menu search
Đóng menu
Đóng

Ngành than chủ động hiện đại hóa công nghệ

10:37 19/01/2017

Thực hiện đổi mới toàn diện trong sản xuất theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa ở hầu hết các lĩnh vực đã giúp ngành than bảo đảm những mục tiêu ổn định, dài hơi trong chiến lược phát triển bền vững.

Theo Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), trong thời gian qua, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã chủ động nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ tiên tiến, đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ tại các đơn vị trong tập đoàn. Đến nay, tập đoàn đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu về phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất.

Điển hình, trong lĩnh vực khai thác than hầm lò, đã áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến như: Công nghệ cơ giới hóa khai thác vỉa dốc, mỏng bằng tổ hợp dàn chống 2ANSH; công nghệ khai thác bằng các lỗ khoan đường kính lớn bằng máy khoan BGA-2M; công nghệ cơ giới hóa đào lò bằng máy combai AM-45 và AM-50Z để nâng tốc độ đào lò; công nghệ khai thác lò chợ sử dụng giá khung thủy lực di động… Đến nay, phần lớn các đơn vị hầm lò đã thực hiện đồng bộ thiết bị cơ giới hoá trong khai thác như các công ty: Hà Lầm, Khe Chàm, Vàng Danh, Nam Mẫu, Mạo Khê, Hồng Thái, Dương Huy, Thống Nhất, Hạ Long, Mông Dương...

Trong lĩnh vực khai thác lộ thiên, đã ứng dụng các công nghệ mới trong việc khai thác xuống sâu dưới mức thoát nước tự chảy, áp dụng các thiết bị làm tơi đất đá bằng phương pháp không cần nổ mìn; công nghệ khoan, nổ mìn trong điều kiện lỗ khoan ngập nước; công nghệ sử dụng thiết bị đào lò vận tải liên hợp… Hay trong lĩnh vực sàng tuyển than, đã áp dụng các công nghệ sàng tuyển tiên tiến để nâng cao chất lượng thành phẩm, tận thu than bã sàng và than chất lượng xấu bằng công nghệ huyền phù tang quay và huyền phù tự sinh. Các công nghệ tiên tiến trong quản lý, kiểm soát an toàn mỏ như kiểm định thiết bị điện phòng nổ, kiểm định vật liệu nổ an toàn hầm lò, xác định độ chứa khí tự nhiên và phân cấp khí mỏ, thiết kế lắp đặt các hệ thống tự cảnh báo khí mê-tan, thiết kế lắp đặt hệ thống tháo khí mê-tan cũng đã được áp dụng.

Đặc biệt, ngành than đã chủ động thiết kế, chế tạo công nghệ, thiết bị để tránh lệ thuộc vào nước ngoài, tăng tỷ lệ nội địa hóa. Tiêu biểu như Dự án “Nghiên cứu chế tạo thiết bị, công nghệ thi công đào giếng và trục tải giếng đứng ứng dụng cho mỏ than hầm lò Núi Béo”. Ước tính, thông qua hoạt động nghiên cứu và huy động nguồn lực trong nước với chi phí tư vấn, thiết kế giảm được 30% so với chi phí thuê ngoài. Khi dự án thành công cũng sẽ góp phần nội địa hóa 2/3 giá trị sản phẩm (hơn 600 tỷ đồng), giảm được 17 - 20% giá thành so với thiết bị nhập khẩu, tạo công ăn việc làm cho khoảng 400 công nhân trong 2 năm. Hiện tại, dự án đang nghiệm thu cấp cơ sở, hứa hẹn sẽ mở ra việc làm chủ công nghệ thiết kế giếng đứng trong điều kiện Việt Nam.

Ông Khuất Mạnh Thắng - Phó Tổng giám đốc TKV - cho biết, trong thời gian qua, điều kiện sản kinh doanh của TKV gặp nhiều khó khăn; diện khai thác ngày càng xuống sâu, xa hơn, cung độ vận chuyển than, đất đá tăng; áp lực mỏ lớn, khí và nước nhiều; các chi phí về thăm dò, thoát nước, thông gió, an toàn bảo hộ lao động, môi trường lớn hơn; các loại thuế, phí tăng làm cho giá thành sản phẩm tăng cao. Trong điều kiện đó, việc đầu tư, đổi mới công nghệ nhằm giảm giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh được TKV quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Vì vậy, trong thời gian qua, số lượng các đề tài, dự án khoa học công nghệ và kinh phí thực hiện tương đối lớn. Ví dụ, năm 2015, thực hiện 19 đề tài, 3 dự án sản xuất thử nghiệm, kinh phí khoảng 62 tỷ đồng. Năm 2016, thực hiện 33 đề tài, 1 dự án sản xuất thử nghiệm, kinh phí khoảng 67 tỷ đồng…

Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, việc đầu tư đổi mới công nghệ trong ngành khai thác than và khoáng sản đã góp phần tăng sản lượng khai thác bình quân 14%/năm. Tỷ lệ cơ giới hóa trong khai thác hầm lò đã tăng vượt bậc từ 10% lên 80% trong những năm qua.

Nguồn: Quỳnh Nga/Báo công thương điện tử