Dự án đầu tư 30 dây chuyền sản xuất profile của hãng Theyson, Cincinnati (Áo), nhằm tăng công suất của nhà máy lên gấp 3 lần, đạt 50.000 tấn sản phẩm/năm. Đây là dự án được đầu tư quy mô và hiện đại nhất trong ngành nhựa xây dựng tại Việt Nam.
Nhựa Đông Á kỳ vọng, sau khi hoàn thành dự án này, Công ty có thể vươn lên vị trí số 1 về sản xuất profile. Đặc biệt, với quyền lực trong việc chi phối sản phẩm thanh profile trên thị trường khi nhà máy này đi vào hoạt động, Nhựa Đông Á đặt kỳ vọng có thể đánh bạt hàng Trung Quốc giá rẻ, vốn là đối thủ cạnh tranh số 1 của doanh nghiệp ngành nhựa gia dụng này.
Cửa nhựa có lõi thép gia cường với thành phần cốt yếu là thanh profile uPVC xuất hiện ở Việt Nam từ đầu những năm 2000. Thời điểm đầu, sản phẩm này hoàn toàn được nhập khẩu từ nước ngoài, chủ yếu từ châu Âu và Trung Quốc. Sản phẩm cũng được phân chia làm nhiều loại theo chất lượng và giá cả.
Nhựa Đông Á đã nắm bắt khá nhanh nhu cầu thị trường và là một trong những doanh nghiệp trong nước đầu tiên đầu tư sản phẩm này và tiếp tục được định hướng là một sản phẩm chủ lực của Công ty.
Ông Nguyễn Bá Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng giám đốc Nhựa Đông Á cho biết, trong kế hoạch 5 năm tới, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 3.000 tỷ đồng. Theo đó, các sản phẩm nòng cốt của Công ty là thanh profile, cửa smart window, tấm mica và tấm PP công nghiệp...
Việc huy động các nguồn lực để dồn sức cho sản phẩm thanh profile đã được Nhựa Đông Á chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhiều năm trước. Hồi năm 2013, Công ty đã từng thực hiện thương vụ phát hành trái phiếu chuyển đổi khá thành công cho đối tác chiến lược đến từ Nhật Bản là Quỹ đầu tư tài chính Japan South East Asia Growth Fund L.P (JSEAGF). Đây là một trong những quỹ đầu tư tài chính hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Trong đợt phát hành này, Nhựa Đông Á đã phát hành 53,5 tỷ đồng trái phiếu, trong đó, 40 tỷ đồng được phát hành cho JSEAGF và 13,5 tỷ đồng còn lại được Nhựa Đông Á bán cho một đối tác trong nước là Công ty liên doanh Shide Việt Nam.
Số tiền thu từ đợt chào bán đã được Nhựa Đông Á đầu tư tăng năng lực sản xuất sản phẩm thanh profile lên gấp 2,5 lần so với thời điểm đó. Đến năm 2015, Nhựa Đông Á đã ký hợp đồng phân phối thanh nhựa uPVC thương hiệu Shide Profile. Theo đó, 4 đối tác sẽ tiêu thụ sản phẩm thanh profile từ Dự án đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất thanh profile của Đông Á tại Hà Nam, tương đương 25% công suất sau mở rộng.
Trong năm 2015, Nhựa Đông Á tiếp tục thực hiện các đợt huy động vốn quy mô lớn, trong đó có đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng với số lượng lên tới 20,9 triệu cổ phần. Trong đó, 1,9 triệu cổ phần được phát hành thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2014, hơn 12,25 triệu cổ phần được phát hành cho cổ đông hiện hữu. Còn lại, một phần cổ phiếu do cổ đông hiệu hữu không thực hiện quyền mua đã được Công ty phân phối cho 10 nhà đầu tư cá nhân.
Mặc dù vậy, tham vọng của Nhựa Đông Á trong việc mở rộng quy mô chưa dừng lại, khi vẫn đang rốt ráo tìm kiếm đối tác chiến lược để tiếp tục bán cổ phiếu cho nhà đầu tư ngoại.
Cụ thể, công ty này đã có nhiều buổi làm việc, tiếp xúc đối tác ngoại. Hồi cuối năm 2015, RISA Partners Inc (Nhật Bản) đã đến làm việc, khảo sát và không che giấu mục đích trở thành cổ đông chiến lược. Đây là một tổ chức đầu tư của Nhật Bản, tập trung vào tài chính và bất động sản.
Tiếp đó, những tháng đầu năm 2016 cũng là thời kỳ cao điểm của Nhựa Đông Á trong việc tiếp cận đối tác. Hồi tháng 3, Nhựa Đông Á thông qua Công ty Chứng khoán Sài Gòn đã làm việc với 7 quỹ đầu tư, gồm Dragon Capital, Vietnam Holding, Vietfund Management, Korea Investment, Thien Viet Asset Management, Manulife Asset Management…
Ngoài ra, Công ty cũng đã làm việc với Quỹ đầu tư DBJ (Nhật Bản) và Tập đoàn Sankyo Tateyama - một tập đoàn lớn của Nhật Bản trong lĩnh vực vật liệu xây dựng. Dự kiến, Tập đoàn Sankyo Tateyama sẽ triển khai các bước hợp tác chiến lược và hỗ trợ Nhựa Đông Á trong phát triển sản phẩm và đưa công nghệ mới từ Nhật Bản vào thị trường Việt Nam.
Nguồn: Chí Tín/baodautu.vn