menu search
Đóng menu
Đóng

Phát triển nguồn năng lượng tái tạo

09:37 12/12/2016

Song song với nhiệm vụ bảo đảm đủ điện cho nền kinh tế - xã hội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có nhiều kế hoạch đẩy mạnh đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời nhằm hướng tới một ngành năng lượng xanh.

Tập trung cho năng lượng tái tạo

Ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN - cho biết, căn cứ chiến lược phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt trong Quyết định 2068/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và định hướng phát triển nguồn điện sử dụng NLTT trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, EVN đã và đang nghiên cứu phát triển nhiều nguồn năng lượng điện mới như điện gió, mặt trời nhằm bổ sung nguồn cho hệ thống điện quốc gia; đồng thời có căn cứ so sánh giá thành, đánh giá chi phí tối ưu và hiệu quả của các dự án điện mặt trời để tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách phát triển điện NLTT của Việt Nam.

Trên thực tế, chủ trương phát triển điện NLTT cũng được Hội đồng thành viên EVN thông qua bằng một Nghị quyết. Theo đó, EVN sẽ thực hiện một số dự án nhà máy điện mặt trời tại các địa phương có tiềm năng thuộc khu vực Tây Nguyên, Nam Trung bộ và Nam bộ. Trong đó, ưu tiên lựa chọn các địa điểm gần hoặc thuộc phạm vi địa giới các nguồn điện hiện có của EVN; xem xét đầu tư các dự án điện mặt trời nổi trên mặt nước tại các hồ chứa thủy điện và trên quỹ đất thuộc vành đai bảo vệ và vận hành công trình thủy điện, tạo thuận lợi cho đấu nối lưới điện, giảm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng và hạn chế những phát sinh lớn về lực lượng quản lý vận hành khi các dự án đi vào hoạt động.

Trước mắt, EVN sẽ triển khai nghiên cứu phát triển 2 dự án điện mặt trời, một dự án trên đất liền tại Thủy điện Trị An (tỉnh Đồng Nai) và một dự án nổi trên mặt nước tại hồ thủy điện Đa Mi (tỉnh Bình Thuận).

Cần sự hỗ trợ

Theo ông Nguyễn Cường Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN, ngoài dự án điện mặt trời ở thủy điện Đa Mi, Đồng Nai 4, EVN dự kiến đầu tư các nhà máy điện mặt trời ở các đảo: Côn Đảo, Phú Quý, Lý Sơn và một số dự án điện mặt trời trên đất liền thuộc các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai...

Mới đây, dự án điện gió Phú Lạc giai đoạn I tại tỉnh Bình Thuận do Công ty CP Phong điện Bình Thuận (EVN và các đơn vị thành viên - nắm giữ 75% vốn điều lệ) đầu tư với công suất 24MW đã hoàn thành và đi vào hoạt động đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của EVN trong việc phát triển NLTT tại Việt Nam.

Giám đốc Công ty Phong điện Bình Thuận khẳng định, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục nghiên cứu triển khai tiếp dự án điện gió và điện mặt trời Phú Lạc giai đoạn II với công suất 126MW và hàng loạt dự án khác như dự án Lợi Hải (120MW); Vĩnh Hảo (60MW); Ea HLeo (350MW); Kông Chro (400MW).

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, cũng giống như nhiều doanh nghiệp khác, EVN đang đối mặt với những rào cản cơ chế trong việc phát triển NLTT như chi phí đầu tư cao, thiết bị đa phần là nhập khẩu; giá thành sản xuất cao trong khi giá điện còn thấp... đó là chưa kể đến những khó khăn về quỹ đất; đền bù, giải phóng mặt bằng; các rủi ro về kỹ thuật, quản lý vận hành hệ thống. Vì vậy, cần có sự hỗ trợ từ phía nhà nước thông qua các cơ chế, chính sách cụ thể.

Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước, nhưng việc đẩy mạnh các dự án năng lượng tái tạo là một trong những định hướng và mục tiêu của EVN đang hướng tới với kỳ vọng sẽ mở ra giai đoạn mới trong phát triển năng lượng sạch, công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới phát triển bền vững.

Ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN:

Theo kế hoạch cấp điện giai đoạn 2016 - 2020 đang trình phê duyệt, ngoài các dự án điện gió, trong giai đọan 2018 - 2020, EVN dự kiến sẽ đưa vào vận hành khoảng 500MW điện mặt trời tại khu vực phía Nam.

 Nguồn: Đình Dũng/Báo Công Thương điện tử