menu search
Đóng menu
Đóng

Tiềm năng thời trang Việt Nam

15:16 28/07/2016

Dù đã bắt đầu manh nha từ những năm 1990, ngành công nghiệp thời trang Việt Nam chỉ mới tượng hình trong những năm gần đây.

Trước đó, thế giới hầu như chỉ biết đến Việt Nam như một nước chuyên gia công sản phẩm thời trang cho các thương hiệu lớn trên toàn cầu. Đến nay, ngành thời trang nước ta đã có bước chuyển mình rõ nét nhờ tận dụng những tiềm năng sẵn có cùng sự tiên phong phát triển thời trang nội địa của hàng loạt thương hiệu mới. Đó là ý kiến chung của các chuyên gia có mặt trong buổi hội thảo với chủ đề “Sản xuất thời trang: Made in Vietnam” diễn ra tại Đại học RMIT Việt Nam vào đầu tháng 7 vừa qua.

Theo Tiến sĩ ngành dệt Trần Văn Quyến, sự phát triển kinh tế nước nhà trong những năm gần đây giúp người dân có mức thu nhập tốt hơn, từ đó nhu cầu mua sắm thời trang cũng tăng lên.

Thêm vào đó, người tiêu dùng đã nhận thức tốt hơn về chất lượng thời trang nội địa và quan tâm đến các thương hiệu trong nước hơn trước đây. Những yếu tố này đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong ngành công nghiệp thời trang Việt Nam.

Các chuyên gia nhận định, hiện chúng ta đang có hệ thống sản xuất tốt, nhân công giá rẻ với kỹ năng tốt hơn nhiều nước trong khu vực. Hệ thống kênh phân phối cũng dần hoàn thiện cùng đội ngũ các nhà thiết kế trẻ đang khẳng định phong cách cá nhân. Chúng ta không còn “chậm chân” trong việc cập nhật và bắt kịp xu hướng của thế giới.

Phân tích về khó khăn của ngành trong thời gian trước, cô Victoria Ho - Trưởng ngành Thời trang Đại học RMIT Việt Nam cho biết: “Khá nhiều sinh viên theo học ngành thời trang chỉ được đào tạo kỹ năng thiết kế chứ chưa học được cách chủ động trong việc kinh doanh những sản phẩm của mình. Vì thế, họ chưa thể thành công”.

Đâu là yếu tố tạo nên tương lai cho ngành thời trang?

Đến nay, một số trường đã đầu tư bài bản trong đào tạo cho ngành thiết kế thời trang nên đã đáp ứng những tiêu chuẩn cần thiết. Chương trình đào tạo chuyên sâu về thời trang tại Đại học RMIT Việt Nam là một trong những số đó. Chương trình hướng tới mục tiêu đào tạo những nhà kinh doanh thời trang chuyên nghiệp, có khả năng cạnh tranh ở những môi trường cạnh tranh cao trên thế giới.

Trước thềm hội nhập kinh tế thế giới, thời trang Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều “ông lớn” của thời trang thế giới như Zara, Giordano, Bossini, CK, Mango, D&G, v.v…

Không bi quan về sự cạnh tranh có vẻ không cân sức này, nhà thiết kế Adrian Anh Tuấn cho biết anh không cảm thấy bị đe dọa bởi sự đổ bộ của các hãng thời trang nổi tiếng thế giới vì sự cạnh tranh và cọ xát cả trong và ngoài nước đều cần thiết để ngành công nghiệp thời trang Việt phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Với định hướng trở thành một trong những ngành công nghiệp chủ lực của quốc gia, ngành công nghiệp thời trang không chỉ tiên phong trong việc đưa ra các xu hướng thời trang mang bản sắc dân tộc và định hướng người tiêu dùng Việt Nam trong chọn lựa hàng may mặc, mà quan trọng hơn, công nghiệp thời trang sẽ thúc đẩy phát triển ngành dệt may, chấm dứt tình trạng làm gia công giá rẻ cho nước ngoài.

Nguồn: Đức Nhuận/DoanhnhanSaigon.vn