menu search
Đóng menu
Đóng

Vẫn có cơ hội cho ngành dệt may trong nền kinh tế xanh

08:53 10/01/2025

Chủ tịch Vinatex Lê Tiến Trường khẳng định luôn có thị trường cho các sản phẩm dệt may và ngành dệt may vẫn có thể có công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ xanh và chuyển đổi số.

Chia sẻ về thực tiễn, triển vọng và thách thức của ngành hàng dệt may Việt Nam trước bối cảnh xanh hoá của nền kinh tế tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam lần thứ 17 - VESF 2025 diễn ra chiều 7/1, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, dệt may là ngành xuất khẩu lớn của Việt Nam và là ngành công nghiệp hiếm hoi của Việt Nam đạt quy mô đứng thứ hai thế giới và liên tục trong top 3 trong 6 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, ngành này hiện đang gặp một số vướng mắc. Trong đó, điểm nghẽn về tư duy là yếu tố đầu tiên để quyết định hướng quy hoạch chiến lược phát triển của ngành dệt may và các ngành công nghiệp tương tự.
Dệt may là ngành không thể bị thay thế
“Liệu những ngành công nghiệp như dệt may có đổi mới sáng tạo, công nghiệp điện đại, tự động hoá cao được không? Và trong giai đoạn tới khi mà chúng ta đang hướng tới một nền công nghiệp xanh sạch, có giá trị gia tăng cao thì liệu có chỗ đứng cho dệt may không?”, Chủ tịch Vinatex đặt vấn đề.
Ông Lê Tiến Trường cũng chỉ ra một vấn đề quan trọng khác là sự phát triển của ngành dệt may trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới nền công nghiệp xanh, sạch và có giá trị gia tăng cao là liệu có vị trí nào cho dệt may trong lộ trình của nền kinh tế xanh sắp tới không?
Về vấn đề này, ông Trường khẳng định, các sản phẩm dệt may không thể bị thay thế, luôn có thị trường, nhu cầu nên sẽ luôn có những nhà sản xuất cạnh tranh với nhau.
Những năm gần đây, xu thế của thế giới là sản xuất xanh và tuần hoàn. Tuy nhiên, theo ông Trường, điều này như một hướng đi trong tương lai, trong dài hạn, còn trong triển khai thực tế, sản lượng tăng lên của các sản phẩm xanh là không nhiều. Thậm chí năm 2024, sản lượng tiêu thụ các mặt hàng quần áo xanh thì và từ các nguyên liệu tái chế còn thấp hơn năm 2023. Như vậy, giữa xu thế đi lên và thực tế của quá trình đi lên có sự khác biệt.
Lãnh đạo Vinatex chia sẻ, thế giới đang bắt đầu chuyển vào góc độ “trước khi nói đến recycle (tái chế) thì nói đến reduce (giảm thiểu) và reuse (tái sử dụng) trước”, tức là giảm số lượng tiêu dùng và tái sử dụng giữa các người giàu và người nghèo để giảm đi lượng rác thải lượng tiêu thụ là cách được cho rằng tiết kiệm hơn và rẻ hơn rất nhiều so với việc tái chế.
Ngành dệt may cũng có thể đón 'đại bàng'
Ông Lê Tiến Trường thông tin thêm, trong đánh giá các quốc gia làm hàng dệt may xuất khẩu, có 8 tiêu chí chính, gồm: tốc độ ra thị trường, độ linh hoạt trong sản xuất, chất lượng, đơn giá, rủi ro về lao động và trách nhiệm xã hội, khả năng tích hợp dọc theo chuỗi, rủi ro về môi trường và rủi ro về địa chính trị.
Trong những nước xuất khẩu dệt may lớn trên thế giới hiện nay, Việt Nam đang cùng xếp hạng với Trung Quốc và Ấn Độ khi có tổng điểm của 8 tiêu chí này ở mức 25/40, thuộc loại cao của thế giới, cao hơn cả Bangladesh 22 điểm và Campuchia 21 điểm.
Bên cạnh đó, ông Trường cũng chỉ ra một điểm yếu của Việt Nam đó là mặc dù cả 8 chỉ tiêu đều đạt trên 3 nhưng không có chỉ tiêu nào đạt trên 4 - mức tốt - trở lên, có nghĩa là ngành dệt may của Việt Nam phát triển đều nhưng không có điểm mũi nhọn. Chính vì vậy, những điểm mạnh như chuỗi cung ứng tích hợp hay giá thành sản phẩm của Việt Nam vẫn thua Trung Quốc.
Như vậy, liệu có cơ hội gì cho tương lai của ngành dệt may Việt Nam? Theo ông Lê Tiến Trường, mặc dù ngành dệt may Việt Nam đang đứng thứ hai thế giới về quy mô giao dịch thương mại, chiếm khoảng 7% thị trường dệt may toàn cầu, đồng thời có những thế mạnh về sản xuất hàng khó, chất lượng cao, nhưng vẫn phải đối mặt với một số thách thức lớn trong việc duy trì và phát triển vị thế này trong tương lai.
