menu search
Đóng menu
Đóng

Báo cáo kết quả 5 năm triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam của Bộ Công Thương

16:14 28/10/2018

Vinanet - BÁO CÁO TÓM TẮT KẾT QUẢ 5 NĂM TRIỂN KHAI NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG
Ngay sau khi Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được công bố vào năm 2013, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tư pháp, hàng năm, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch và văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện trong toàn ngành Công Thương
05 năm qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành trên 60 văn bản chỉ đạo về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và công tác triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam của Bộ Công Thương.
Trên cơ sở đó, căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình tình thực tiễn, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong toàn Ngành đã tổ chức quán triệt, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện nghiêm túc Ngày Pháp luật.
Được coi là ngày hội tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, Ngày pháp luật trong ngành Công Thương tập trung vào các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, khẳng định vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật trong đời sống xã hội; giới thiệu nội dung Hiến pháp và các văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Ngành.
Theo thống kê sơ bộ, trong 05 năm qua, ngành Công Thương đã tổ chức hơn 100 lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Pháp luật với sự tham gia của hàng nghìn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; tổ chức hàng trăm Hội nghị phổ biến, quán triệt nội dung văn bản mới ban hành đến các đối tượng điều chỉnh tại văn bản quy phạm pháp luật; tích cực tham gia các Cuộc thi tìm hiểu pháp luật. Trong cuộc thi viết tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Bộ Công Thương có gần 23.000 bài dự thi (không bao gồm các Sở Công Thương). Đây là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý có sức lan tỏa, có ảnh hướng lớn trong toàn ngành Công Thương, góp phần không nhỏ đưa nội dung, tinh thần của Hiến pháp vào thực tiễn công tác của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong toàn Ngành.
Cùng với các hoạt động nêu trên, nội dung Ngày pháp luật của Bộ Công Thương còn tập trung vào việc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh quản lý nhà nước của Bộ; Hoàn thiện thể chế, xây dựng văn bản pháp luật, nhất là các văn bản phục vụ cho việc triển khai thi hành và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013. Với hơn 300 văn bản, Luật,pháp lệnh, nghị định, thông tư củaBộ Công Thương chủ trì, soạn thảo, trong đó có nhiều văn bản quan trọng như Pháp lệnh quản lý thị trường, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Cạnh tranh (sửa đổi)…được ban hành trong 05 năm qua đã tạo hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện để Bộ Công Thương thực hiện có hiệu quả hơn nhiệm vụ quản lý nhà nước, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Tinh thần Ngày Pháp luật đã được duy trì thường xuyên, liên tục, bám sát chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương “Ngày pháp luật phải được tiến hành có hiệu quả, thường xuyên, liên tục, hướng tới tất cả các ngày trong năm đều là Ngày pháp luật”. Đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo như: Tổ chức Hội nghị đối thoại, lấy ý kiến doanh nghiệp về thủ tục hành chính của Bộ Công Thương; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật và trao giải thưởng theo tuần (Tập đoàn Điện lực Việt Nam); Phát thanh trên hệ thống phát thanh nội bộ, phát thanh trên xe ô tô đưa đón người lao động từ nơi ở đến nơi làm việc (Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam); Phát động, phổ biến các chuyên đề theo tháng như: Tháng thanh niên với an toàn giao thông đường bộ, Tháng hôn nhân và gia đình, Tháng hành động phòng chống may túy, tội phạm; Thành lập Câu lạc bộ pháp luật; Tổ chức các hội trại, các diễn đàn, trong đó lồng ghép các chủ đề pháp luật trong các hoạt động (các Trường thuộc Bộ)… Với kết quả nêu trên, có thể khẳng định rằng, Ngày pháp luật trong ngành Công Thương được thực hiện rất đa dạng, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thi hành Ngày pháp luật còn tồn tại một số tồn tại như: lãnh đạo một số đơn vị chưa thực sự quan tâm đến việc triển khai thực hiện Ngày pháp luật; nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức thực hiện Ngày pháp luật ở một số đơn vị còn mang tính hình thức, chưa đi vào chất lượng và tính hiệu quả. Nguồn kinh phí phục vụ triển khai Ngày pháp luật mặc dù đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng so với yêu cầu, nhiệm vụ, báo cáo của một số đơn vị còn chậm.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục quán triệt, phổ biến để nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về vai trò, vị trí, ý nghĩa của Hiến pháp, pháp luật, làm cho việc tìm hiểu, nghiên cứu, học tập Hiến pháp, pháp luật trở thành công việc hàng ngày của mọi người. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tổ chức Ngày pháp luật gắn với đổi mới nội dung, hình thức triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Coi trọng công tác tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, nhân rộng và phát huy các mô hình, cách làm hay, sáng tạo; Kịp thời tôn vinh những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích đóng góp cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Quan tâm kiện toàn bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế, báo cáo viên pháp luật trong ngành Công Thương./.