menu search
Đóng menu
Đóng

Khuyến công Ninh Thuận: Tiếp sức cho công nghiệp nông thôn

15:11 24/07/2017

Dây truyền sản xuất gạch của Công ty TNHH MTV Mỹ Viên

Vinanet - Bằng nhiều giải pháp khuyến khích, trong đó ưu tiên dành nguồn vốn hỗ trợ cho quảng bá sản phẩm, đổi mới sản xuất, khuyến công Ninh Thuận đã và đang tiếp sức cho các doanh nghiệp (DN) công nghiệp nông thôn (CNNT).
Ninh Thuận hiện có khoảng 5.519 DN, cơ sở sản xuất CNNT. Khảo sát cho thấy, lực lượng này có điểm xuất phát thấp, quy mô nhỏ. Vốn bình quân của mỗi DN chỉ khoảng 21,9 tỷ đồng; hợp tác xã khoảng 80 triệu đồng; hộ kinh doanh khoảng 70,4 triệu đồng. Năng lực nội sinh yếu dẫn tới khả năng tiếp cận nguồn vốn, thay đổi công nghệ sản xuất của các DN CNNT rất khó. Hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng hầu hết tự phát và chạy theo thị trường, chưa có kế hoạch, định hướng phát triển lâu dài. Do đó, CNNT của tỉnh vẫn trong tình trạng phát triển chậm, không đồng đều giữa các huyện; chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu kinh tế.
Nhằm tháo gỡ một phần khó khăn trên, thông qua chương trình khuyến công, Ninh Thuận đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ DN CNNT phát triển sản xuất. Năm 2016, khuyến công địa phương đã triển khai nhiều đề án hỗ trợ đổi mới công nghệ sản xuất. Tiêu biểu, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh đã hỗ trợ 278 triệu đồng cho Công ty TNHH MTV Châu Toàn đầu tư 1 máy băm gỗ di động, công suất 8 tấn/giờ và 1 máy nghiền gỗ, công suất 5 tấn/giờ. Theo kết quả nghiệm thu, đề án đã mang lại hiệu quả tích cực trong sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí lao động, đáp ứng kịp thời nhu cầu khách hàng.
Từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, trung tâm cũng đã hỗ trợ Công ty TNHH MTV Mỹ Viên 150 triệu đồng đầu tư máy móc trong dây chuyền sản xuất gạch Terrazzo. Sau khi đưa vào sản xuất, hệ thống thiết bị mới đã giúp DN tăng đáng kể năng suất, sản phẩm làm ra đồng đều, đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Ngoài ra, trung tâm cũng phối hợp với các đối tượng thụ hưởng triển khai hàng loạt các đề án, như: Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị trong chế biến rong sụn tại hộ kinh doanh Lê Nhân; hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị trong chế biến hạt điều tại Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại Nông Sản An Bình…
Mặc dù đã rất nỗ lực đồng hành cùng DN CNNT trong phát triển sản xuất, tuy nhiên do các cơ sở khó khăn về nguồn vốn đối ứng nên khó tiếp cận được nguồn hỗ trợ từ chương trình khuyến công, thậm chí một số đơn vị thụ hưởng đã phải ngưng triển khai đề án do không bố trí được nguồn vốn. Sản phẩm CNNT của tỉnh chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh và một số tỉnh lân cận, thị trường chưa ổn định, theo đó DN chưa đủ năng lực đầu tư cho công nghệ sản xuất mới.
Để tiếp sức cho DN, Ninh Thuận đã xây dựng nhiều giải pháp. Cụ thể, tỉnh sẽ nâng cao chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, đề án khuyến công sát với thực tế và có hiệu quả; khuyến khích các đề án ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trên cơ sở cải tiến, phát huy công nghệ đang có và tăng cường công tác chuyển giao công nghệ mới.
Vận động DN có năng lực đổi mới dây chuyền công nghệ, thay thế công nghệ lạc hậu bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh phát triển các ngành nghề CNNT và các làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên cơ sở đào tạo nghề; hỗ trợ xúc tiến thương mại; hình thành các làng nghề mới…
Năm 2017, Ninh Thuận được phê duyệt 447,472 triệu đồng kinh phí khuyến công địa phương cho triển khai 7 đề án, gồm: Tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu tỉnh Ninh Thuận năm 2017; tham gia hội chợ giới thiệu quảng bá các sản phẩm CNNT tiêu biểu, làng nghề và ngành nghề định hướng phát triển tại tỉnh Thừa Thiên Huế; khảo sát, học tập kinh nghiệm mô hình hiệu quả về phát triển thương hiệu và chế biến sản phẩm tại các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng…
Nguồn: Bùi Việt/Báo Công Thương điện tử