Trong đó, đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam không chỉ là Trung Quốc, mà còn là các quốc gia như Bangladesh và Ấn Độ, đặc biệt trong vấn đề cạnh tranh về giá.
Hơn thế nữa, về thu hút đầu tư trong ngành dệt may, theo ông Trường, “đại bàng” không chỉ có ở những ngành công nghiệp công nghệ cao như công nghiệp bán dẫn, công nghiệp điện tử mà ngay trong ngành dệt may cũng có “đại bàng”.
“Việt Nam chưa bao giờ có ý tưởng để đón đại bàng của lĩnh vực công nghệ thời trang thì đây là thời điểm cần xác định trong tư duy có làm hay không”, Chủ tịch Vinatex gợi mở.
Mặt khác, để thúc đẩy xu hướng xanh, cần có tài chính xanh, tài chính cho nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo cho khu vực dệt may. Hiện nay, khu vực này rất nhạy về chi phí vốn và rất rủi ro, chúng ta không đủ động lực để doanh nghiệp trong nước có thể phát triển được theo hướng này.
Một điểm nữa góp phần làm giảm yếu tố cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam cần được quan tâm là logistics, phí và thủ tục hành chính ở trong nước. Ông Lê Tiến Trường cho biết, đối với thế giới, dệt may Việt Nam đang có tỷ lệ chi phí logistics trên tổng chi phí giá thành là cao nhất trong những nước xuất khẩu dệt may lớn trên thế giới.
Mặc dù vậy, trong tương lai, ngành dệt may hoàn toàn có cơ hội phát triển trong tương lai, đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế nếu có những chính sách, chiến lược đúng đắn và khắc phục được những điểm yếu hiện tại.
“Ngành dệt may vẫn có dư địa phát triển và là ngành có thể có công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ xanh và chuyển đổi số chứ không phải một ngành công nghiệp thâm dụng lao động theo cách phổ thông thông thường của 30 năm trước”, ông Trường khẳng định.
Doanh nghiệp phải chủ động xanh hoá
Chuyển đổi xanh là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của ngành dệt may trong giai đoạn tới. (Ảnh minh hoạ: TTXVN).
Trước đó, chia sẻ tại Hội nghị tổng kết năm 2024 của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) diễn ra hồi tháng 12/2024, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội cho biết, mặc dù ngành dệt may hiện tại chưa bị bắt buộc phải tuân thủ các quy định về giảm phát thải khí nhà kính, nhưng trong xu thế "xanh hóa" toàn cầu và hướng tới mục tiêu Netzero, các doanh nghiệp cần nhận thức rõ ràng rằng việc chủ động xanh hóa là điều cần thiết.
Ông Giang nhấn mạnh, việc chủ động xanh hóa không chỉ giúp các doanh nghiệp thích ứng với các chính sách mua hàng từ các nhà nhập khẩu mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Theo đại diện VITAS, chuyển đổi xanh là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của ngành dệt may trong giai đoạn tới. Trong bối cảnh toàn cầu đang ngày càng chú trọng đến bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, ngành dệt may Việt Nam cần đẩy mạnh áp dụng các tiêu chuẩn về sản xuất xanh, từ việc sử dụng nguyên liệu bền vững cho đến cải thiện quy trình sản xuất.
Theo TTXVN, ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch VITAS dự báo năm 2025, ngành dệt may vẫn duy trì được mức tăng trưởng khoảng 10%, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 47 - 48 tỷ USD. Tuy nhiên, cuộc cách mạng chuyển đổi xanh và chuyển đổi số trong sản xuất đang tạo ra áp lực kép, buộc doanh nghiệp phải thực hiện đồng thời cả hai hoặc bị đào thải.
Ông Tùng cho biết, nhà mua hàng hiện nay không chỉ khuyến khích mà đã yêu cầu các nhà máy tham gia chuỗi cung ứng phải đạt tiêu chuẩn xanh. Điều này khiến doanh nghiệp phải đầu tư thay đổi máy móc, công nghệ, hệ thống quản trị với chi phí không hề nhỏ, trong khi giá bán sản phẩm lại không tăng, thậm chí giá xuất khẩu sang Mỹ còn đang giảm 5%.
Do đó, để đạt tăng trưởng 10%, ông Trần Như Tùng cho rằng các doanh nghiệp dệt may cần đầu tư nhiều hơn vào cải tiến, tài chính, nhân lực và chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. 

Nguồn:doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn

Link gốc