh tình trạng thay đổi nhân lực, ảnh hưởng tới tiến độ triển khai đề án cũng như khả năng bám sát cơ sở.

Trung tâm hiện đang tập trung xây dựng kế hoạch công tác khuyến công giai đoạn 2017 - 2020. Từ năm 2017, khuyến công Hà Giang sẽ hỗ trợ bài bản hơn, tập trung vào những ngành, nghề thế mạnh nhằm hỗ trợ theo chuỗi giá trị. Nâng mức hỗ trợ cho các đề án, khuyến khích các cá nhân, tổ chức chuyển hướng đầu tư vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ viên chức làm công tác khuyến công ở cấp tỉnh, huyện, đặc biệt là công tác đào tạo, tập huấn. Phối hợp, lồng ghép các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình xây dựng nông thôn mới, phối hợp với các tổ chức cá nhân nhằm huy động thêm nguồn lực cho khuyến công. Đề xuất với các huyện, thành phố hình thành vùng nguyên liệu tập trung để tạo điều kiện phát triển sản xuất bền vững. Trên cơ sở đó kết hợp hỗ trợ các cơ sở sản xuất tập trung để tiêu thụ sản phẩm nhỏ lẻ trong dân.

Từ năm 2017, khuyến công Hà Giang sẽ hỗ trợ những đề án mang tính dài hơi và tập trung vào những ngành, nghề thế mạnh nhằm khai thác tiềm năng của tỉnh.

Nguồn: Việt Nga/Báo Công Thương điện tử