Tạo hành lang pháp lý
Để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, một văn bản có tính pháp lý cao là Nghị định của Chính phủ đã được ban hành từ cuối năm 2015 và có hiệu lực từ 1/1/2016. Theo đó, hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ bao gồm: Hoạt động trợ giúp của cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân về công nghiệp hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, hợp tác quốc tế, phát triển thị trường; đầu tư dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; cung ứng dịch vụ phục vụ công nghiệp hỗ trợ.
Một số chính sách hỗ trợ cũng được nghị định quy định rõ. Cụ thể, về nghiên cứu phát triển sẽ được tài trợ từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ từ các quỹ, nguồn kinh phí khác dành cho nghiên cứu, phát triển và đào tạo; được xem xét hỗ trợ một phần kinh phí nghiên cứu và phát triển từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với trường hợp tự đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ có kết quả ứng dụng mang lại hiệu quả cao; được Nhà nước hỗ trợ tối đa đến 50% kinh phí đối với Dự án sản xuất thử nghiệm các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; dự án xây dựng cơ sở nghiên cứu và phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và được hưởng các ưu đãi sử dụng đất theo quy định pháp luật về đất đai; được xem xét hỗ trợ tối đa 50% kinh phí đầu tư trang thiết bị nghiên cứu từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Về hỗ trợ chuyển giao công nghệ, nghị định cũng quy định: Tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển giao công nghệ sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được hỗ trợ một phần kinh phí trong việc chuyển giao công nghệ các dự án, đề án hợp tác giữa doanh nghiệp sản xuất và các đơn vị có công nghệ ứng dụng; hỗ trợ tối đa đến 50% chi phí chế tạo thử nghiệm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển.
Cùng với đó, để phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ, nghị định cũng nêu rõ: Cá nhân trực tiếp thực hiện nhiệm vụ của Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên đào tạo nâng cao trình độ ở trong nước và nước ngoài theo các chương trình đào tạo của Nhà nước; ưu tiên tham gia vào Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; hỗ trợ một phần chi phí đăng ký thương hiệu, kinh phí tham gia triển lãm, hội chợ trong và ngoài nước, kinh phí tiếp cận thông tin thị trường và phí dịch vụ từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Hiện thực hóa chính sách
Nhằm hiện thực hóa chủ trương, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 21/2016 (hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2016) hướng dẫn về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp được áp dụng đối với thu nhập của doanh nghiệp thực hiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ từ ngày 1/1/2015 đáp ứng các điều kiện quy định tại Luật số 71/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn thi hành, được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Trong thời gian đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp thực hiện nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh thì doanh nghiệp xác định riêng thu nhập từ dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển để hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định. Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tại thông tư này áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2015.
Ngân hàng Nhà nước cũng vừa ban hành Thông tư số 01/2016/TT-NHNN hướng dẫn cho vay phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đối tượng được vay vốn là các tổ chức, cá nhân đầu tư dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp được ưu tiên hỗ trợ phát triển theo quy định. Cụ thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa khi vay vốn của các tổ chức tín dụng trên cơ sở bảo lãnh của các tổ chức bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định để đầu tư dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, ngoài chính sách ưu đãi cho vay còn được các tổ chức tín dụng xem xét cho vay tối đa 70% vốn đầu tư khi đáp ứng các điều kiện quy định; tổ chức bảo lãnh cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
Về lãi suất, thông tư quy định, tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với phần vốn vay ngắn hạn phục vụ cho dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển không vượt quá mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ.
Bộ Công Thương cũng đang dự thảo Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016-2025 nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân nâng cao năng lực trong hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ. Theo dự thảo, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016-2025 sẽ thực hiện các hoạt động chính như: Xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để thu hút đầu tư vào sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; xúc tiến phát triển thị trường nội địa và xuất khẩu cho các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Dự thảo nghị định đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành trước khi trình Chính phủ ban hành.
Nguồn: VEN